Thách thức của chiếc ghế Chủ tịch ASEAN 2023

- Thứ Tư, 04/01/2023, 06:45 - Chia sẻ

Nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN của Indonesia được kỳ vọng sẽ giúp giảm thiểu tác động của các vấn đề chính trị và an ninh quan trọng trong khu vực, đưa ASEAN trở thành một tổ chức hiệu quả hơn. Với trách nhiệm của mình, Indonesia sẽ phải bảo vệ lợi ích quốc gia và lợi ích toàn khối, cũng như đưa ra các giải pháp mới giúp ASEAN vượt qua các thách thức và giải quyết các vấn đề đang được quan tâm trong khu vực cũng như trên toàn cầu.

Những khó khăn của khu vực 

Indonesia đã chính thức trở thành chủ tịch của tổ chức hơn 600 triệu dân - ASEAN. Với sự thành công của Indonesia tại Hội nghị G20 vừa qua, quốc gia này đang mang lại những kỳ vọng lớn trong bối cảnh bất ổn và cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt trên thế giới.

Nguồn: East Asia Forum
Nguồn: East Asia Forum

Đầu tiên, tình hình chính trị bất ổn ở một số nước ASEAN vẫn tiếp diễn, điển hình nhất là cuộc khủng hoảng ở Myanmar, sự thiếu ổn định trên chính trường Thái Lan trước thềm bầu cử năm 2023 và các tranh chấp sau cuộc khủng hoảng chính trị năm 2020 ở Malaysia mới tạm thời được giải quyết. Những biến động này cũng góp phần vào bức tranh chính trị nhiều biến động ở khu vực trong năm nay. Thứ hai, sự phục hồi kinh tế ở một số thành viên ASEAN không đồng đều. Mặc dù hầu hết các nền kinh tế ASEAN đều có tốc độ phục hồi và tăng trưởng kinh tế sau đại dịch, nhưng vẫn còn tồn tại một số quốc gia trong khu đang có dấu hiệu phục hồi không bền vững như Campuchia, Myanmar và Lào. 

Cuối cùng, nhiều nước ASEAN chịu áp lực từ ảnh hưởng của các nước lớn đối trọng lẫn nhau cả trong và ngoài khu vực. Ở khía cạnh đối trọng Mỹ - Nga, ảnh hưởng về quân sự của Mỹ lên trục Thái Lan - Singapore và Philippines dễ tạo nên các kết nối hình thành vành đai quân sự do Mỹ xây dựng, trong khi ảnh hưởng quân sự của Nga ở hai hành lang khác lại tạo nên hai vành đai bọc lấy vành đai nói trên của Mỹ. Còn ở khía cạnh đối trọng Mỹ - Trung, sự đầu tư về kinh tế - tài chính và cơ sở hạ tầng của Trung Quốc vào các quốc gia hạ nguồn sông Mekong (trong khuôn khổ Hợp tác Mekong - Lan Thương) được xem là đối trọng trực tiếp với sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong (LMI), đã tạo nên nhiều sự chồng chéo và khó khăn cho nỗ lực điều phối của Ủy hội sông Mekong (MRC).

Trọng tâm của nhiệm kỳ Chủ tịch

Theo kế hoạch, Indonesia sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN ngay trong tháng 1.2023 và Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 ngay trong quý I.2023 để xác định những vấn đề ưu tiên trong năm. Quốc gia này cũng sẽ tổ chức một số sự kiện quan trọng trong thời gian đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN, bao gồm Diễn đàn Cơ sở hạ tầng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Diễn đàn Doanh nghiệp kinh tế sáng tạo ASEAN.

Vấn đề có thể trở thành trọng tâm trong nhiệm kỳ chủ tịch của Indonesia là việc Timor Leste trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN, sau khi nước này được nhận quy chế quan sát viên tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40 - 41 vừa qua. Indonesia là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất việc Timor Leste trở thành thành viên ASEAN và muốn chứng kiến nước này gia nhập càng sớm càng tốt. Điều này sẽ biến ASEAN thành một điển hình về chủ nghĩa khu vực mạnh mẽ và hợp tác kinh tế trong nhiệm kỳ chủ tịch của Indonesia. Về kinh tế và phát triển bền vững, quốc gia này cũng gánh vác vai trò dẫn dắt, được kỳ vọng sẽ mang lại sự ổn định và thịnh vượng trong khu vực ở nhiều vấn đề, bao gồm phục hồi hậu đại dịch Covid-19, sự gián đoạn chuỗi cung ứng khu vực, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, an ninh mạng, kinh tế kỹ thuật số...

Bên cạnh đó, Indonesia cũng nhấn mạnh về "ba vòng cung kết nối". Thứ nhất, "vòng cung cốt lõi" nhằm thu hút lợi ích giữa Indonesia với thế giới là quan trọng nhất. Vòng cung này có mục tiêu trọng yếu nhằm quy tụ tối đa các lợi ích chung của các nước lớn và các tổ chức quốc tế vào năng lực điều phối của Indonesia dựa trên nền tảng chiến lược "Trục hàng hải toàn cầu" (GMF). Đây cũng là một định hướng giúp cho ASEAN duy trì khả năng điều phối các chương trình nghị sự với đối tác bên ngoài, ngay cả trong trường hợp có thêm thành viên gặp bất ổn về chính trị hoặc vì khó khăn kinh tế. Để phát triển vòng cung này, Tổng thống Joko Widodo đã tích cực vận động 13 tỉ USD đầu tư từ cả Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản trong chuyến công du Đông Bắc Á vào tháng 7.2022. Indonesia cũng đã hợp tác hạ tầng với Trung Quốc qua dự án đường sắt Jakarta - Bandung, đồng thời vận động quá trình dịch chuyển một loạt các công ty công nghệ của Nhật Bản và Hàn Quốc từ Trung Quốc qua khu vực tây Java của Indonesia.

Thứ hai là "vòng cung vùng đệm" gắn kết các nước ASEAN, bao gồm những nỗ lực song phương và đa phương của Indonesia nhằm củng cố sự đoàn kết nội khối của ASEAN thông qua việc tăng cường gắn kết các trục, định hình các tam giác và tứ giác hợp tác trong khu vực. Các động thái mong muốn cùng Philippines phục hồi các kết nối hàng hải và hàng không chủ lực thuộc nhóm tuyến đường ở khu vực phát triển phía đông ASEAN (BIMP-EAGA) vào tháng 6.2022, hoàn tất đàm phán phân định khu vực đặc quyền kinh tế với Việt Nam vào tháng 12.2022. Cùng với đó mở rộng tam giác tuần tra biển Sulu lên thành tứ giác Indonesia - Malaysia - Philippines - Brunei từ tháng 4.2022.

Cuối cùng là "vòng cung cân bằng", nhằm giảm xung đột giữa các nước lớn. Đây được đánh giá là vòng cung bao quát nhất, vì nó vừa dựa trên sự kế thừa ảnh hưởng của các kiến trúc an ninh y tế, an ninh kinh tế và chuyển đổi số sau Năm chủ tịch Hội nghị G20 của Indonesia vừa qua, vừa dựa trên chủ trương hòa giải giữa các nước lớn như sáng kiến muốn trở thành trung gian hòa bình giữa Nga và Ukraine mà Indonesia đã thúc đẩy xuyên suốt năm 2022.

Tham vọng đưa ASEAN tỏa sáng 

Với kinh nghiệm lèo lái thành công G20 trong nhiệm kỳ đầy khó khăn vừa qua, cùng chính sách đối ngoại độc lập và mối quan hệ lành mạnh với các quốc gia trong khu vực, vai trò Chủ tịch ASEAN của Indonesia có thể mang lại những triển vọng hữu ích và có lợi cho khu vực, qua đó khẳng định sức mạnh và tầm vóc mới của ASEAN trong năm 2023. Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi khẳng định, quốc gia này mong muốn ASEAN duy trì vai trò nổi bật và phù hợp trong việc giải quyết các vấn đề khác nhau mà người dân Indonesia cũng như khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và thế giới đã và đang phải đối mặt.

ASEAN có quyền hy vọng vào Năm chủ tịch ASEAN của Indonesia trước những gì mà Tổng thống Joko Widodo đã thể hiện trong Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11.2022 tại Bali. Đó là một hội nghị khó khăn nhất của G20 kể từ khi ra đời, vì vấn đề xung đột Ukraine trở thành tâm điểm của thế giới nói chung và giữa các thành viên nói riêng. Song, Indonesia được đánh giá rất khéo léo trong việc thuyết phục và xoa dịu để đi đến sự thỏa hiệp giữa các bên thể hiện qua tuyên bố chung được tất cả đại diện các nước G20 đồng ý đặt bút ký. Tinh thần thúc đẩy hòa bình đã được Tổng thống Indonesia nêu bật thông qua chủ đề Năm chủ tịch ASEAN 2023 là "ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng".

Thông qua chủ đề này, ASEAN mong muốn trở thành một khu vực hòa bình, ổn định và là "mỏ neo" cho sự ổn định toàn cầu. ASEAN cũng sẽ tôn trọng luật pháp quốc tế, các giá trị nhân đạo và sẽ không đóng vai trò người ủy nhiệm cho bất kỳ cường quốc nào.

Như Ý