Brazil:

Thách thức an ninh đến ngay đầu năm

- Thứ Ba, 10/01/2023, 06:37 - Chia sẻ

Hình ảnh đám đông bạo loạn tràn vào Đồi Capitol khi Quốc hội Mỹ kiểm phiếu đại cử tri bầu Tổng thống năm 2021 từng làm rúng động cả thế giới mới đây lại tái diễn, lần này là tại một địa điểm khác cách xa nước Mỹ. Cuối tuần qua, hàng nghìn người cực đoan ủng hộ cựu Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã phá vỡ hàng rào an ninh xông vào Quốc hội, Dinh Tổng thống và Tòa án Tối cao của nước này, gây ra cảnh tượng hỗn loạn, hoang tàn với nhiều cửa sổ, bàn ghế bị đập vỡ, phá hoại…

Nguồn cơn của bạo loạn

Vụ hỗn loạn trên diễn ra chỉ một tuần sau khi chính trị gia cánh tả kỳ cựu Luiz Inácio Lula da Silva, tuyên thệ nhậm chức Tổng thống mới của Brazil hôm ngày đầu năm mới 2023. Tuy nhiên, hàng nghìn phần tử cực đoan ủng hộ ông Bolsonaro - người hay được gọi là “Donald Trump của Brazil” - quyết không chấp nhận chiến thắng sít sao của ông Lula da Silva trong cuộc bầu cử hồi tháng 10.2022, người trở lại nắm quyền sau 12 năm gián đoạn. Theo kết quả chính thức của Tòa án Bầu cử tối cao Brazil (TSE) lúc đó, ông Lula da Silva, 77 tuổi, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Brazil vòng hai với hơn 60,3 triệu phiếu ủng hộ, trở thành Tổng thống của Brazil, với 50,9% phiếu bầu so với 49,1% dành cho ông Bolsonaro.

Thách thức an ninh đến ngay đầu năm -0
Đám đông bạo loạn tại trụ sở Quốc hội Brazil. Nguồn: AFP

Biểu tình bạo động xảy ra khi ông Lula da Silva đang ở thành phố Araraquara, miền Đông Nam, thị sát các vùng chịu ảnh hưởng của lũ lụt. Tổng thống Lula da Silva tuyên bố trước hành động “man rợ” của những người gây bạo loạn tại các cơ quan quyền lực nhất của đất nước: "Tất cả những đối tượng này sẽ bị phát hiện và trừng phạt đích đáng, còn những thế lực bơm tiền cho chúng sẽ bị loại trừ tận gốc". Đồng thời, ông ra lệnh cho an ninh liên bang lập lại trật tự tại Brasilia và tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở đây “nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm trật tự công cộng quy mô mới”, có hiệu lực tới hết tháng 1.2023.

Tổng thống đương nhiệm của Brazil còn quy trách nhiệm cho ông Bolsonaro về vụ việc, và chỉ trích về tình trạng thiếu an ninh ở Thủ đô của quốc gia Nam Mỹ này, dẫn đến tình trạng “những phần tử phát xít” và “cuồng tín” tàn phá Brasilia. Tuy nhiên, tính đến ngày 9.1, an ninh chung đã được lập lại, cảnh sát bắt giữ ít nhất 400 đối tượng và con số này chắc chắn sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới khi cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra.

Bản thân cựu Tổng thống Bolsonaro cũng lên án các cuộc tấn công vào các cơ quan quan trọng ở Thủ đô Brasilia thông qua một dòng trạng thái đăng trên Twitter. Ông cho biết: “Biểu tình ôn hòa, tuân thủ luật pháp, là một phần của nền dân chủ. Tuy nhiên, những vụ cướp phá và xâm phạm các tòa nhà công quyền như những gì đã xảy ra, đều không hợp pháp”. Bên cạnh đó, ông bác bỏ trách nhiệm của bản thân với vụ bạo loạn. Trong khi đó, ông Valdemar Costa Neto, người đứng đầu đảng Tự do cánh hữu của ông Bolsonaro, đồng quan điểm rằng “rối loạn chưa bao giờ thuộc nguyên tắc của quốc gia chúng ta. Tôi muốn nói rằng chúng tôi rất lên án kiểu thái độ này. Luật pháp phải được thực thi, để củng cố nền dân chủ của chúng ta”.

Trước hỗn loạn chưa từng có tiền lệ ở Thủ đô của Brazil, rất nhiều lãnh đạo quốc tế đã lên tiếng. Ở Mỹ, quốc gia từng chứng kiến thảm cảnh tương tự, Tổng thống Joe Biden mô tả vụ việc là “không thể chấp nhận được”, vì cuộc tấn công nhắm vào nền dân chủ và quá trình chuyển giao quyền lực hòa bình ở Brazil. Ông cho biết, Mỹ hoàn toàn ủng hộ các thể chế dân chủ ở Brazil và “không ai được phép làm suy yếu ý chí của nhân dân Brazil. Tôi mong được tiếp tục hợp tác với Tổng thống Lula”.

Tại các nước láng giềng châu Mỹ khác, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador lên án các “âm mưu đảo chính và phản dân chủ” vừa xảy ra ở Brazil, khẳng định tân lãnh đạo Lula da Silva sẽ không đơn độc vì “ông ấy có sự hỗ trợ từ các lực lượng tiến bộ trong nước, từ Mexico, châu Mỹ và cả thế giới”, trong khi Tổng thống Chile Gabriel Boric chỉ trích “cuộc tấn công nhằm vào nền dân chủ là hèn hạ”. Bên cạnh đó, cả Chủ tịch Cuba Miguel Diaz Canel lẫn Ngoại trưởng nước này Bruno Rodriguez đều lên tiếng phản đối những hành động gây hỗn loạn là không tôn trọng ý chí chung của người dân Brazil thông qua bầu cử, đồng thời kêu gọi tôn trọng dân chủ tại nước này.

Các lãnh đạo Nam Mỹ khác từ Tổng thống Colombia Gustavo Petro, Tổng thống Argentina Alberto Fernandez đến Tổng thống Ecuador Guillermo Lasso, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, Tổng thống Bolivia Luis Arce, Tổng thống Paraguay Marito Abdo Benitez… cũng tỏ thái độ phẫn nộ trước những hành động “âm mưu đảo chính”, “chống lại trật tự dân chủ và sự an toàn của người dân”. Tất cả bày tỏ sự ủng hộ đối với chính quyền Tổng thống Lula da Silva, nhấn mạnh tình đoàn kết ở khu vực Mỹ Latin cần phải được phát huy vào thời điểm quan trọng này.

Ở châu Âu, những nhân vật quan trọng của lục địa già như Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrel Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez… cũng không quên chia sẻ sự ủng hộ của các nước này với chính quyền Brazil cùng với việc lên án mạnh mẽ những hành động “phản dân chủ”.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres thì đặc biệt chia sẻ quan điểm, “ý chí của người dân Brazil và các thể chế của đất nước phải được tôn trọng. Tôi tin chắc rằng nó sẽ như vậy. Brazil là quốc gia dân chủ vĩ đại”.

Thách thức của tân Tổng thống 

Có thể nói, vụ hỗn loạn tại nhà Quốc hội, dinh Tổng thống và Tòa án Tối cao vừa qua đã khởi đầu cho một loạt thách thức đang chờ nhà lãnh đạo đương nhiệm Lula Da Silva gánh vác. Trước mắt, đó là nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho Thủ đô Brasilia để không cho tái diễn những hỗn loạn như vừa diễn ra. Hiện các nhà chức trách Brazil đã mở cuộc điều tra về vụ bạo động và Tổng thống Lula chỉ thị sớm đưa những đối tượng đứng sau hành vi phá hoại ra trước pháp luật. Theo ông, đơn vị cảnh sát Thủ đô đã không có phản ứng kịp thời ngăn chặn người biểu tình.

Tuy nhiên đây không phải là thách thức đau đầu duy nhất. Thực tế, sau khi trở thành Tổng thống, giới phân tích nhận định nhiệm vụ của ông Lula da Silva không hề dễ dàng. Với sự hiện diện mạnh mẽ của phe bảo thủ tại cả hai viện của cơ quan lập pháp Brazil, ông có thể đối mặt với vô vàn thách thức khi thúc đẩy luật mới.

Sau nhiệm kỳ của cựu tổng thống Jair Bolsonaro, nhà lãnh đạo đương nhiệm -  ông Lula da Silva cam kết với các nhà lập pháp sẽ xây dựng lại đất nước, đề cập đến tầm quan trọng của nền dân chủ mà ông nói đã chiến thắng trước “các mối đe dọa bạo lực” mà ông nói nước này đã phải chịu đựng.

Ông sẽ phải đối mặt với thách thức thay đổi vận mệnh của một quốc gia bị chia rẽ về chính trị, vì sau chiến thắng vòng hai của ông vào tháng 10, những người ủng hộ ông Bolsonaro trên toàn quốc, tức giận với kết quả bầu cử, đã chặn các con đường trên khắp Brazil, thúc giục quân đội phải can thiệp. Bạo loạn vừa qua là minh chứng rõ nhất.

Để thay đổi bộ mặt Brazil, ông Lula da Silva đã đề cập đến một loạt chính sách từ sự cần thiết phải thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Brazil, đến việc tập trung vào sản xuất trong nước và tránh nhập khẩu nước ngoài. Nhà lãnh đạo, vốn từng là cựu công nhân ngành kim loại, mô tả “sứ mệnh cuộc đời” của mình trong chính trị là giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực và bảo đảm tất cả người dân Brazil có đủ ăn. Ông hứa quyết tâm chống lại sự bất bình đẳng và đấu tranh cho quyền của phụ nữ và người da đen.

Chính trị gia cánh tả lâu năm này còn kêu gọi đối thoại nhiều hơn giữa Chính phủ và các liên đoàn lao động để giúp thúc đẩy việc xây dựng pháp luật về lao động mới. Về chính sách môi trường, ông Lula da Silva nhấn mạnh tầm quan trọng của quá trình chuyển đổi năng lượng xanh và Bộ Bản địa sau những bất công mà cộng đồng người bản địa phải đối mặt, cùng với nhu cầu phấn đấu hướng tới không phá rừng, nhất là tại rừng rậm nhiệt đới Amazon, vốn được coi là lá phổi xanh của hành tinh.

Bên cạnh những vấn đề trên, Tổng thống đương nhiệm còn phải đối mặt với thách thức đảo ngược suy thoái kinh tế ở Brazil, đặc biệt là sau khi cựu Tổng thống Bolsonaro tăng phúc lợi xã hội và giới hạn thuế nhiên liệu và năng lượng.

Trên bình diện quốc tế, ông Lula da Silva sẽ phải cố gắng xây dựng lại các mối quan hệ đối ngoại sau các chính sách cứng rắn của ông Bolsonaro khiến Brazil bị cô lập…

Linh Anh