Pháp luật về chống "tẩy xanh" trên thế giới:

"Tẩy xanh" - chiêu trò mới trong kỷ nguyên phát triển bền vững

- Chủ Nhật, 21/07/2024, 07:15 - Chia sẻ

Trong bối cảnh nhân loại đang hướng tới phát triển bền vững, nhiều doanh nghiệp đã và đang tìm cách xây dựng thương hiệu gần gũi, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, cũng không ít doanh nghiệp cố tình xây dựng hình ảnh xanh không thực chất. Hành vi "tẩy xanh" này gây rất nhiều mối lo ngại về pháp lý lẫn uy tín, buộc nhiều cơ quan quản lý trên thế giới phải nhanh chóng đưa ra các biện pháp giải quyết mạnh tay.  

Định nghĩa về “tẩy xanh”

Thuật ngữ “tẩy xanh” (greenwashing) được nhà môi trường người Mỹ tên Jay Westervelt đề cập lần đầu vào năm 1986. Từ năm 1996, nó trở nên phổ biến khi được đề cập trong cuốn sách “Tiếp thị môi trường” của tác giả Easterling và cộng sự. Đến năm 1999, từ điển tiếng Anh Oxford định nghĩa “tẩy xanh” là thông tin sai lệch, không có cơ sở hoặc cố ý gây hiểu lầm do một tổ chức phổ biến nhằm thể hiện hình ảnh có trách nhiệm với môi trường trước công chúng. Còn theo từ điển Cambridge, “tẩy xanh” được thiết kế để khiến mọi người tin rằng doanh nghiệp đang làm nhiều hơn để bảo vệ môi trường so với thực tế.

Nguồn: Life law
Nguồn: Life law

Nói chung, các doanh nghiệp “tẩy xanh” thường chi nhiều tiền cho quảng cáo các sáng kiến xanh hơn là thực hiện các hành động thân thiện với môi trường thực sự. Điều đó không chỉ lừa dối người tiêu dùng, mà còn đặt các doanh nghiệp thực sự đề cao tính bền vững vào thế bất lợi. Thực tế, tình trạng bùng nổ các quảng cáo xanh đã mang lại cơ hội lớn cho các nhà quảng cáo, nhưng lại là thách thức không nhỏ cho nhiều cơ quan quản lý, vốn không phải lúc nào cũng có sẵn cơ chế để hạn chế các hoạt động quảng cáo không đầy đủ thông tin hoặc thiếu trung thực.

Các quốc gia hành động

Tại Vương quốc Anh, Cơ quan Cạnh tranh và thị trường đã đẩy mạnh điều tra các thương hiệu thời trang lớn liên quan đến các tuyên bố xanh mơ hồ về sản phẩm của họ. Trong khi đó, Ủy ban Cạnh tranh và người tiêu dùng Australia liệt kê truyền thông bền vững là một trong số các ưu tiên của mình. Tại Italy, công ty dầu mỏ Eni vào năm 2020 bị phạt 5 triệu euro vì gọi dầu diesel của họ là “xanh”. Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) cũng cập nhật các hướng dẫn về tuyên bố bền vững và từng phạt chuỗi siêu thị Kohl's và Walmart vì tiếp thị vải rayon là tre. Gần đây nhất, vào ngày 27.6, Tòa Tư pháp Liên bang Đức đã ra phán quyết chống hoạt động “tẩy xanh” trong quảng cáo, yêu cầu các sản phẩm được tiếp thị là “xanh” phải đưa ra giải thích rõ ràng, chi tiết về lợi ích liên quan đến khí hậu. Phán quyết được đưa ra sau khi nhà sản xuất đồ ngọt Katjes của nước này dán nhãn sản phẩm của mình là “trung hòa về khí hậu” - thuật ngữ mà tòa cho là dễ gây hiểu nhầm do chưa chuẩn xác.

Nhìn sang Singapore, các hoạt động “tẩy xanh” trong lĩnh vực tài chính đang dần tăng lên khi có nhiều khoản đầu tư được phân bổ cho các dự án phát triển bền vững. Thực tế, các doanh nghiệp và quỹ được đánh giá cao về các chỉ số ESG (môi trường, xã hội và quản trị) đã thu hút hàng nghìn tỷ USD đầu tư trong những năm gần đây. Để hạn chế “tẩy xanh”, tất cả các công ty niêm yết ở Singapore, bao gồm cả ngân hàng, sẽ phải công khai thông tin phù hợp với các khuyến nghị của nhóm các nền kinh tế lớn (G20). Đồng thời, thông tin tài chính của các doanh nghiệp có liên quan đến biến đổi khí hậu được yêu cầu công bố thường xuyên. Bên cạnh đó, Singapore còn khởi động chương trình dùng trí tuệ nhân tạo để giúp phân tích rủi ro của ngành tài chính, thông qua đó để xác định những rủi ro môi trường, cũng như kiểm tra việc chống “tẩy xanh” trong lĩnh vực này. Singapore cũng yêu cầu  bảo đảm chất lượng thông tin của các doanh nghiệp về các báo cáo tác động đến sự phát triển bền vững.

Còn tại châu Âu, tháng 3.2022, EU thông qua quy định về công bố quỹ bền vững. Đây được xem là biện pháp quan trọng nhằm thiết lập các tiêu chuẩn và khung báo cáo trên toàn cầu về đầu tư tài chính xanh. Ngoài ra, EU đưa ra kế hoạch chống “tẩy xanh” trong nỗ lực làm sạch carbon. Ngày 30.11.2022, Ủy ban châu Âu đề xuất các quy tắc giúp thiết lập một hệ thống chứng nhận loại bỏ carbon. Theo đó, để đạt được chứng nhận này, doanh nghiệp sẽ phải công bố thông tin chính xác và rõ ràng về những tác động đối với môi trường. Đầu năm 2024, Nghị viện châu Âu thông qua luật mới chống hành vi "tẩy xanh", đưa thông tin sai lệch về sản phẩm. Cụ thể, các nhãn sản phẩm phải được ghi rõ ràng hơn, cấm sử dụng các tuyên bố chung chung về môi trường mà không có bằng chứng xác thực, và chỉ cho phép sử dụng các nhãn dựa trên các chương trình chứng nhận chính thức…

Trước đó, Chỉ thị số 2005/29/EC về thực hành thương mại không lành mạnh và Chỉ thị số 2011/83/EU về quyền của người tiêu dùng là hai bộ luật quan trọng nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trước các hành vi gian lận, trong đó có tẩy xanh. Chúng giúp người tiêu dùng có quyền truy cập vào thông tin chính xác, đáng tin cậy về tác động môi trường của các sản phẩm, đồng thời bảo vệ họ trước các hành vi không công bằng có thể khiến họ lựa chọn và sử dụng nhầm các sản phẩm không thực sự thân thiện với môi trường…

Ngọc Minh (Tổng hợp từ Bloomberg, Euronews)
#