Chuyển động mang tính bước ngoặt
Theo ABCNews, Syria đang quay trở lại với cộng đồng Ảrập, mặc dù chưa có dấu hiệu nào về giải pháp cho cuộc nội chiến hiện đã bước sang năm thứ 13 ở nước này. Cuộc xung đột bế tắc kéo dài khiến gần nửa triệu người thiệt mạng kể từ tháng 3.2011 và hàng chục triệu người khác phải rời bỏ đất nước. Nhiều nỗ lực hòa giải đã không thành công.
Cuối tuần trước, Liên đoàn Ảrập thông qua việc tái gia nhập của Syria tại cuộc họp kín ở Cairo. Điều đó có nghĩa là Tổng thống Syria Bashar al Assad có thể tham dự Hội nghị thượng đỉnh của Liên đoàn Ảrập tại Jeddah, Ảrập Xêút vào ngày 19.5 tới. Liên đoàn Ảrập là tổ chức gồm 22 thành viên được thành lập năm 1945 nhằm thúc đẩy hợp tác khu vực và giải quyết các tranh chấp. Song nhiều người cho rằng, tổ chức này chưa thực sự tỏ ra hiệu quả và lâu nay luôn phải đấu tranh rất nhiều để giúp giải quyết các cuộc xung đột, đặc biệt là trong thời kỳ chiến tranh gần đây ở Syria, Yemen và Libya, cũng như những rạn nứt ngoại giao gay gắt giữa các chế độ quân chủ vùng Vịnh và Qatar nhiều năm trước.
Liên đoàn Ảrập đình chỉ tư cách thành viên của Syria vào năm 2011 sau khi các vụ biểu tình chống Chính phủ diễn ra rầm rộ biến thành cuộc nội chiến tàn khốc. Qatar, Ảrập Xêút và một số quốc gia Ảrập khác đã hỗ trợ cho các nhóm vũ trang đối lập cố gắng lật đổ Tổng thống Assad, vốn được Nga, Iran và các lực lượng dân quân có liên hệ với Tehran hậu thuẫn.
Sau nhiều năm chiến tranh, Chính phủ Syria kiểm soát chắc chắn phần lớn đất nước, đặc biệt là hầu hết các thành phố lớn. Các nhóm đối lập hoặc lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn kiểm soát hầu hết miền Bắc và miền Đông Syria. Và rõ ràng trong nhiều năm nay, việc phe đối lập lật đổ chính quyền của Tổng thống Assad là hầu như không thể. Theo giới phân tích, các chính phủ Ảrập có thể từng hy vọng vào kết quả đó giờ đang quyết định tốt hơn là nên tiếp cận với chính quyền của ông.
Trong những năm gần đây, một số quốc gia Ảrập đã tiến tới thiết lập lại quan hệ ngoại giao với Syria, đáng chú ý nhất là Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất vào năm 2018. Jordan và Syria mở lại biên giới vào năm 2021. Tháng trước, Ảrập Xêút và Syria cũng thông báo họ đang tiến tới mở lại các đại sứ quán và nối lại các chuyến bay.
Trận động đất kinh hoàng ngày 6.2 tấn công Syria và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đẩy nhanh quá trình nối lại quan hệ, mang lại thiện cảm cho Syria. Hơn 6.000 người đã thiệt mạng ở Syria và hàng trăm nghìn người mất nhà cửa. Các quan chức cấp cao từ các quốc gia từng là thù địch đã đến thăm Damascus lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ và gửi hàng viện trợ bằng máy bay.
Nhiều chuyên gia cho rằng, tiếp cận chính quyền của Tổng thống Assad với lý do khủng hoảng nhân đạo là một cách ít gây tranh cãi hơn để tiếp tục cải thiện quan hệ. Thúc đẩy khác là thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian nhằm thiết lập lại quan hệ giữa Ảrập Xêút và đối thủ khu vực Iran, đang khuyến khích họ giảm leo thang xung đột như Syria và Yemen.
Vẫn cần nhiều thời gian
Bà Randa Slim, quan chức tại Viện Nghiên cứu Trung Đông có trụ sở ở Washington, nhận định, việc Mỹ “không ưu tiên cho Trung Đông và đặc biệt là hồ sơ Syria” đã khiến các chủ thể trong khu vực thực hiện các thỏa thuận của riêng họ với Damascus, bất chấp sự phản đối của "đất nước cờ hoa".
Ảrập Xêút, quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy Syria trở lại Liên đoàn Ảrập, đã tổ chức một cuộc họp vào tháng trước để thảo luận về chủ đề trên. Ngoài ra, Jordan cũng tổ chức một cuộc họp khác vào đầu tháng này. Ngược lại, Qatar vẫn là quốc gia nổi bật nhất không ủng hộ bắt tay Syria. Tuy nhiên, sau quyết định tiếp nhận lại Damascus cuối tuần trước, nước này tuyên bố “sẽ không trở thành trở ngại” đối với “sự đồng thuận của người Ảrập”. Bên cạnh Qatar, Kuwait cũng không mấy tán thành việc bình thường hóa. Ông Bader Al-Saif, trợ giảng lịch sử tại Đại học Kuwait, cho biết Kuwait “muốn biết các điều kiện là gì, giải pháp chính trị như thế nào. Sẽ có bầu cử không? Một lời xin lỗi? Bất cứ điều gì?”.
Ở cấp độ biểu tượng, Syria trở lại Liên đoàn Ảrập báo hiệu cho phe đối lập Syria rằng “họ bị bỏ lại một mình”, bà Slim nói. Nhưng ở mức độ thực tế, theo bà “một ghế tại Liên đoàn Ảrập không có quyền lực như vậy”. Bởi các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu có thể sẽ ngăn cản các nước Ảrập đầu tư đáng kể vào việc tái thiết trong tương lai gần.
Nhiều người Syria ở các khu vực do Chính phủ kiểm soát hy vọng sẽ thấy được lợi ích thương mại lớn hơn với thế giới Ảrập nhằm giúp bù đắp cuộc khủng hoảng kinh tế đang làm tê liệt đất nước. Ông Alghannam nhận định, điều đó có thể xảy ra. “Nếu có sự ổn định, tôi tin rằng sẽ có dòng vốn đầu tư và thương mại vùng Vịnh với Syria”, ông nói. Tuy nhiên, quan hệ Ảrập Xêút - Syria đã căng thẳng ngay cả trước khi xảy ra xung đột Syria, “vì vậy việc xây dựng lòng tin sẽ mất thời gian”, ông lưu ý.
Tuyên bố của Liên đoàn Ảrập đưa ra sau cuộc họp cuối tuần trước cho biết, quá trình tái hòa nhập hơn nữa của Syria sẽ phụ thuộc vào việc hướng tới một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột, chống buôn bán ma túy và tạo điều kiện cho người tị nạn hồi hương. Các nước vùng Vịnh cũng thúc đẩy Damascus kiềm chế ảnh hưởng của Iran ở Syria.
Vaitrò của Mỹ suy yếu
Hàng loạt cuộc “cách mạng màu” do Mỹ và đồng minh phương Tây chủ xướng đã khuấy động chính trường của nhiều nước ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi hơn 10 năm về trước, trong đó, Syria là điển hình cho sự thất bại. Lực lượng đối lập, được Mỹ và các đồng minh tích cực ủng hộ, không thể lật đổ được chính quyền hợp hiến do Tổng thống Syria Assad lãnh đạo.
Tuy nhiên, Tổng thống Assad và những người ủng hộ đã phải trả cái giá rất đắt, đó là: cuộc nội chiến đẫm máu giữa lực lượng chính phủ với phe đối lập, cùng với đó là lực lượng chiếm đóng do Mỹ đứng đầu và các tổ chức khủng bố khét tiếng kéo dài suốt từ đó đến nay.
Trong khi Syria bị chiến tranh tàn phá nghiêm trọng khiến hàng chục triệu người phải đi lánh nạn, Mỹ và các đồng minh phương Tây còn đẩy nước này vào thế bị cô lập trên trường quốc tế, nhất là ở ngay tại Trung Đông, khi Syria bị loại khỏi nhiều tổ chức, trong đó có Liên đoàn Ảrập. Ngoài ra, họ còn phải đương đầu với chính sách bao vây, cấm vận khắc nghiệt chưa từng có về chính trị, kinh tế, quân sự... Tuy nhiên, cùng với sự trợ giúp đặc biệt của Nga kể từ năm 2015, quân đội Chính phủ Syria đánh bại các tổ chức khủng bố và lực lượng chống đối, kiểm soát phần lớn lãnh thổ đất nước, từng bước lập lại trật tự xã hội, khôi phục sản xuất, tạo lòng tin của nhân dân trong nước, bạn bè quốc tế.
Kể từ đầu năm 2023, chính trường Trung Đông thay đổi nhanh chóng, trong đó có hàng loạt động thái của các bên liên quan giúp thúc đẩy tiến trình chấm dứt xung đột, khôi phục hoàn toàn chủ quyền và hội nhập của Syria. Đáng chú ý nhất chính là việc chính thức trở lại Liên đoàn Ảrập của Syria hôm 7.5 vừa qua, chưa đầy hai tuần trước thềm cuộc họp thượng đỉnh của khối.
Phản ứng trước diễn biến mới này, Mỹ tỏ ra không tin Syria xứng đáng được trở lại Liên đoàn Ảrập vào thời điểm hiện tại, đồng thời tuyên bố các biện pháp trừng phạt chống Damascus của Mỹ vẫn giữ nguyên hiệu lực bởi Washington vẫn hoài nghi việc Tổng thống Assad sẵn sàng thực hiện các bước cần thiết để giải quyết khủng hoảng. Có thể nói, việc Syria quay trở lại “mái nhà chung” cho thấy nỗ lực của Mỹ và đồng minh thực hiện “cuộc cách mạng màu” ở nước Trung Đông này đã thất bại. Và diễn biến quan trọng này sẽ góp phần giúp làm nguội bớt “chảo lửa Trung Đông”.