Được đặt trên bàn cà phê trong văn phòng ốp gỗ của Martin Chungong, tại trụ sở cũ của tổ chức, nơi được gọi là “Maison des Parlements” (Ngôi nhà của các nghị viện) ở Grand-Saconnex, Thụy Sĩ, một khung ảnh được trưng bày một cách đầy trân trọng. “Cậu có thấy bức ảnh này không?”, Tổng thư ký chỉ vào chiếc khung ảnh và hỏi phóng viên của Geneva Solutions. “Bức ảnh được chụp vào 2018 bên lề cuộc họp Đại hội đồng IPU tại Geneva”. Trong bức ảnh là hai người đàn ông đang bắt tay, ly rượu vang trước mặt họ, và họ chuẩn bị nâng cốc chúc mừng. “Đó là Trưởng đoàn đại biểu Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên tham dự IPU”. Ông Chungong đứng cạnh họ. Bức ảnh thể hiện tình hữu nghị hiếm hoi giữa hai quốc gia vốn đang trong tình trạng thù địch.
Mặc dù khoảnh khắc này đã trôi qua, nhưng bức ảnh vẫn giành được vị trí trân trọng, cho thấy những gì tổ chức 135 tuổi này đặt ra: thúc đẩy hòa bình và dân chủ thông qua ngoại giao và đối thoại liên nghị viện.
Martin Chungong - chính trị gia người Cameroon 66 tuổi, đã đi qua gần nửa nhiệm kỳ thứ ba của vị trí Tổng thư ký và là năm thứ 10 ông đảm nhiệm chức vụ này. Ông cũng là nhà lãnh đạo châu Phi đầu tiên trở thành người đứng đầu ở một tổ chức đa phương. Ông Chungong mô tả việc bổ nhiệm ông là “trái ngọt của những tiến bộ nền dân chủ” mà IPU là nơi chứng kiến đầu tiên.
Ông Chungong cho biết, trong những năm qua, IPU đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để củng cố các nghị viện ở các quốc gia bất ổn như ở Gabon, nơi ông đã tới thăm và đề nghị IPU hỗ trợ họ soạn thảo một bộ luật bầu cử mới khi quốc gia Trung Phi này chuẩn bị quay trở lại bầu cử vào năm 2025. Trước đó, ông cũng có các chuyến thăm tới các quốc gia bị đảo chính khác, bao gồm Mali, Guinea và Burkina Faso để hỗ trợ về đối thoại chính trị và thiết lập lại các thiết chế dân chủ như nghị viện.
Tháng 2 vừa qua, ông Chungong đã có chuyến thăm tới Armenia và Azerbaijan để xúc tiến cho vòng đàm phán cấp cao thứ hai giữa Chủ tịch Quốc hội hai nước. Vòng đàm phán diễn ra vào tháng 5 vừa qua, đánh dấu lần thứ hai Chủ tịch Quốc hội hai nước đang có xung đột gặp nhau tại trụ sở IPU. Cuộc gặp nhấn mạnh vai trò quan trọng của Quốc hội hai nước trong việc hỗ trợ các nỗ lực hòa giải như một phần của tiến trình hòa bình.
Tháng 2 vừa qua cũng diễn ra một cuộc họp quan trọng của Ủy ban về Trung Đông của IPU, với sự tham dự của đại diện Nghị viện Israel và Hội đồng Lập pháp Palestine trong bối cảnh cuộc xung đột kéo dài ở Gaza. Tại đây, Ủy ban kêu gọi các nghị viện thành viên hợp tác với Chính phủ để tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho người dân Gaza; khẩn cầu cộng đồng nghị viện toàn cầu tập trung nỗ lực vào việc ngăn chặn xung đột kéo dài. Các thành viên Ủy ban khẳng định mong muốn đến thăm Gaza trong tương lai gần để đánh giá tình hình thực tế và xem xét cách họ có thể đóng góp vào các nỗ lực xây dựng hòa bình. Ủy ban đã nhận được sự bảo đảm từ đại diện của Israel và Palestine rằng một phái đoàn như vậy sẽ được hoan nghênh.
Ở nhiều quốc gia từng trải qua đảo chính và chiến tranh, đối thoại và hòa đàm vẫn là giải pháp cuối cùng. Hòa bình sẽ đạt được từ những nỗ lực của IPU, Tổng thư ký IPU đã khẳng định trong phát biểu khai mạc Đại hội đồng IPU lần thứ 148 vào tháng 3.2024: “Chúng ta ở đây để cung cấp nền tảng, nỗ lực để xây dựng những cây cầu cho hòa bình và sự thấu hiểu… Bằng cách cộng tác, lắng nghe và xây dựng lòng tin, chúng ta có thể tìm ra những bước đi chủ động hướng tới hòa bình và hòa giải”.