Chuyên gia quốc tế tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022:

Sự hồi phục kinh tế cần phải "xanh"

- Thứ Ba, 20/09/2022, 06:52 - Chia sẻ

Đánh giá cao đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19, các chuyên gia quốc tế cho rằng, giờ cũng là cơ hội để Việt Nam xây dựng lại nền kinh tế xanh, bền vững hơn phù hợp với mục tiêu và cam kết mạnh mẽ về môi trường của Việt Nam.

Không đánh đổi giữa môi trường và kinh tế

Bên lề Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022 diễn ra ngày 18.9 tại Hà Nội, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Jonathan Pincus cho rằng, Việt Nam cần phục hồi nền kinh tế một cách bền vững cả về sức khỏe và môi trường. Trao đổi với phóng viên bên lề Diễn đàn, ông nhận định: “Sau hai năm chống chọi với đại dịch Covid-19, chúng ta có cơ hội xây dựng lại nền kinh tế, bền vững hơn. Chúng ta biết rằng, đã đến lúc cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ mô hình phát triển cũ, không thực sự xem xét những tác động lâu dài của con người đối với môi trường, sang áp dụng một tư duy về phát triển mới - trong đó chúng ta không đánh đổi giữa môi trường, kinh tế và sức khỏe, mà để các yếu tố này tương trợ lẫn nhau.

Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Andrea Coppola phát biểu tại Phiên toàn thể của Diễn đàn Kinh tế Xã hội 2022 diễn ra chiều 19.9 tại Hà Nội . Ảnh Hồ Long
Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Andrea Coppola phát biểu tại Phiên toàn thể của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 diễn ra chiều 18.9 tại Hà Nội. Ảnh: Hồ Long

Điểm quan trọng là sự hồi phục của chúng ta cần phải "xanh". Nghĩa là trong quá trình phục hồi, chúng ta cần thiết lập tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng một cách bền vững, đối với cả vấn đề khí hậu lẫn các khía cạnh khác của phát triển bền vững. Việt Nam đã đưa ra một cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vào năm ngoái là đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, tức là còn chưa đầy 30 năm nữa. Đây là một cam kết vô cùng lớn.

Theo ông, để làm điều này Việt Nam sẽ cần một khoản đầu tư rất lớn vào năng lượng tái tạo, chuyển đổi nhanh chóng từ sử dụng nhà máy nhiệt điện than, vận tải bằng phương tiện có động cơ chạy bằng nhiên liệu xăng dầu... sang sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng hydro xanh... "Đó là một thách thức vô cùng lớn và sẽ đòi hỏi hàng trăm tỷ USD đầu tư trong vòng 15 năm tới hoặc lâu hơn”, ông Jonathan Pincus đánh giá.

Thiết lập các quy định về ngân hàng "xanh"

Liên quan đến mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Andrew Jeffries cho rằng, Việt Nam cần vốn đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng, đồng thời giảm phát thải khí carbon. Theo đó, Việt Nam cần sớm thiết lập các quy định về ngân hàng xanh để khuyến khích các ngân hàng tham gia phân khúc này; đồng thời cần có những cải cách nhằm khuyến khích các công ty bảo hiểm và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tài trợ cho các tài sản "xanh" thông qua thị trường trái phiếu.

Theo ông, Việt Nam không thể và không nên nợ quá nhiều để đạt được những điều này. Do đó, những cải cách nhằm cải thiện huy động nguồn lực trong nước, cải thiện khu vực ngân hàng, thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán cũng như giải pháp thu hút, khuyến khích đầu tư tư nhân trở thành kênh cung cấp tài chính cho các hoạt động này là rất quan trọng, nhằm giảm áp lực lên ngân sách Trung ương. Tất cả các hoạt động này đều liên quan trực tiếp đến mục tiêu, cũng là thách thức đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Việt Nam và nhiều thách thức khác.

Lộ trình tăng trưởng xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Cũng liên quan đến tăng trưởng xanh, ông Andrea Coppola, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận định: “Xử lý những thách thức liên quan đến môi trường và khí hậu được xác định là một trong những trụ cột trong chiến lược quốc gia của Việt Nam. Chú trọng vào tăng trưởng xanh sẽ giúp Việt Nam ứng phó với những thách thức ngày càng lớn liên quan đến biến đổi khí hậu trên toàn cầu, sự suy giảm rõ rệt nguồn vốn thiên nhiên của Việt Nam".

Ông chỉ ra rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu. Việt Nam đang chịu ảnh hưởng bởi tình trạng nước biển dâng, thời tiết cực đoan, bão, lụt… Tổng hợp kết quả thăm dò ý kiến đối với trên 10.000 doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam về tác động của biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai đối với hoạt động của doanh nghiệp năm 2019 cho thấy, phần lớn doanh nghiệp chịu tác động lớn tới hoạt động sản xuất và năng suất lao động khi gặp phải cú sốc liên quan tới biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu cũng có thể làm suy giảm, ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam, do làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng, doanh nghiệp nhập khẩu và nhà đầu tư quốc tế vì họ ngày càng quan tâm nhiều hơn tới các sản phẩm và các ngành công nghiệp xanh. Trong bối cảnh đó, việc giảm phát thải carbon từng bước trong nền kinh tế chính là cách để cải thiện năng lực cạnh tranh của quốc gia và giảm thiểu phí tổn liên quan tới thiên tai. Chính vì vậy, trên cơ sở đó, WB vừa công bố Báo cáo Khí hậu và phát triển quốc gia Việt Nam, nhằm tìm ra lời giải cho câu hỏi: Làm thế nào để tăng trưởng xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Báo cáo của WB khuyến nghị lộ trình nhằm hướng đến khả năng chống chịu của nền kinh tế, trong đó, nhấn mạnh vào Chương trình phối hợp vùng đồng bằng sông Cửu Long tập trung vào ngăn chặn sụt lún đất và xâm nhập mặn; chỉnh trang cơ sở vật chất hiện có để ứng phó với tình trạng ngập lụt tốt hơn; sửa đổi Luật Đất đai để hạn chế tình trạng xâm phạm thảm thực vật; củng cố Hội đồng Điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long; khuyến khích sử dụng trái phiếu xanh để huy động tài chính cho các dự án mới.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần cân nhắc một chương trình đầu tư tổng hợp thích ứng khí hậu cho các trung tâm đô thị chính và hạ tầng kết nối vùng duyên hải, trong đó, nâng cấp tài sản đường bộ và điện lực theo các tiêu chuẩn chống chịu khí hậu; nâng cao khả năng chống chịu, bao gồm ở cả các khu công nghiệp; đầu tư công nghệ số cho hệ thống cảnh báo sớm; giới thiệu các công cụ bảo hiểm và tự bảo hiểm rủi ro; tăng cường và thực thi hiệu lực chính sách và quy hoạch sử dụng đất.

Với lộ trình giảm thải carbon mà Việt Nam đề ra, WB khuyến nghị, cần đẩy nhanh chuyển đổi sang năng lượng sạch, vì lĩnh vực năng lượng hiện chiếm tới 40% lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Để làm được điều đó, Việt Nam cần đẩy mạnh cải thiện khung pháp quy, xúc tiến các thỏa thuận mua năng lượng khả thi về tài chính; Chính phủ cần xem xét đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng năng lượng, bảo đảm đầu tư cho năng lực lưới điện, chính sách giá hiệu quả, theo dõi dấu ấn carbon tại các doanh nghiệp tư nhân lớn.

Các cấp có thẩm quyền cần xem xét triển khai một chương trình mục tiêu về giảm ô nhiễm không khí có mục tiêu tại Hà Nội bằng các giải pháp như giảm phụ thuộc vào than; giảm sử dụng đầu vào gây ô nhiễm và giảm đốt rác thải; áp dụng chuẩn mực chặt chẽ hơn về khí thải xe cơ giới. Bên cạnh đó, cần có các chính sách nhằm bảo vệ những đối tượng có nguy cơ dễ tổn thương nhất; mở rộng quy mô mạng lưới an sinh xã hội; đầu tư tăng cường kỹ năng người lao động; cải cách giáo dục đào tạo hướng đến các ngành công nghiệp xanh; nâng cao nhận thức và kêu gọi hành động từ phía người dân…

Quỳnh Lan – Thanh Chi