Sóng nhiệt khắc nghiệt tại châu Âu

- Thứ Hai, 20/06/2022, 05:51 - Chia sẻ

Các nước châu Âu đang phải đối mặt với những ngày nắng nóng được dự báo có nhiệt độ tăng ở mức kỷ lục. Điều này dấy lên lo ngại về nguy cơ cháy rừng, cũng như tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Nguồn: The Guardian
Nguồn: The Guardian

Pháp, Tây Ban Nha và một số nước Tây Âu đang hứng chịu mức nhiệt cao nhất trong đợt nắng nóng tháng 6. Giới khoa học đã cảnh báo rằng hiện tượng này sẽ xuất hiện sớm hơn mọi năm do tình trạng nóng lên toàn cầu, gây ra hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan và cháy rừng.

EU đón sóng nhiệt kỷ lục 

Những ngày qua, nhiệt độ tại nhiều địa phương của Pháp đã vượt qua 39 độ C. Bộ Y tế Pháp kích hoạt đường dây nóng và đưa ra cảnh báo đỏ về tình trạng nắng nóng gay gắt. Bộ phận Gironde xung quanh Bordeaux đã cấm các sự kiện công cộng, bao gồm các buổi hòa nhạc và các địa điểm trong nhà không có điều hòa nhiệt độ. Nhiệt độ ở nhiều khu vực của Pháp lần đầu tiên đạt 40 độ C trong năm nay và dự kiến ​​sẽ đạt đỉnh lên tới 41 - 42 độ C vào những ngày tới. Nhiệt độ ban đêm kỷ lục vào tháng 6, 26,8 độ C, được ghi nhận ở Tarascon, miền Nam nước Pháp. Mười bốn cơ quan hành chính đang trong tình trạng báo động đỏ, với các học sinh được yêu cầu ở nhà trong những khu vực này. Việc giới hạn tốc độ ở một số khu vực, bao gồm cả xung quanh Paris đã được hạ thấp để hạn chế lượng khí thải, cũng như sự tích tụ của khói bụi độc hại.  

Tại Tây Ban Nha, người dân nước này cũng đang hứng chịu đợt nắng nóng sớm nhất ghi nhận trong lịch sử hơn 40 năm, với mức nhiệt độ lên tới 40 độ C (104 độ F) ở Madrid. Với nhiệt độ vượt ngưỡng 40 độ C ở các khu vực miền trung và nam Tây Ban Nha, đợt nắng nóng hiện tại được cho là xuất hiện sớm, bằng với đợt nắng nóng từ năm 1981. Cơ quan thời tiết quốc gia Tây Ban Nha AEMET cảnh báo, đợt nắng nóng có thể còn tồi tệ hơn trên khắp đất nước do sự hiện diện của cát và bụi trong không khí từ Sahara.

Tại Đức, nhiều khu vực cũng ghi nhận nhiệt độ trên 40 độ C, và hiện tượng cháy rừng xảy ra ở một số nơi, trong đó có vùng Brandenburg gần Berlin. Đám cháy đã lan rộng hơn 60 hecta tính đến đêm 18.6. Chính quyền Hà Lan cũng đưa ra cảnh báo, trong những ngày tới sẽ là ngày nóng nhất tại nước này từ đầu năm đến nay. Cơ quan khí tượng quốc gia dự báo thành phố Limburg phía nam đất nước sẽ đạt 35 độ C. Các chuyên gia khí tượng cho rằng, nắng nóng sớm trong mùa hè này là do hiện tượng nóng lên toàn cầu, khiến các mức nhiệt độ vốn chỉ có vào tháng 7, tháng 8 lại đã xảy ra ngay tháng 6 tại Tây Âu.

Hệ quả của biến đổi khí hậu

Với sự biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, Italy đối mặt với tình trạng hạn hán nghiêm trọng xảy ra ở nhiều địa phương. Một số thị trấn ở miền bắc Italy đã thực hiện cắt nước luân phiên. Riêng vùng Lombardy có thể phải ban bố tình trạng khẩn cấp khi hạn hán kỷ lục đe dọa mùa thu hoạch. Các khu vực miền Bắc Italy có nguy cơ mất tới một nửa sản lượng nông nghiệp do hạn hán, do các hồ và sông bắt đầu chảy xuống mức thấp nguy hiểm, gây nguy hiểm cho việc tưới tiêu. Liên đoàn các công ty tiện ích Utilitalia, trong tuần này đã cảnh báo rằng con sông dài nhất của đất nước, đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 70 năm, khiến nhiều đoạn của tuyến đường thủy rộng lớn phía bắc bị khô cạn hoàn toàn. 

Trong khi đó, các quốc gia Địa Trung Hải cũng bày tỏ sự lo ngại về việc biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế và cuộc sống của họ như thế nào. Điển hình như bán đảo Iberia là một khu vực ngày càng khô hạn và dòng chảy của các con sông ngày càng chậm. Tại Tây Ban Nha, nắng nóng cực đoan gây cháy rừng đã thiêu rụi gần 9.000ha tại khu bảo tồn thiên nhiên Sierra de la Culebra của Tây Ban Nha, khiến hơn 200 người phải rời nhà cửa lánh nạn. Hơn 3.000 cư dân sống gần công viên Puy du Fou tại miền trung Tây Ban Nha cũng phải sơ tán do lo ngại đám cháy rừng gần đó. Các nhân viên cứu hỏa đang chiến đấu với đám cháy rừng ở một số vùng của quốc gia này, trong đó Catalonia ở phía đông Tây Ban Nha, Zamora gần biên giới phía tây với Bồ Đào Nha bị ảnh hưởng nặng nề nhất, từ 8.500 đến 9.500ha đã biến thành tro bụi.

Tại Bồ Đào Nha, luồng không khí nóng đã xuất hiện, mặc dù tại đây nhiệt độ không cao như các quốc gia châu Âu khác như Lisbon có thể lên tới 27 độ C. Tuy nhiên, Cơ quan thời tiết IPMA của Bồ Đào Nha cho biết, vào hồi tháng 5 được ghi nhận là tháng nóng nhất trong 92 năm, đồng thời cảnh báo rằng phần lớn lãnh thổ đang bị hạn hán nghiêm trọng. Các hồ chứa của Bồ Đào Nha có mực nước thấp, trong đó đập Bravura bị ảnh hưởng nặng nề nhất chỉ đầy 15%.

Đợt nắng nóng chồng chất này càng làm tăng áp lực lên các hệ thống năng lượng, khi nhu cầu về điều hòa không khí có nguy cơ đẩy giá cao hơn nữa. Điều này làm tăng thêm thách thức trong việc tích trữ các kho dự trữ để bảo vệ khỏi bất kỳ sự cắt giảm nào nữa đối với nguồn cung khí đốt của Nga.

Mối nguy về sức khỏe

Nắng nóng, biến đổi khí hậu cũng có khả năng làm tăng nguy cơ bệnh truyền nhiễm. Theo nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature, khả năng nhiễm chéo có thể ngày càng gia tăng mạnh mẽ khi khí hậu trái đất nóng lên, có thể lây nhiễm hàng nghìn loại virus mới cho con người. Do sự nóng lên toàn cầu buộc các động vật phải di chuyển nơi sinh sống để tìm đồ ăn và nơi có điều kiện thời tiết lạnh hơn. Các tác giả nghiên cứu dự báo, sẽ có ít nhất 15.000 đợt lây truyền virus mới giữa các loài vào năm 2070 nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 2 độ C. Chuyên gia cảnh báo rằng, việc các nước thất bại trong mục tiêu kiềm chế tình trạng biến đổi khí hậu và giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ gây ra thảm họa tồi tệ hơn.

Thời tiết nóng do biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng, làn sóng nhiệt xuất hiện ngày càng sớm mỗi năm chính vì biến đổi khí hậu. Người phát ngôn Tổ chức Khí tượng Thế giới ở thành phố Geneva, Thụy Sĩ Clare Nullis cho biết, những gì thế giới đang phải chứng kiến và trải qua hôm nay mới là khúc dạo đầu của tương lai và nếu không có những biện pháp thực sự cụ thể và hiệu quả, thì tình trạng này sẽ còn diễn biến phức tạp hơn nữa, mà con người khó có thể tưởng tượng ra.

Giải pháp giảm tác động của nắng nóng

Theo các chuyên gia, có nhiều cách để giảm tác động của nắng nóng như sơn trắng mái nhà ở các nước nóng để phản chiếu ánh nắng mặt trời, trồng cây thường xuân trên tường ở các vùng ôn đới, trồng cây lấy bóng mát, xây đài phun nước và nhiều mảng xanh hơn ở các thành phố, thay đổi vật liệu sử dụng cho các tòa nhà… đều được đánh giá có thể hữu ích, và tất cả người dân đều có thể làm được.

Song những biện pháp này mãi mãi chỉ là tạm thời, và phương án tối ưu nhất chỉ có cắt giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính mới có thể ngăn chặn sự hỗn loạn khí hậu. Các đợt nắng nóng đang diễn ra khi Trái đất ấm lên khoảng 1,2 độ C so với mức tiền công nghiệp. Các quốc gia đã nhất trí tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc COP26 vào tháng 11.2021 sẽ nỗ lực không để nhiệt độ tăng quá 1,5 độ C. Nếu không đạt được mục tiêu này thì những tán cây râm mát hoặc những mái nhà trắng cũng không bảo vệ được khoảng 1 tỉ người phải chịu cái nóng khắc nghiệt.

Bên cạnh đó, hiện EU đang thảo luận về một gói biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu, đề xuất cải tổ thị trường carbon nhằm giảm phát thải, cấm bán ô tô sử dụng động cơ đốt trong vào năm 2035 và đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo. Các đề xuất này được đưa ra nhằm giảm 55% lượng khí thải nhà kính của EU vào năm 2030 so với các mức của năm 1990.

Như Ý