Singapore tìm cách hạ nhiệt lạm phát

- Thứ Sáu, 22/07/2022, 06:10 - Chia sẻ

Singapore vốn được xem như là trung tâm tài chính Đông Nam Á và hiện cũng đang phải đối mặt với nguy cơ lạm phát tăng cao. Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) cảnh báo, giá cả ở Singapore sẽ tiếp tục ở mức cao, thậm chí còn cao hơn và kéo dài hơn đến năm 2023. 

Vì sao lạm phát kéo dài?

Theo MAS, dự kiến tăng trưởng kinh tế của Singapore vào năm 2023 sẽ ở mức vừa phải, phù hợp với xu hướng chậm lại ở các nền kinh tế đối tác thương mại lớn của nước này, đồng thời lạm phát sẽ giảm, mặc dù vẫn cao hơn mức trung bình 1,5% kể từ năm 2000. Song, MAS cho biết thêm, giá cả tại Singapore có thể vẫn ở mức cao và thậm chí có nguy cơ kéo dài. 

Nguồn: CNN
Nguồn: CNBC

Nguyên nhân hiện hữu rõ nhất là các cú sốc mới về giá hàng hóa toàn cầu. Các cú sốc mới đối với nguồn cung năng lượng, lương thực và thực phẩm toàn cầu nảy sinh từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã làm gia tăng sức ép lạm phát. Kể cả khi không có sự tác động từ những cú sốc mới, cuộc xung đột hiện nay vẫn có chiều hướng kéo dài, và theo đó giá năng lượng và hàng hóa toàn cầu sẽ tiếp tục bị đẩy lên cao. Từ đó sẽ thúc đẩy lạm phát giá tiêu dùng toàn cầu trong những tháng tới.

Tiếp đến là những sự gián đoạn nguồn cung ở nước ngoài, không chỉ từ cuộc xung đột, mà còn về sự bùng phát làn sóng Covid-19 do các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 kéo theo các lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại ở một số quốc gia. Sự rạn nứt hay đứt quãng chuỗi cung ứng bắt đầu tái nổi lên trong nửa cuối năm 2021. Hạn chế đi lại ở các nền kinh tế khác nhau một lần nữa có thể gây ra sự tắc nghẽn các chuỗi sản xuất, như làm gián đoạn việc xếp dỡ hàng hóa ở các cảng biển lớn. Trong khi đó, phải kể tới nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang phải hứng chịu những hạn chế như vậy do chính sách "Zero Covid" của quốc gia này. 

Nguyên nhân cuối cùng là tình trạng thiếu hụt lao động ở Singapore. Bắt nguồn từ sự thắt chặt thị trường lao động, cũng là nguyên nhân then chốt dẫn đến áp lực lạm phát ở hầu hết các nền kinh tế tiên tiến. Nhu cầu lao động đã tăng lên rõ rệt so với sự sụt giảm trong thời kỳ đại dịch. Tình trạng thiếu hụt lao động dẫn đến việc tăng lương vượt quá mức tăng năng suất, gây ra áp lực giá cả. Singapore hiện đã hoàn toàn mở cửa lại biên giới và đón dòng lao động nước ngoài nhập cảnh, nhưng dường như chưa đủ, lĩnh vực du lịch và dịch vụ được cho là cần nhiều lao động nhất.Trong khi đó, đại dịch Covid-19 cũng gây ra sự thiếu hụt lao động trong lĩnh vực sản xuất. Do đó, việc tìm kiếm và thuê nhân công trong lĩnh vực này đang diễn ra rất mạnh mẽ và có sự cạnh tranh gay gắt. Cơ quan Phát triển doanh nghiệp Singapore (Enterprise Singapore) đã công bố dữ liệu cho thấy, tháng 6.2022, xuất khẩu nội địa không bao gồm dầu mỏ (NODX) của nước này tăng tháng thứ 19 liên tiếp, với mức tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, mặt hàng điện tử xuất khẩu tăng 4,1% trong tháng 6, giảm mạnh so với mức tăng 12,9% trong tháng 5, xuất khẩu phi điện tử tăng 10,6% trong tháng 6, sau mức tăng 11,7% của tháng trước.

Một số chuyên gia nhận định rằng, việc sản xuất và xuất khẩu mạnh sẽ tốt cho nền kinh tế, nhưng Singapore hiện vẫn không có đủ lao động để đáp ứng nhu cầu đang tăng cao. Có thể cần thận trọng khi làm chậm hoạt động sản xuất và xuất khẩu để giữ lạm phát trong tầm kiểm soát cho đến khi nguồn cung có thể cải thiện trong tương lai. Do đó, lạm phát tại quốc gia này có thể sẽ vẫn duy trì trong nửa cuối năm nay và chỉ bắt đầu hạ nhiệt vào thời điểm kết thúc năm.

3 kịch bản

Theo đánh giá của các chuyên gia, tính đến thời điểm này, dự kiến kinh tế Singapore sẽ không suy thoái cũng như không xảy ra tình trạng lạm phát đình trệ trong năm 2023. Song, với tình trạng nền kinh tế toàn cầu có những rủi ro suy giảm đáng kể, MAS đưa ra ba kịch bản cho nền kinh tế của Singapore.

Theo đó, kịch bản MAS đánh giá là hợp lý nhất, tức là tăng trưởng chậm lại đủ để giảm lạm phát nhưng nền kinh tế cũng sẽ tránh được suy thoái. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, với thị trường hiện nay, rất khó để Singapore có thể đạt được kết quả này, thay vào đó là suy thoái kỹ thuật nhẹ, ngắn hạn giúp kiềm chế được lạm phát và đặt ra một giai đoạn cho sự phục hồi. 

Mặt khác, kịch bản xấu là ở một số nền kinh tế lớn sẽ suy thoái sâu hơn ngay cả khi lạm phát giảm. Kịch bản này có thể xảy ra nếu việc thắt chặt chính sách tiền tệ như lãi suất cao hơn sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn trên thị trường tài chính. Suy thoái ở một số nền kinh tế lớn như Mỹ hay Liên minh châu Âu (EU) có thể gây ra những tác động đáng kể đến toàn thế giới, trong đó có nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu như Singapore.

Kịch bản tồi tệ là tăng trưởng đình trệ trong khi lạm phát vẫn ở mức cao, gọi là lạm phát đình trệ. Kịch bản này có thể xảy ra nếu các cú sốc hay gián đoạn nguồn cung mới làm lạm phát gia tăng hơn nữa trong khi việc thắt chặt chính sách tiền tệ làm giảm mạnh hoạt động kinh tế. Nhưng giới phân tích nhận định rằng, kịch bản này hiếm khi xảy ra, nhưng nếu có thì nó sẽ đem lại tình thế tiến thoái lưỡng nan về chính sách cho cả các chính phủ, cũng như các ngân hàng trung ương.

Chìa khóa hãm phanh

Theo giới chuyên gia, phương án có thể giúp hãm đà lạm phát là đồng đô la Singapore (SGD) mạnh hơn. Nhà kinh tế cấp cao tại Công ty Dịch vụ tài chính Barclays (Anh) Brian Tan nhận định rằng, nền kinh tế Singapore chắc chắn đang hoạt động trên mức tiềm năng, vì tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu lao động do đại dịch và hoạt động sản xuất phục hồi mạnh mẽ. Mặc dù đồng SGD mạnh hơn có khả năng ảnh hưởng đến động lực xuất khẩu, chuyên gia Brian Tan cho rằng, đây có thể là những gì đất nước cần để hạ nhiệt áp lực lạm phát đang gia tăng, do nhu cầu tăng trên diện rộng, bao gồm cả xuất khẩu và sản xuất.

Nhiệm vụ của SGD lúc này chính xác là làm chậm xuất khẩu, SGD tăng giá so với biên độ chính sách và điều đó đương nhiên sẽ làm chậm phần còn lại của nền kinh tế. Sau khi MAS thông báo sẽ thực hiện một số bước điều chỉnh cụ thể hơn để thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm chống lạm phát, đồng tiền Singapore đã tăng gần 0,7% lên 1,3963 SGD đổi 1 USD. Dự kiến vào tháng 10 tới, các nhà kinh tế MAS sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa.

Như Ý