Quyết định rủi ro của Tổng thống Macron

- Thứ Ba, 11/06/2024, 06:57 - Chia sẻ

Trong một động thái bất ngờ vào tối muộn ngày 9.6 (rạng sáng ngày 10.6 giờ Việt Nam), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố giải tán Quốc hội và bầu cử lập pháp sớm sau khi đảng của ông thất bại nặng nề trước phe cực hữu trong cuộc đua giành ghế Nghị viện châu Âu. Tuy nhiên, việc "đặt cược" vào một cuộc bầu cử sớm có thể là quyết định vô cùng rủi ro bởi đảng của ông có thể mất thêm sự ủng hộ trong cơ quan lập pháp quốc gia.

Cú sốc bầu cử chưa từng có

Tuyên bố của ông Macron được đưa ra ngay sau khi đảng Tập hợp quốc gia (RN) cực hữu của bà Marine Le Pen đánh bại đảng Phục hưng của Tổng thống Macron trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu. Theo kết quả sơ bộ, đảng Phục hưng chỉ giành được 15,2% số phiếu bầu so với 31,5% của đảng RN. Với tỷ lệ này, RN dự đoán sẽ giành được phần lớn trong số 81 ghế của Pháp tại Nghị viện châu Âu, nhiều gấp đôi so với đảng Phục hưng của ông Macron.

Ứng cử viên Nghị viện châu Âu hàng đầu của RN, Jordan Bardella đã có bài phát biểu chiến thắng ngay sau khi kết quả tạm thời được công bố. "Tổng thống không thể làm ngơ trước thông điệp mà người dân Pháp gửi đến tối nay. Trước hết, Chính phủ phải từ bỏ các kế hoạch đang chuẩn bị thực hiện: hủy bỏ chỉ số lương hưu, các kế hoạch tăng giá điện và nhiên liệu", nghị sĩ Bardella nói với những người ủng hộ. Ông nói thêm: “Thất bại chưa từng có này đối với Chính phủ hiện tại đánh dấu sự khởi đầu cho kỷ nguyên hậu Macron”. Ông Jordan Bardella nhấn mạnh khoảng cách giữa hai đảng cho thấy cử tri đã “từ chối” ủng hộ Tổng thống.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh- Reuters.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Reuters

Trong chiến dịch tranh cử của mình, với quan điểm bài ngoại, chống nhập cư, đảng RN hứa sẽ ngăn chặn dòng người di cư tràn vào Pháp, đe dọa việc làm của người dân Pháp; kêu gọi hủy bỏ những quy định khắt khe về khí hậu của châu Âu mà họ cho là đang bóp nghẹt người nông dân… Những quan điểm này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của giới trẻ và giới nông dân khắp châu Âu.

Tin tưởng sự quyết định 

Trong một thông tin trên mạng xã hội phát vào tối muộn 9.6 (giờ Pháp), ông Macron nói: "Sau khi thực hiện các cuộc tham vấn quy định tại Điều 12 trong Hiến pháp của chúng ta, tôi đã quyết định trao lại cho người dân quyền lựa chọn tương lai Quốc hội của chúng ta thông qua bỏ phiếu. Ông nói thêm: “Do đó, tôi giải tán Quốc hội vào tối nay”.

Giải thích về quyết định giải tán Quốc hội, kêu gọi bầu cử sớm, Tổng thống Pháp Macron cho biết, kết quả bầu cử Nghị viện châu Âu là mối đe dọa đối với “các chính đảng đang bảo vệ châu Âu". "Các đảng cực hữu đang trỗi dậy ở mọi nơi tại châu lục. Tôi không thể khoanh tay đứng nhìn trước tình hình này". Ông Macron cảnh báo: "Sự trỗi dậy của những người theo chủ nghĩa dân tộc và những kẻ mị dân là mối đe dọa không chỉ đối với đất nước chúng ta mà còn đối với châu Âu của chúng ta cũng như vị trí của Pháp ở châu Âu và trên thế giới".

"Đây là quyết định nghiêm túc và nặng nề, nhưng cũng là hành động thể hiện sự tin tưởng. Tôi tin người dân Pháp có thể đưa ra lựa chọn tốt nhất cho bản thân và thế hệ tương lai", ông Macron nhấn mạnh.

Quốc hội là cơ quan tương đương Hạ viện trong lưỡng viện của Pháp, với các đại biểu được bầu theo phổ thông đầu phiếu. Còn thượng nghị sĩ tại Thượng viện được bầu gián tiếp qua các đại cử tri, gồm thành viên hội đồng vùng, tỉnh và đại biểu Quốc hội. Cuộc bầu cử Quốc hội được tổ chức 5 năm một lần, vài tuần sau khi cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra. Do đó, cuộc bầu cử tiếp theo lẽ ra phải được tổ chức vào giữa năm 2027. Tuy nhiên, với quyết định giải tán Quốc hội của ông Macron, vòng bầu cử lập pháp đầu tiên dự kiến diễn ra vào ngày 30.6, vòng thứ 2 vào ngày 7.7.

Bất ngờ và rủi ro

Một loạt tờ báo đều nhận định, bước đi trên là một "ván cược" rủi ro đối với tương lai chính trị của ông Macron, 3 năm trước khi nhiệm kỳ thứ 2 của ông kết thúc, nhất là khi ông đã để mất đa số tuyệt đối trong Quốc hội vào năm 2022.

Lần gần nhất Pháp tổ chức bầu cử Quốc hội là vào năm 2022, trong đó đảng Phục hưng của Tổng thống Macron chỉ giành được 169 ghế trên tổng số 577 ghế. Hai đồng minh trung dung khác của ông Macron là đảng MoDem và Horizons có 81 ghế. RN là đảng lớn thứ hai với 88 ghế.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1997 một tổng thống Pháp tuyên bố tổ chức bầu cử Quốc hội sớm. Tổng thống Jacques Chirac năm đó, vốn là chính trị gia cánh hữu, cũng từng hy vọng chặn được đà thắng của phe cánh tả trên chính trường bằng cách giải tán Quốc hội và bầu cử sớm. Tuy nhiên, các đảng cánh tả cuối cùng vẫn giành được đa số tại quốc hội Pháp và ông Chirac phải làm việc cùng với Thủ tướng thuộc đảng Xã hội là Lionel Jospin.

Nếu RN giành đa số ở Quốc hội Pháp sau cuộc bầu cử sớm vào cuối tháng này, ông Macron với tư cách là Tổng thống vẫn giữ quyền quyết định chính sách đối ngoại và quốc phòng, nhưng sẽ đánh mất quyền quyết định chính sách trong nước, gồm cả chính sách kinh tế và an ninh quốc gia. Ông cũng sẽ gặp vô vàn khó khăn trong việc thúc đẩy các mục tiêu tham vọng của mình.

Theo tổ chức thăm dò IFOP, tỷ lệ tán thành đối với ông Macron hiện ở mức ảm đạm 31% trong tháng 5, mặc dù đã tăng 3 điểm so với tháng trước. Thủ tướng trẻ tuổi mà ông mới bổ nhiệm - Gabriel Attal được 45% số người được hỏi bày tỏ "hài lòng" với công việc của ông, tăng 5 điểm so với tháng trước.

Cơ quan cố vấn của Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR) đã mô tả tính toán bầu cử của Macron là một "động thái bất ngờ và rủi ro". Trong một tuyên bố, cơ quan này viết: “Tổng thống đang tìm cách đánh cược vào cơ hội thứ hai nhằm tránh tình trạng bị mất tín nhiệm vào cuối nhiệm kỳ, nhưng ván cược này cũng có thể thất bại và đưa đến cuộc chung sống chính trị khó khăn giữa Macron và Le Pen”.

Bà Marine Le Pen, lãnh đạo phe cực hữu, đã hoan nghênh lời kêu gọi tổ chức bầu cử sớm từ Tổng thống Macron. Bà tuyên bố, RN "sẵn sàng thực thi quyền lực nếu được Nhân dân Pháp tín nhiệm".

"Chúng tôi sẵn sàng thực thi quyền lực nếu người dân Pháp tin tưởng vào chúng tôi trong các cuộc bầu cử lập pháp sắp tới. Chúng tôi sẵn sàng đưa đất nước đứng vững trở lại, sẵn sàng bảo vệ lợi ích của người dân Pháp, sẵn sàng chấm dứt xung đột, tình trạng nhập cư ồ ạt, sẵn sàng ưu tiên sức mua của người dân Pháp, sẵn sàng bắt đầu tái công nghiệp hóa đất nước. Tóm lại, chúng tôi sẵn sàng đưa đất nước đứng vững trở lại, hồi sinh nước Pháp”, bà nói trước những người ủng hộ đang hô hào cùng nghị sĩ châu Âu Jordan Bardella.

Thậm chí nếu ván cược này thất bại, sự trỗi dậy của các đảng cực hữu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu càng được củng cố trong cuộc bầu cử Quốc hội Pháp. Giới quan sát đánh giá, khi đó, bà Le Pen đang đứng trước cơ hội lớn giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Điện Elysee năm 2027 để trở thành nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử Pháp.

Quốc Đạt (Theo Euro News, The Guardian)
#