Quốc hội lưỡng viện của Philippines

- Thứ Bảy, 19/11/2022, 05:11 - Chia sẻ

Sau không ít lần thay đổi từ một viện sang hai viện và ngược lại theo Hiến pháp của từng thời kỳ lịch sử, hệ thống lưỡng viện của Philippines gồm Thượng viện và Hạ viện đã tồn tại hơn 20 năm qua và ngày càng phát huy hiệu quả.

Một phiên họp lưỡng viện của Quốc hội Philippines - Nguồn bworldonline.com
Một phiên họp lưỡng viện của Quốc hội Philippines. Nguồn: bworldonline.com

Quốc hội Philippines (tiếng Philippines là Kongreso ng Pilipinas) là cơ quan lập pháp lưỡng viện của Philippines gồm Thượng viện và Hạ viện. Các thành viên Quốc hội được gọi là nghị viên (mga kongresista).

Thượng vin gồm 24 thượng nghị sĩ, cứ 3 năm một lần, Philippines tiến hành bầu lại một nửa số nghị sĩ, do đó, mỗi thượng nghị sĩ phục vụ tổng cộng 6 năm và không được giữ chức quá 2 nhiệm kỳ. Thực ra cơ cấu này kế thừa từ Quốc hội ra đời năm 1916 cũng với 24 thành viên Thượng viện đại diện cho 12 khu vực ở Philippines. Tuy nhiên, 24 thượng Nghị sĩ ngày nay không mang tính đại diện cho từng địa phương mà được bầu chọn trên toàn quốc. Luật pháp quy định thượng nghị sĩ phải là công dân Philippines trên 35 tuổi, cơ trú tại nước này trên hai năm tính đến ngày bầu cử và phải biết đọc, biết viết... Các thành viên Thượng viện bầu ra Chủ tịch của họ và cả Chủ tịch Hạ viện.

Vào tháng 5.2022, Thượng viện tiến hành cuộc bầu cử lần thứ 33 để bầu chọn lại một nửa số thành viên cho nhiệm kỳ 6 năm. Toàn bộ ghế của 12 thượng nghị sĩ được bầu vào năm 2016 được bầu lại trong lần bỏ phiếu này. Các thượng nghị sĩ được chọn trong cuộc bầu cử năm 2022 sẽ phục vụ đến năm 2028 và sẽ cùng với 12 thượng nghị sĩ chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2019 (những người sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2025) thành lập nên Thượng viện Khóa 19 của Philippines.

Điều đặc biệt là chỉ có 24 thành viên, nhưng bộ máy Thượng viện Khóa 19 hiện nay khá cồng kềnh với 41 ủy ban thường trực (phụ trách từng lĩnh vực như điều tra, an ninh, kinh tế, văn hóa, đối ngoại...) và 5 ủy ban giám sát. Ngoài ra, Thượng viện còn có bộ máy thư ký chuyên giúp việc cho các nhà lập pháp trên mọi lĩnh vực.

H vin Philippines được gọi là Kamara và các thành viên Hạ viện được gọi là các dân biểu (kinatawan). Hiến pháp năm 1987 của Philippines quy định rằng Hạ viện "sẽ bao gồm không quá 250 thành viên, trừ khi luật quy định khác". Thành viên Hạ viện được bầu theo hai cách; 80% được bầu theo nguyên tắc đại diện của từng địa phương để bảo đảm rằng mỗi quận có ít nhất một đại diện. Và ít nhất 20% trong số đó được bầu theo danh sách đảng phái là đại diện cho các thành phần xã hội. Tuy nhiên, để có ghế trong Hạ viện, các đảng phải đạt được ít nhất 2% số phiếu. Vào thời điểm phê chuẩn Hiến pháp, Philippines có 200 quận, và do đó số ghế được bầu theo danh sách đảng là 50 ghế.

Tuy nhiên, từ 200 quận năm 1987, số quận đã tăng lên 253 trong kỳ bầu cử năm 2022. Mỗi kỳ Quốc hội mới đều chứng kiến ​​sự gia tăng số lượng quận. Với việc tăng các quận cũng có nghĩa là số ghế cho các đại diện trong danh sách đảng cũng tăng theo, vì tỷ lệ 1:4 phải được tôn trọng. Do vậy mà tổng số dân biểu tại Hạ viện Khóa 19 sau cuộc bầu cử Hạ viện ngày 9.5.2022 là 316 đại diện, trong đó 253 dân biểu được bầu theo đơn vị bầu cử cấp quận và 63 dân biểu bầu theo danh sách đảng phái.

Các dân biểu có nhiệm kỳ 3 năm và không nắm giữ 3 nhiệm kỳ liên tiếp, trừ phi gián đoạn 1 nhiệm kỳ.

Luật pháp quy định Hạ nghị sĩ phải là người Philippines, trên 25 tuổi tính đến ngày diễn ra bầu cử và phải biết đọc, biết viết... Thành viên Hạ viện được bầu chọn ba năm một lần như Thượng viện, nhưng khác ở chỗ họ được phục vụ tối đa ba nhiệm kỳ.

 Hiến pháp quy định rằng kỳ họp thường niên của Quốc hội được khai mạc vào ngày thứ Hai cuối cùng của tháng 7. Một kỳ họp thông thường như vậy có thể kéo dài cho tới trước thời điểm khai mạc của kỳ họp tiếp theo 30 ngày. Tuy nhiên, Tổng thống có thể triệu tập phiên họp bất thường của Quốc hội để xử lý các trường hợp khẩn cấp hoặc các vấn đề cấp bách.

Hạ viện Philippines Khóa 19 có 316 thành viên và có tới 63 ủy ban thường trực, chuyên trách các lĩnh vực và 17 ủy ban đặc biệt như Ủy ban Toàn cầu hóa và WTO, Ủy ban về Biến đổi khí hậu, Ủy ban về An ninh lương thực, Ủy ban về Hòa bình, Hòa nhập và thống nhất, Ủy ban về Tái trồng rừng, Ủy ban về người khuyết tật... Để bảo đảm hoạt động, Hạ viện cũng có hệ thống thư ký như Thượng viện.

Ngoài việc phải đồng ý với mọi dự luật để được thông qua cho chữ ký của tổng thống trở thành luật, Thượng viện là cơ quan duy nhất có thể đồng ý với các hiệp ước và có thể xét xử các vụ luận tội. Chủ tịch Thượng viện là viên chức chủ trì và viên chức cấp cao nhất của Thượng viện, được toàn bộ cơ quan bầu chọn làm lãnh đạo của mình và đứng thứ hai trong danh sách kế vị Tổng thống Philippines. Chủ văn phòng hiện tại là Juan Miguel Zubiri.

Đặc quyền của mga kinatawan

Theo truyền thống của nghị viện, các nghị sĩ (mga kinatawan) đều được hưởng những đặc quyền quan trọng để có thể thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, một trong số đó là quyền miễn trừ tư pháp.

Dù phạm bất kỳ tội gì, mga kinatawan không bị tống giam quá 6 năm. Mga kinatawan phạm tội cũng không thể bị bắt trong thời gian đang diễn ra kỳ họp của Quốc hội. Nếu chưa có sự cho phép của Quốc hội hoặc một ủy ban chuyên trách, không cơ quan nào có quyền thẩm vấn hoặc tạm giữ mga kinatawan. Việc đình chỉ hoặc tước bỏ tư cách mga kinatawan phải được sự đồng ý của ít nhất 2/3 thành viên Thượng viện hoặc Hạ viện.

Mga kinatawan còn được trao hàng loạt đặc quyền khác trong việc phát ngôn, thảo luận tại Quốc hội về những vấn đề mà người dân đang quan tâm. Mọi mga kinatawan đều có quyền nêu lên một vấn đề nào đó để chất vấn quan chức hoặc yêu cầu Quốc hội thảo luận. Hiến pháp còn quy định tất cả mga kinatawan không phải trả cước phí tem thư gửi trong lãnh thổ Philippines... Những đặc quyền này nhằm mục đích bảo đảm vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tất cả các mga kinatawan.

Sự chủ động của nghị sĩ tại phiên họp

Nghị sĩ Philippines có một quyền với sức nặng khá lớn là quyền trình kiến nghị về thủ tục trước toàn thể Hạ viện để Hạ viện biểu quyết, ví dụ kiến nghị tạm dừng thảo luận về dự luật. Thông thường, Hạ viện phải thảo luận và/hoặc biểu quyết về kiến nghị nếu kiến nghị đó được một nghị sĩ khác ủng hộ.

Theo quy định của Nội quy Hạ viện, khi một vấn đề đang được tranh luận tại Hạ viện, các kiến nghị phải được xem xét theo thứ tự ưu tiên như sau: 1- Kiến nghị ngừng họp; 2- Kiến nghị nêu một điểm thủ tục; 3- Kiến nghị đưa ra các câu hỏi về đặc quyền; 4- Kiến nghị nghỉ giải lao; 5- Kiến nghị xem xét lại vấn đề; 6- Kiến nghị trình vấn đề; 7- Kiến nghị hoãn lại đến một ngày xác định khác; 8- Kiến nghị chuyển hoặc tái chuyển; 9- Kiến nghị sửa đổi, và 10- Kiến nghị hoãn vô hạn định.

Bảy kiến nghị đầu được biểu quyết mà không cần thảo luận, trong khi ba kiến nghị sau trước khi biểu quyết cần được thảo luận theo quy tắc mỗi lần phát biểu năm phút. Trong trường hợp các kiến nghị hoãn đến một ngày xác định, kiến nghị chuyển, hoặc kiến nghị hoãn vô hạn định không được thông qua thì các kiến nghị này không được phép nêu lại trong phiên họp cùng ngày hôm đó. Không cho phép các kiến nghị đề cập đến nhiều hơn một vấn đề. Các kiến nghị sẽ được đưa vào biên bản cùng với tên của Nghị sĩ đưa ra kiến nghị này trừ khi các kiến nghị đó được rút lại trong cùng một ngày.

Ngoài ra, nghị sĩ Philippines được đệ trình kiến nghị khác như sửa đổi các tiêu đề -  việc sửa đổi các tiêu đề của dự án luật hoặc của nghị quyết chỉ được thực hiện sau khi các văn bản này đã được hoàn thành; các sửa đổi về tiêu đề sẽ được quyết định mà không cần phải tranh luận.

Đặc biệt, để bảo đảm cuộc tranh luận diễn ra bình đẳng, vô tư, không thiên vị từ chủ tọa, các nghị sĩ có thể nêu kiến nghị khiếu nại cách điều hành của Chủ tịch Hạ viện và có thể được Chủ tịch Hạ viện đồng ý cho phát biểu mặc dù đang có một nghị sĩ khác đang phát biểu. Không có khiếu nại nào được xem xét khi đang có một khiếu nại khác chưa được xem xét. Khi thực hiện khiếu nại, nghị sĩ đề xuất khiếu nại được quyền đưa ra lý do của mình trong vòng năm phút. Chủ tịch Hạ viện sau đó có thể chỉ ra các lý do cho việc điều hành của mình và ngay lập tức đưa vấn đề này ra trước Hạ viện. Các khiếu nại không được sửa đổi và chỉ được đưa ra xem xét chỉ sau các kiến nghị hoãn họp, kiến nghị giải lao hoặc kiến nghị về trật tự xem xét hoặc kiến nghị về Đặc quyền của cá nhân. Trong trường hợp khiếu nại được trình, việc điều hành của Chủ tịch Hạ viện vẫn được duy trì. Hạ viện biểu quyết về khiếu nại theo nguyên tắc đa số của tổng số nghị sĩ có mặt tham gia biểu quyết, nếu số lượng nghị sĩ đó là hợp lệ. Trong trường hợp có số phiếu bằng nhau thì khiếu nại đó coi là bị bác bỏ.

Quốc Đạt