Quốc hội Ấn Độ sẽ xem xét 16 dự luật mới trong phiên họp mùa đông

- Thứ Ba, 06/12/2022, 00:55 - Chia sẻ

Phiên họp mùa đông của Quốc hội Ấn Độ, dự kiến bắt đầu từ ngày 7.12, sẽ xem xét 16 dự luật mới bao gồm các dự luật đề xuất hệ thống đăng ký nhãn hiệu tương thích toàn cầu và quy định chặt chẽ hơn đối với hợp tác xã đa bang. Một số dự luật đã được một trong hai Viện thông qua hoặc đã được các ủy ban của Nghị viện xem xét cũng sẽ được đưa ra để thông qua trong phiên họp mùa đông này.

Một phiên họp của Quốc hội Ấn Độ năm 2022 - Indian Express
Một phiên họp của Quốc hội Ấn Độ năm 2022 - Indian Express

Dự luật Nhãn hiệu (sửa đổi) năm 2022, một trong 16 dự luật mới sẽ được đưa ra xem xét, thảo luận tại kỳ họp lần này của Quốc hội, tìm cách kết hợp các khía cạnh nhất định của Hệ thống Đăng ký Madrid.

Hệ thống Madrid được điều chỉnh bởi hai điều ước quốc tế là Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu năm 1981 và Nghị định thư Madrid 1989. Hệ thống Madrid giúp bảo hộ nhãn hiệu ở nhiều nước trên thế giới chỉ bằng một đơn đăng ký nộp cho cơ quan sở hữu trí tuệ của nước sở tại mà không cần phải nộp nhiều đơn riêng rẽ tại nhiều quốc gia với điều kiện quốc gia sở tại phải là thành viên của hệ thống. Việc kết hợp điều này trong luật Ấn Độ được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của nước này. Ấn Độ đã ký Nghị định thư Madrid vào năm 2013.

“Hệ thống Madrid là một giải pháp thuận tiện và tiết kiệm chi phí để đăng ký và quản lý nhãn hiệu trên toàn thế giới. Nộp một đơn đăng ký và trả một bộ phí để đăng ký bảo vệ ở tối đa 128 quốc gia. Sửa đổi, gia hạn hoặc mở rộng danh mục nhãn hiệu toàn cầu của bạn thông qua một hệ thống tập trung”, theo Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO).

“Bên cạnh đó, một số sửa đổi khác trong thủ tục liên quan đến trình bày, điều trần, phản đối, kết hợp thông tin liên lạc của văn phòng nhãn hiệu… cũng được đề xuất để tăng tốc độ xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu, Ban thư ký Quốc hội Ấn Độ cho biết.

Dự luật về Hiệp hội hợp tác xã đa bang (sửa đổi), năm 2022 tìm cách tăng cường quản trị, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các hợp tác xã và cải cách quy trình bầu bán của các tổ chức này. Dự luật cũng tìm cách cải thiện cơ chế giám sát và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các thực thể này, Hạ viện Ấn Độ cho biết.

Bên cạnh đó, Ban thư ký Quốc hội cho biết, dự luật chống cướp biển năm 2019 mà một ủy ban thường trực của Quốc hội đã đưa ra báo cáo sẽ được thảo luận tại phiên họp mùa đông để thông qua. Một Dự luật khác đã được xem xét bởi một ủy ban hỗn hợp của Quốc hội - Dự luật Đa dạng Sinh học (sửa đổi), 2021 cũng sẽ được đưa ra để thông qua. Dự luật Hòa giải năm 2021 cũng đã được Hạ viện xem xét, sẽ được đưa ra để thông qua.

Quỳnh Vũ