“Gấu trúc khổng lồ trên vùng đất canh tác”
Luật Bảo vệ đất đen quy định hình phạt nghiêm khắc hơn đối với những người gây ô nhiễm hoặc xói mòn đất ở các khu vực đất đen theo luật và quy định liên quan, đồng thời kêu gọi các trang trại nhà nước đóng góp nhiều hơn cho các nỗ lực bảo vệ đất đen và nêu gương tốt.
Trên thế giới, chỉ có 3 khu vực đất đen ở khu vực Trung Nam của Bắc Mỹ, đại bình nguyên Nga - Ukraine, khu vực phía Đông Bắc của Trung Quốc và khu vực đồng cỏ Pampas của Nam Mỹ, chiếm chưa đến 7% diện tích toàn cầu. Theo “Sách trắng về đất đen Đông Bắc (2020)” do Viện Khoa học Trung Quốc phát hành năm 2021, tổng diện tích đất đen ở đông bắc Trung Quốc là 1,09 triệu km2, trong đó diện tích đất canh tác điển hình là 18,5333 triệu ha, và mất khoảng 400 năm để hình thành một lớp đất đen dày 1cm. Vì vậy, đất đen, hay đất chernozem, được mệnh danh là “gấu trúc khổng lồ ở vùng đất trồng trọt”. Chernozem là loại đất màu đen chứa tỷ lệ mùn cao (4% đến 16%) và tỷ lệ cao của axit photphoric, phốt pho và amoniac. Chernozem rất màu mỡ và có thể tạo ra sản lượng nông nghiệp cao với khả năng lưu trữ độ ẩm tốt.
Đất đen được tìm thấy ở các tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh phía Đông Bắc Trung Quốc và ở một số vùng của Khu tự trị Nội Mông, sản xuất khoảng 1/4 tổng sản lượng ngũ cốc của cả nước, đóng vai trò quan trọng đối với nguồn cung cấp lương thực của Trung Quốc. Tuy nhiên, việc khai hoang quá mức trong nhiều năm đã làm xói mòn chất dinh dưỡng của đất và lớp chernozem ngày càng mỏng đi, gây ra mối đe dọa đối với an ninh sinh thái và sự phát triển nông nghiệp bền vững.
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Địa lý và Nông học Đông Bắc thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, trong 30 năm qua, sản lượng nước mặt của đất đen ở Đông Bắc Trung Quốc đã giảm 2,9 tỷ mét khối, trữ lượng carbon của đất đã giảm 595 triệu tấn, và lượng cố định cát chống gió đã giảm 101 triệu tấn. Lớp đất đen giới hạn bị giảm độ dày trung bình từ vài mm đến khoảng 1cm mỗi năm. Ông Han Xiaozeng, một nhà nghiên cứu của Viện, lo lắng: “Sự hình thành của đất đen đã trải qua hàng chục nghìn năm. Chúng ta đã phát triển và sử dụng nó chưa đầy hai trăm năm, và nó đã bị xói mòn thế này”.
Ông Han cho biết, hiện nay 1/3 đất đen phía Đông Bắc đại lục đã bị xói mòn và thoái hóa cực kỳ nghiêm trọng, 1/3 đất đen đang thoái hóa chậm, chỉ 1/3 đất đen còn duy trì chất lượng cao và tính chất đất màu mỡ. Để tránh sự thoái hóa của bộ phận đất đen chất lượng cao này, cần chủ động kiểm soát phần đất đang bị bạc màu nghiêm trọng, và xử lý phần đất đã bạc màu do gieo cấy bón phân hóa học
Bảo vệ vựa lúa
Các nhà hoạch định chính sách và giới chuyên gia Trung Quốc đều nhận định, bảo vệ những con “gấu trúc khổng lồ trên vùng đất canh tác” chính là bảo vệ vựa lúa hiện tại. Họ cho rằng, những thay đổi lớn trong thế kỷ qua cùng với đại dịch đan xen, tình hình quốc tế phức tạp kéo theo nhiều nguy cơ, thách thức, càng làm nổi bật tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đặc biệt là vai trò quan trọng của đất đen trong việc bảo đảm ổn định sản xuất, cung cấp và duy trì an ninh lương thực quốc gia, an ninh sinh thái vì sự phát triển bền vững của dân tộc.
Trong những năm gần đây, việc sử dụng ngày càng nhiều công nghệ và thiết bị nông nghiệp hiện đại, đồng thời bảo vệ tốt hơn đất đen ở vùng Đông Bắc đã giúp tăng sản lượng ngũ cốc và bảo vệ an ninh lương thực. Trung Quốc đã và đang thúc đẩy làm đất bảo tồn, tăng cường bón phân hữu cơ và áp dụng các kỹ thuật trồng ngô và đậu tương luân canh để bảo vệ đất đen. Che phủ rơm là một kỹ thuật quan trọng được chương trình bảo tồn áp dụng. Nhờ đó, các khu vực canh tác bảo tồn đã được mở rộng lên hơn 5,3 triệu ha.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn, Bộ Tài chính Trung Quốc đã cùng ban hành một kế hoạch hành động (2020 - 2025) để làm đất phòng hộ trên đất đen. Với chương trình này, Trung Quốc sẽ có diện tích 9,33 triệu ha đất phòng hộ trên đất đen vào năm 2025, chiếm 70% tổng diện tích đất canh tác ở các khu vực thích hợp tại phía Đông Bắc.
Trong những năm gần đây, một loạt chính sách về bảo vệ đất đen, chẳng hạn như Đề cương Kế hoạch bảo vệ đất đen Đông Bắc (2017 - 2030), Kế hoạch Hành động bảo tồn đất đen Đông Bắc (2020 - 2025) và Bảo vệ đất đen quốc gia, Kế hoạch thực hiện dự án bảo tồn đất đen (2021 - 2025), đã được đưa ra. Trên cơ sở Luật Quản lý đất đai, Luật Bảo vệ đất canh tác, Luật Bảo tồn nước và đất… và các quy định địa phương như Quy định về bảo vệ đất đen ở tỉnh Cát Lâm và Quy định về bảo vệ và sử dụng đất đen ở tỉnh Hắc Long Giang đã được thiết lập liên tiếp. Tuy nhiên, đáng chú ý nhất chính là Luật Bảo vệ đất đen vừa có hiệu lực.
Ông Yang Qingkui, nông dân trồng ngũ cốc từ huyện Lishu ở tỉnh Cát Lâm - nơi ở trung tâm vùng đất đen cho biết, đất đai dần trở nên màu mỡ và năng suất ngũ cốc tăng đều đặn nhờ nông dân ở đây làm đất canh tác theo phương pháp trong nhiều năm qua. Trong khi đó, ông Li Baoguo, Hiệu trưởng Trường cao đẳng khoa học và công nghệ đất đai thuộc Đại học Nông nghiệp Trung Quốc cho biết, Luật Bảo vệ đất đen sẽ là mô hình để cải thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ đất nông nghiệp ở Trung Quốc.