Nhìn lại hàm ý của RCEP đối với thương mại điện tử

- Thứ Sáu, 13/05/2022, 06:35 - Chia sẻ

Chương 12 của hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ tạo ra các cơ hội kinh tế kỹ thuật số ở tất cả quốc gia RCEP, nhưng có vẻ như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ là những nước chiến thắng lớn nhất.

Chương 12 bao gồm các quy tắc của RCEP về thương mại kỹ thuật số và thương mại điện tử. Những quy tắc này nhận được cả sự hoan nghênh, e ngại và phản đối. Những người ủng hộ cho rằng các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) sẽ thu được lợi nhuận từ việc giảm chi phí giao dịch và trải nghiệm kỹ thuật số liền mạch hơn cho khách hàng. Nhóm phản đối thì lo ngại, các quy tắc thương mại điện tử và thương mại kỹ thuật số của RCEP sẽ “dựng lên các rào cản đối với công nghiệp hóa kỹ thuật số của các nước đang phát triển”. Trong khi đó, một số người lo lắng cảnh báo Chương 12 có thể tạo cho Trung Quốc vai trò lớn hơn trong việc hoạch định ra luật lệ quốc tế trong lĩnh vực chính sách thương mại mới này.

Tạo ra khung pháp lý

Tác động của RCEP đối với lĩnh vực thương mại kỹ thuật số được đặc biệt chú ý trong bối cảnh nền kinh tế kỹ thuật số đang tăng trưởng nhanh chóng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, từ sự bùng nổ của thương mại điện tử, fintech, nền tảng và các công ty mạng xã hội ở hầu hết các quốc gia ký kết RCEP, cũng như tầm quan trọng của dữ liệu đối với khả năng cạnh tranh của cả các công ty công nghệ và phi công nghệ. Chương 12 được các nhà hoạch định chính sách quan tâm vì nó phù hợp với tăng trưởng kinh tế và độc lập, an ninh mạng, quyền riêng tư, an ninh quốc gia và tiềm năng cung cấp cho Trung Quốc vai trò lãnh đạo trong việc định hình các quy tắc thương mại kỹ thuật số trong tương lai.

Mục đích chung của chương 12 là thúc đẩy thương mại điện tử cũng như tạo ra một môi trường pháp lý, chính sách hỗ trợ cho nó. So với trước đây, thương mại điện tử thúc đẩy giao dịch không cần giấy tờ, sử dụng rộng rãi hơn và dễ dàng hơn chữ ký điện tử, giảm bớt quy định, linh hoạt trong lưu trữ dữ liệu và truyền dữ liệu xuyên biên giới. Ở phần thứ hai, Chương 12 kêu gọi hợp tác để trao quyền cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng thương mại điện tử, xây dựng năng lực chung, chia sẻ các phương pháp hay nhất, thiết lập cơ cấu bảo vệ người tiêu dùng, minh bạch hơn về quy định và hợp tác trong an ninh mạng. Hai khía cạnh đặc biệt nổi bật của Chương 12 là các lệnh cấm đối với các cơ sở máy tính được bản địa hóa và dữ liệu được bản địa hóa. Cần lưu ý rằng Trung Quốc, với tư cách là một bên ký kết RCEP, đã đưa ra cam kết đầu tiên về nguyên tắc đối với các lệnh cấm về việc bản địa hóa các cơ sở dữ liệu và dữ liệu, một sự khác biệt đáng kể so với lập trường chủ quyền cứng rắn lâu nay đối với dữ liệu.

Một báo cáo từ quỹ Đổi mới và Công nghệ thông tin (ITIF) năm 2021 cho thấy, nền kinh tế toàn cầu ngày càng phụ thuộc vào dữ liệu đang chảy tự do xuyên biên giới. Tuy nhiên, số lượng các quốc gia có những rào cản quy định ngăn chặn luồng dữ liệu này đã tăng gấp đôi trong 4 năm qua - từ 35 quốc gia năm 2017 lên 62 quốc gia hiện nay. Các quốc gia đó đã thực hiện 144 biện pháp hạn chế dữ liệu trong biên giới của họ - một khái niệm được gọi là "bản địa hóa dữ liệu" (data localization).

Hai luồng ý kiến

Là một bên ký kết RCEP, chính phủ Singapore ca ngợi Chương 12 là một trong nhiều điều khoản của RCEP giúp mở rộng phạm vi và cam kết của các hiệp định thương mại tự do ASEAN + 1 (FTA) trước đây và “cung cấp môi trường thương mại kỹ thuật số thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp”. Nước này cho rằng Chương 12 mang lại tiềm năng lớn cho tăng trưởng và phục hồi bằng cách xây dựng môi trường thể chế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương xung quanh nền kinh tế kỹ thuật số. Cụ thể hơn, những cải tiến của Chương 12 trong các lĩnh vực như giao dịch không cần giấy tờ, bảo vệ người tiêu dùng và truyền dữ liệu sẽ mở ra một thế giới ảo mới, thúc đẩy môi trường kinh doanh trực tuyến thuận tiện hơn, giảm rủi ro an ninh mạng, cải thiện môi trường thương mại điện tử, giải phóng các trang web, truyền dữ liệu, cơ sở dữ liệu và xây dựng lòng tin.

Mặc dù rất ấn tượng trên giấy tờ, nhưng các DNVVN sẽ chỉ được hưởng những lợi ích nói trên nếu các thành viên RCEP tuân theo Chương 12. Ngoài ra, các quốc gia RCEP sẽ cần giảm chi phí hậu cần, cải thiện đào tạo DNVVN và cung cấp môi trường pháp lý hỗ trợ hơn trong nước để tối đa hóa lợi ích của họ từ Chương 12.

Ngoài ra, Chương 12 không áp dụng cho mua sắm chính phủ, thông tin chính phủ và cung cấp dịch vụ điện tử. Những ngoại lệ này có nghĩa là Chương 12 có phạm vi đề cập hạn chế hơn nhiều cũng như ít khắt khe hơn nhiều so với hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Những người ủng hộ CPTPP thì cho rằng CPTPP ưu việt hơn vì có điều khoản bảo vệ mã nguồn, yêu cầu đối xử không phân biệt đối xử đối với các sản phẩm kỹ thuật số và áp dụng mức thuế vĩnh viễn bằng 0 đối với đường truyền điện tử. hơn nữa, đối với những người theo chủ nghĩa tự do, một lợi thế to lớn của CPTPP so với RCEP là nó có những lệnh cấm mạnh mẽ hơn nhiều đối với việc địa phương hóa dữ liệu và hạn chế truyền dữ liệu. Chương 12 cũng không cho phép các bên ký kết sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của RCEP đối với các bất đồng liên quan đến Chương 12.

Làm sao để cùng hưởng lợi?

Tuy nhiên, các chuyên gia nghiên cứu cho rằng, điều còn thiếu trong cả hai luồng chỉ trích và ủng hộ là những đánh giá nghiêm túc về tác động của RCEP đối với thương mại kỹ thuật số và khối lượng FDI cũng như phân phối thương mại kỹ thuật số.

Về vấn đề khối lượng, các điều khoản tương đối nông của Chương 12 cùng với sự linh hoạt được thiết kế có chủ đích của nó để cho phép các thành viên RCEP có không gian chính sách lớn hơn có thể đưa đến những ràng buộc trong lợi ích kinh doanh, tạo ra những bất ổn đầu tư lớn hơn, hạn chế thương mại kỹ thuật số và khối lượng FDI. Ngay cả khi thương mại kỹ thuật số và FDI của toàn bộ khu vực tăng lên, RCEP vẫn không bảo đảm rằng đại đa số các nước ký kết RCEP sẽ có được sự gia tăng đáng kể trong thương mại kỹ thuật số, do sự khác biệt về vốn, tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, thiếu nhân lực, môi trường kinh doanh kém và hậu cần lạc hậu… ở nhiều nước. Trong khi đó, khả năng thương lượng lớn hơn giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như năng lực của họ cho thấy các quốc gia này không chỉ sẽ thu được nhiều lợi nhuận nhất từ Chương 12 mà còn có khả năng bảo đảm việc thực hiện nó phù hợp thói quen chính trị và kinh doanh.

Các chuyên gia cũng cho rằng, các doanh nghiệp nên thận trọng, liên tục theo dõi những gì đang diễn ra trong không gian kỹ thuật số trước khi thực hiện bất kỳ sáng kiến mới ấn tượng nào. Trên thực tế, rất có thể họ sẽ phải thúc đẩy các chính phủ RCEP thường xuyên để bảo đảm Chương 12 mang lại những gì nó hứa hẹn. Bản thân các chính phủ sẽ phải cố gắng tạo ra môi trường pháp lý, kinh tế, giáo dục, quản lý và xã hội phù hợp nếu họ muốn nhận được lợi ích tối đa từ Chương 12.

Cuối cùng, Chương 12 sẽ tạo ra các cơ hội kinh tế kỹ thuật số ở tất cả các quốc gia RCEP, nhưng có vẻ như rất có thể “ba nước lớn” (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) sẽ là những người chiến thắng lớn nhất. Các doanh nghiệp sẽ cần phải lập kế hoạch phù hợp và các quốc gia nhỏ hơn sẽ cần phối hợp để bảo đảm cho họ duy trì tính cạnh tranh.

QUỐC ĐẠT Theo The Diplomat