Nhậm chức trong bối cảnh nước Anh phải đối mặt với khủng hoảng chính trị và thách thức kinh tế nghiêm trọng, quá nhiều việc đang đợi tân Thủ tướng Rishi Sunak xử lý, cũng như một loạt ưu tiên mà ông phải chú trọng ở phía trước, từ giá năng lượng, biến đổi khí hậu, chiến sự ở Ukraine, quan hệ với các nước đến khoa học công nghệ, thương mại, y tế…
Giá năng lượng
Liên minh châu Âu (EU) nhận nhiều năng lượng từ Nga hơn so với Vương quốc Anh, nhưng người tiêu dùng Vương quốc Anh hiện vẫn phải đối mặt với những hóa đơn năng lượng tăng vọt không thể tưởng tượng được cho dù không còn nhập khẩu năng lượng từ Nga. Chi phí năng lượng sẽ tiếp tục là mối quan tâm lớn đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp, đồng thời ảnh hưởng đáng kể đến tài chính của Chính phủ.
Thủ tướng Rishi Sunak bước vào ngôi nhà số 10 phố Downing, London. Nguồn: ITN
Theo Chatham House, chính sách giới hạn đơn giá trong sáu tháng hiện tại làm tăng khả năng chi trả nhưng sẽ chỉ giúp giảm nhẹ cho mùa đông năm nay. Chính vì vậy, chính quyền mới của Thủ tướng Rishi Sunak cần khẩn trương xem xét những việc sẽ xảy ra với các hóa đơn trong mùa xuân và mùa đông tới. Các chuyên gia của Chatham House cho rằng, Chính phủ Anh cần phải đưa ra chính sách hỗ trợ nguồn cung năng lượng mới đối với các công nghệ carbon thấp mới như gió và năng lượng mặt trời, đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng ở khu vực công và tư. Đặc biệt, các hành động trên cần được thực hiện ở tất cả các cấp, bao gồm cả sự phối hợp với các cơ quan hành chính và chính quyền địa phương.
Biến đổi khí hậu
Nhiệt độ kỷ lục trong mùa Hè vừa qua cho thấy, biến đổi khí hậu đang tác động đến cuộc sống hàng ngày của người dân Vương quốc Anh như thế nào. Do đó đây vẫn là thách thức quan trọng nhất của thế kỷ này và cũng là thách thức lớn mà tân Thủ tướn Anh sẽ phải nhanh chóng cần nắm bắt trước Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2022 (COP27).
Đăng cai COP26 vào năm 2021, cùng với Italy, từng được coi là cơ hội quan trọng hậu Brexit đối với Vương quốc Anh trong lĩnh vực khí hậu và bảo đảm sự phát triển của nhiều sáng kiến đa phương mới, chẳng hạn như: tài chính khí hậu, cam kết Mêtan toàn cầu, xe điện, đồng thời hỗ trợ thêm cho các sáng kiến mới nổi khác... Thủ tướng mới và sự tín nhiệm của Vương quốc Anh sẽ rất quan trọng để tiếp tục thực hiện những điều này.
Chiến sự ở Ukraine
Tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong chiến sự với Nga chắc chắn vẫn là một trong những ưu tiên chính sách đối ngoại của tân Thủ tướng Anh. Tuy nhiên, có một câu hỏi được đặt ra là vị trí của Vương quốc Anh có thể tiếp tục tạo ra sự khác biệt đối với kết quả của cuộc chiến ở mức độ nào.
Ông Rishi Sunak đã tuyên bố sẽ hỗ trợ Ukraine đến khi “kết thúc” cuộc chiến đẩy lùi quân đội Nga, trong khi Điện Kremlin cũng nói rằng họ thấy “không có cơ sở” nào cho sự thay đổi tích cực trong quan hệ với Vương quốc Anh.
Chính sách Trung Đông
Các chuyên gia Chatham House cho rằng, Chính phủ Vương quốc Anh phải khôi phục một vị trí nội các riêng biệt cho Trung Đông và Bắc Phi và định hướng lại để vai trò khu vực của Iran được chú trọng hơn. Trung Đông vẫn còn rất lớn và phức tạp và cần có sự tham gia ngoại giao để phù hợp. Không lâu sau khi Vương quốc Anh nhập chức danh Bộ trưởng Trung Đông vào chức danh Bộ trưởng phụ trách châu Á và Trung Đông thì cuộc chiến tại Ukraine nổ ra, hướng sự chú ý của phương Tây đến các nước Ảrập vùng Vịnh như một nguồn năng lượng tiềm năng để bù đắp vào lượng khí đốt và dầu mỏ đã mất từ Nga. Tuy nhiên, các nước Ảrập vùng Vịnh đang do dự trước những lời kêu gọi của phương Tây nhằm tăng cường sản xuất năng lượng.
Theo các chuyên gia Chatham House, chính quyền mới của Thủ tướng Rishi Sunak nên ưu tiên khôi phục vị trí nội các riêng biệt cho Trung Đông và Bắc Phi, đồng thời định hướng lại để vai trò khu vực của Iran được chú trọng hơn. Vương quốc Anh coi các nước thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) là nguồn năng lượng thay thế tiềm năng cho dầu và khí đốt của Nga. Do vậy, chính sách đối ngoại của Vương quốc Anh không được chia cắt cách tiếp cận của mình đối với Trung Đông.
Quan hệ với châu Phi
Các chính trị gia cấp cao của Vương quốc Anh thường tuyên bố, châu Phi là ưu tiên nhưng các thủ tướng và ngoại trưởng của xứ sở sương mù hiếm khi đến thăm lục địa này. Trong khi đó, các bộ trưởng của Vương quốc Anh về châu Phi đã có từ năm 1989.
Trên thực tế, 25% Đại hội đồng Liên Hợp Quốc là các quốc gia thành viên châu Phi và trong số đó có 21 quốc gia là thành viên Khối thịnh vượng chung với Gabon và Togo gia nhập gần đây. Chiến sự giữa Nga và Ukraine cùng với việc tăng cường cạnh tranh với Trung Quốc là lời nhắc nhở rằng, trong thời đại địa chính trị này, châu Phi ngày càng quan trọng hơn đối với các mục tiêu chính sách đối ngoại của Vương quốc Anh trong chính quyền mới của Thủ tướng Rishi.
Mối quan hệ với Mỹ
Thủ tướng Rishi Sunak và Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa “tái khẳng định mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước, nhấn mạnh mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác trong các vấn đề quan trọng đối với an ninh và thịnh vượng toàn cầu”. Tối 25.10, hai nhà lãnh đạo có cuộc điện đàm đầu tiên, và ông chủ Nhà Trắng đã gọi Anh là “đồng minh thân cận nhất” của Mỹ, trong khi Thủ tướng Sunak cũng nhất trí về “sức mạnh to lớn của mối quan hệ 2 bên” .
Quan hệ giữa Washington và London từng có phần căng thẳng trong những năm gần đây trong bối cảnh Anh và EU vẫn đang mâu thuẫn về các thỏa thuận hậu Brexit, với những lo ngại từ Nhà Trắng về tác động của việc này đối với hòa bình trong khu vực. Chính vì vậy, việc phát triển quan hệ với đất nước cờ hoa chắc chắn sẽ là ưu tiên thiết yếu của xứ sở sương mù trong thời điểm hiện nay.
Các ưu tiên về y tế toàn cầu
Y tế toàn cầu là một trong những lĩnh vực mà trước đây Vương quốc Anh được coi là vượt lên trên sức nặng của mình do mức độ tài trợ lớn của nước này cho các chương trình y tế toàn cầu, cũng như danh tiếng là quốc gia đi đầu trong các sáng kiến y tế toàn cầu.
Tuy nhiên, lập trường của Vương quốc Anh đã bị ảnh hưởng đáng kể kể từ khi bắt đầu đại dịch với do nước này thể hiện sự thiếu đoàn kết trong việc chống lại đại dịch Covid-19 khi tích trữ vaccine và thất bại trong việc dẫn dắt G7 trong việc huy động tài trợ đầy đủ cho cơ chế COVAX Facility, cũng như chặn các nỗ lực chia sẻ công nghệ vaccine với các nước đang phát triển.
Việc cắt giảm ngân sách viện trợ quốc tế và làm suy yếu y tế toàn cầu trong chiến lược viện trợ của mình đã làm giảm uy tín của Vương quốc Anh với tư cách là nhà lãnh đạo y tế toàn cầu. Vì vậy, một trong những ưu tiên chính sách hàng đầu của tân Thủ tướng Anh sẽ phải là xây dựng lại vị thế vững chắc của Vương quốc Anh như một lực lượng hàng đầu về y tế toàn cầu bằng cách ít nhất khôi phục mức hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho y tế.
Thương mại
Thủ tướng mới của Vương quốc Anh nhậm chức trong bối cảnh đất nước đang đối mặt với nhiều thách thức kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ năm 2008 - 2009. Tuy nhiên, trái ngược với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nguyên nhân của cuộc khủng hoảng ngày nay nhiều mặt hơn ở Vương quốc Anh: cú sốc thương mại Brexit; gia tăng áp lực chi tiêu công liên quan đến tồn đọng trong Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) và ảnh hưởng tiềm tàng lâu dài, nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 kéo dài; cú sốc chưa từng có đối với giá năng lượng sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine một phần liên quan đến việc Vương quốc Anh thiếu khả năng lưu trữ khí đốt; và cú sốc đối với niềm tin của thị trường vào quản lý kinh tế của chính quyền người tiền nhiệm Liz Truss kéo dài 44 ngày…
Mặc dù Thủ tướng Rishi Sunak không nên trì hoãn việc giải quyết những thách thức lâu dài của Vương quốc Anh, nhưng có ba câu hỏi quan trọng sẽ giúp xác định sự thành công hay thất bại trong cách tiếp cận của Chính phủ mới.
Một là, liệu các ưu tiên nên có ít quy định đi, trong bối cảnh cách mạng công nghệ và nhu cầu đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nền kinh tế có mức phát thải ròng bằng 0, hay đưa ra các quy định hiệu quả hơn? Hai là, liệu Chính phủ Anh có sẵn sàng quan tâm đúng mức đến các chi phí kinh tế đáng kể phát sinh từ Brexit hay không? Trong khi đó, căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng với Trung Quốc và sự đồng thuận chính trị ở Mỹ về sự cần thiết phải bảo vệ các ngành công nghiệp của chính mình có nghĩa là Anh không thể tìm thấy các lựa chọn thay thế lớn và mở rộng nhanh chóng để bù đắp cho sự trì trệ trong thương mại với EU. Ba là, liệu thị trường tài chính có giúp Chính phủ Anh có đủ khả năng thanh toán nợ và lạm phát hay không...