Người Anh từ Brexit sang “Bregret”

- Thứ Năm, 12/01/2023, 06:55 - Chia sẻ

Dường như qua thời gian, nhiều cư dân Vương quốc Anh càng sống lâu với Brexit, họ càng ít thích nó đi. Thực tế cho thấy, theo các cuộc thăm dò, không ít người từng bỏ phiếu cho "xứ sở sương mù" rời khỏi EU hiện tỏ ra hối tiếc. Từ "Bregret" - một cách chơi chữ kết hợp hai từ Brexit và regret - đã ra đời để nói đến tình cảnh này…

Cuộc vui đang chóng tàn

Có thể nói, rất ít người thích thú với quá trình đàm phán Brexit rối rắm, quanh co. Giải phóng Vương quốc Anh khỏi các nước láng giềng châu Âu là nhiệm vụ khổng lồ, đòi hỏi phải sửa đổi các thỏa thuận về mọi thứ, từ hạn ngạch đánh bắt cá đến biên giới đất liền. Vì vậy, sau khi thỏa thuận cuối cùng được ký kết, mọi người thở phào nhẹ nhõm và Brexit bắt đầu có được sự ủng hộ ngày càng tăng.

Nguồn: www.spectator.co.uk
Nguồn: www.spectator.co.uk

Tuy nhiên, nó chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Giờ đây, sau khi Vương quốc Anh chung sống với Brexit được vài năm, mức độ phổ biến vốn hạn chế của nó đã giảm dần, theo What UK Thinks, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên lập biểu đồ về thái độ của người Anh đối với Brexit. Kể từ tháng 9.2021, số lượng cư dân Vương quốc Anh nói rằng họ muốn trở thành thành viên của EU đã tăng vọt. Khoảng 58% những người được thăm dò nói rằng Vương quốc Anh nên ở lại trong khối.

Trong cuộc trưng cầu dân ý về Brexit năm 2016, 51,9% người dân nước này bỏ phiếu ủng hộ việc rời đi. Kể từ đó, dư luận dao động ngang qua đường trung tâm 50/50. Khi các cuộc đàm phán Brexit kết thúc với việc ký kết Hiệp định Thương mại và hợp tác vào cuối năm 2020, dư luận đã hơi phản đối. Phe theo quan điểm ở lại EU phổ biến hơn khoảng 4 điểm phần trăm. Nhưng sau đó, công chúng bắt đầu đón nhận ý tưởng này, đỉnh điểm là vào tháng 6.2021 khi gần 54% cho biết họ hạnh phúc hơn khi ở bên ngoài EU. Dẫu vậy, một vài tháng sau, tình cảm đó lại thay đổi đáng kể.

Theo khảo sát được thực hiện trong khoảng 24.11 đến 8.12.2022 của YouGov, chỉ có 32% người được hỏi cho rằng ra khỏi EU là chọn lựa đúng đắn, đến 56% xem Brexit là sai lầm. Đó là bởi nước Anh rơi vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất trong nhiều năm gần đây, trong khi nền kinh tế các nước châu Âu khác trong EU vẫn đang ổn. Dĩ nhiên khó khăn kinh tế của Anh đâu phải toàn bộ là do Brexit nhưng cái cảm giác chông chênh và nhất là số liệu thương mại làm dân Anh quay sang “Bregret”. Lạm phát nước Anh cao đến hai chữ số, cao hơn các nước châu Âu khác. Lạm phát lên tới mức 11,1% nhưng giá thực phẩm thậm chí còn tăng cao hơn, đến 15%. Lãi suất tăng đẩy nước Anh vào tình trạng suy thoái mà ngân hàng trung ương nước này (Bank of England) cảnh báo sẽ có thể kéo dài trong hai năm. Trong số các nước G7, Anh là nước duy nhất GDP co lại sau đại dịch. Họ còn bị Ấn Độ qua mặt để chiếm vị trí nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới. Dự báo GDP Anh sẽ giảm 0,4% vào năm 2023.

Tại sao thái độ người Anh lại thay đổi?

Ông Boris Johnson, hồi vẫn còn là Thủ tướng Vương quốc Anh luôn niệm câu thần chú cá nhân “hãy hoàn thành Brexit”, đã buộc phải từ chức vào tháng 7.2022 sau khi nhiều nhân vật thân cận nhất quay lưng lại với ông.

Sau đó, Đảng Bảo thủ bước vào một quy trình hỗn loạn kéo dài hàng tháng để chọn nhà lãnh đạo mới, kết thúc bằng việc bổ nhiệm bà Liz Truss vào mùa Thu năm 2022. Song, dưới sự điều hành của bà, nền kinh tế Vương quốc Anh đã sụp đổ nhanh chóng với kế hoạch ngân sách bị đánh giá là thiếu sáng suốt, buộc bà phải từ chức chóng vánh chỉ sau 40 ngày. Cũng trong khoảng thời gian đó, tình trạng thiếu lao động, nhân viên y tế, thực phẩm và xăng dầu đã tấn công Vương quốc Anh.

Người dân đổ lỗi cho nhiều sự thiếu hụt này là do mất mối quan hệ thương mại và người lao động từ EU, mặc dù đại dịch Covid-19 và chiến tranh ở Ukraine cũng là nguyên nhân.

Theo nghiên cứu đưa ra hồi tháng 10.2022 của Viện vì thay đổi toàn cầu Tony Blair mà cựu Thủ tướng Anh Tony Blair làm Chủ tịch điều hành, các cử tri được yêu cầu đánh giá tác động của Brexit đối với các khía cạnh khác nhau trong cuộc sống của họ, chẳng hạn như khả năng tiếp cận dịch vụ công cộng, sự sẵn có của các sản phẩm cải tiến, việc đi lại thuận lợi và cơ hội việc làm. Kết quả cho thấy, hầu hết cử tri coi Brexit đem lại tác động tiêu cực. Thậm chí, khi được hỏi mô tả Brexit bằng một từ, 10% số người được hỏi trả lời là “thảm họa”, tiếp đến là “tự do” (5%) và “hỗn loạn” (4%).

Cũng theo viện này, phần lớn công chúng nghĩ rằng Brexit đã làm xấu đi nền kinh tế quốc gia. Hầu hết người Anh (59%) nghĩ rằng việc Vương quốc Anh rời khỏi EU đã làm xấu đi nền kinh tế đất nước, với 20% nghĩ nó không tạo ra sự khác biệt nào và chỉ 14% nhận thấy sự cải thiện. Chỉ một nhỏ phần trăm công chúng (6%) nói không biết, có nghĩa là cử tri phần lớn đã quyết định về tác động kinh tế của Brexit - và quan điểm của họ chủ yếu là tiêu cực.

Tương tự, trong khảo sát của YouGov, 10% số người được hỏi cho rằng tác động tiêu cực đối với thương mại và kinh doanh là lý do khiến họ thay đổi suy nghĩ về Brexit, trong khi 8% trả lời rằng nó đã bị xử lý tồi. 8% khác cho biết họ bỏ lỡ những lợi ích mà tư cách thành viên EU đã mang lại. Các lý do khác dẫn đến sự thay đổi quan điểm về Brexit là Nghị định thư Bắc Ireland, tình trạng nhập cư không giảm và tình trạng thiếu lao động.

Còn theo cuộc thăm dò dư luận của Opinium được đăng trên tờ The Sunday Telegraph mới đây cho thấy, một phần ba cử tri ủng hộ đảng Bảo thủ cầm quyền hiện nay tin rằng, việc rời bỏ liên minh lá cờ xanh đang tạo ra nhiều vấn đề hơn nó giải quyết được.  

Trong khi đó, Tổ chức What UK Thinks tin rằng, có ba lý do có thể dẫn đến sự thay đổi quan điểm của nhiều người dân Anh. Đầu tiên, những người ban đầu không bỏ phiếu hoặc còn quá nhỏ để bỏ phiếu vào thời điểm đó, giờ đây có thể đang lên tiếng. Thứ hai, những người ban đầu muốn ở lại, nhưng đã bị thuyết phục ngược lại trong thời gian dài tranh luận sau cuộc trưng cầu dân ý, giờ đây có thể đã quay trở lại. Cuối cùng, những người ủng hộ Brexit ban đầu có thể đã thực sự thay đổi suy nghĩ của họ. Ông John Curtice, giáo sư chính trị tại Đại học Strathclyde, tin rằng chính nhóm cuối cùng mới là nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi.

Mặc dù sẽ không có chuyện Vương quốc Anh bỏ phiếu gia nhập EU trở lại nhưng đa số các nhà phân tích chính trị đều cho rằng, Vương quốc Anh buộc phải xây dựng một mối quan hệ mới với EU trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế cũng như tâm lý phản đối Brexit của người dân đang tăng lên. Đó có thể là mô hình Thụy Sỹ hay mô hình Na Uy, một nước châu Âu khác không phải là thành viên EU nhưng có quan hệ chặt chẽ.

Linh Anh