Tiếng Anh - môn học bắt buộc từ tiểu học
Trong xã hội toàn cầu hóa ngày nay, trình độ tiếng Anh đã trở thành công cụ giao tiếp quan trọng. Tuy nhiên, giáo dục tiếng Anh truyền thống thường chỉ bắt đầu bằng các chương trình học tiếng Anh chuyên sâu từ cấp trung học cơ sở, dẫn đến hạn chế về thời gian và gánh nặng học tập quá mức. Trung bình, học sinh học tiếng Anh trong 10 năm từ trung học cơ sở đến đại học. Các em học tiếng Anh tổng cộng khoảng 625 giờ trong 6 năm, với 265 giờ ở trung học cơ sở và khoảng 360 giờ ở trung học phổ thông. Mặc dù học tiếng Anh với khối lượng đáng kể như vậy, trình độ tiếng Anh trung bình của người Nhật Bản được đánh giá thấp hơn nhiều so với nhiều quốc gia khác. Nhật Bản chỉ xếp thứ 26 trong số 29 quốc gia châu Á về điểm TOEFL IBT trung bình.
Do đó, bắt đầu từ năm 2020, đất nước mặt trời mọc tiến hành cải cách quan trọng trong giáo dục tiếng Anh ngay từ cấp tiểu học. Điều này bao gồm việc kết hợp 35 giờ “hoạt động ngoại ngữ” mỗi năm ở lớp 3 và 4, và 70 giờ mỗi năm ở lớp 5 và 6. Ngoài ra, tiếng Anh đã trở thành môn học ở lớp 5 và 6 trong danh mục “học ngoại ngữ”. Các nhà hoạch định kỳ vọng, học sinh Nhật Bản sẽ được học tiếng Anh ở giai đoạn sớm hơn, từ đó thúc đẩy phát triển các kỹ năng cơ bản. Ngoài ra, việc đưa tiếng Anh thành môn học ngoại ngữ cũng giúp nâng cao động lực học tập của học sinh.
Khi tiếng Anh phát triển thành môn học chuyên biệt, giáo viên tiểu học được yêu cầu nâng cao trình độ về tiếng Anh và thích nghi với môi trường giáo dục đang thay đổi. Ngoài ra, Nhật Bản còn chú trọng nghiên cứu, cải tiến liên tục nội dung và phương pháp luận trong giáo dục tiếng Anh để tạo môi trường học hiệu quả hơn.
Thay vì chú trọng nhiều vào kỹ năng đọc và viết như cách giáo dục truyền thống, các trường tiểu học đang tập trung khuyến khích học sinh giao tiếp tiếng Anh ngay từ khi còn nhỏ. Việc tạo ra môi trường giao tiếp sớm giúp học sinh tiểu học làm quen với việc nghe và nói tiếng Anh, từ đó trở nên tự tin và nâng cao khả năng sử dụng tiếng Anh trôi chảy.
Đầu tháng 5.2024, kết quả khảo sát của Bộ Giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học (MEXT) cho thấy, trình độ tiếng Anh của học sinh đang được cải thiện ở cấp học cao hơn. Tỷ lệ học sinh cuối cấp ở trung học cơ sở và trung học phổ thông đạt mức 3 và Pre-2 trong các bài kiểm tra trình độ Eiken đều tăng vượt mốc 50%. Chính phủ đang mong muốn tỷ lệ đó sẽ vượt qua 60% vào năm tài chính 2027.
Kết quả kiểm tra được xếp theo 7 mức từ thấp đến cao của Eiken gồm 5, 4, 3, Pre-2, 2, Pre-1, 1. Mức từ 5 đến 3 tương đương với trình độ của học sinh cấp 2, còn mức Pre-2 đến 2 tương đương với trình độ của học sinh cấp 3, theo chuẩn do MEXT đưa ra.
Thiết lập chương trình giáo dục lập trình mới
Lập trình ngày càng trở nên quan trọng trong xã hội ngày nay khi công nghệ thông tin tiếp tục phát triển. Thực tế, nó đang trở thành một trong những kỹ năng được chú trọng nhất trên toàn cầu. Theo báo cáo của Forbes và Yahoo, các công việc đòi hỏi kỹ năng lập trình như kỹ sư máy tính, nhà phát triển website/ ứng dụng... luôn nằm trong tốp những công việc thiếu hụt nhân sự, song đồng thời cũng đem lại thu nhập hấp dẫn nhất. Đây là một trong những yếu tố thúc đẩy các quốc gia tập trung khuyến khích giáo dục về lập trình rộng rãi tới mọi cấp học.
Tuy nhiên, giáo dục lập trình đã vắng bóng đáng kể trong chương trình giáo dục thông thường ở Nhật Bản, khiến giới chức nước này lo ngại về sự thiếu hụt các kỹ năng công nghệ thông tin của học sinh. Vì vậy, giáo dục lập trình đã trở thành bắt buộc ở các trường tiểu học kể từ năm 2020, khi Nhật Bản tiến hành cuộc cải cách giáo dục lớn nhất kể từ thời hậu chiến. Mục đích của chương trình giáo dục không chỉ là học các kỹ thuật hoặc ngôn ngữ lập trình, mà còn tập trung vào việc phát triển tư duy logic lẫn kỹ năng giải quyết vấn đề. Hơn nữa, lập trình được tích hợp vào nhiều môn học khác nhau, thay vì được coi là một môn học độc lập, khuyến khích học sinh áp dụng tư duy lập trình vào nhiều lĩnh vực học tập. Chẳng hạn, giáo dục lập trình thường được đưa vào các môn học như "Nghiên cứu tích hợp" (Sogo Gakushu) hay "Công nghệ và kinh tế gia đình" (Kogyo Shido)…
Với sự ra đời của chương trình giáo dục lập trình mới, học sinh sẽ có cơ hội phát triển tư duy logic và kỹ năng giải quyết vấn đề ngay từ nhỏ. Các em cũng trở nên sáng tạo hơn khi tự tạo trò chơi, hoạt ảnh hay ứng dụng đơn giản của riêng mình. Thậm chí, học sinh còn được giới thiệu các khái niệm mã hóa cơ bản như chuỗi, vòng lặp và điều kiện… Nhờ được tiếp xúc từ sớm, trong tương lai, dự kiến sẽ có nhiều học sinh hơn quan tâm đến công nghệ thông tin, và khi trưởng thành có khả năng tham gia vào các lĩnh vực chuyên môn đòi hỏi kỹ năng lập trình nâng cao...