Ngoại giao đường ống khí đốt - tâm điểm tại SCO

- Thứ Bảy, 24/09/2022, 06:29 - Chia sẻ

Các cuộc đàm phán để xây dựng một đường ống mới được thiết kế để vận chuyển 50 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm từ Nga sang Trung Quốc qua Mông Cổ dự kiến ​​sẽ sớm có kết quả sau khi lãnh đạo ba nước vừa có một cuộc gặp khá thực chất tại Uzbekistan, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Dự án này nếu thành công sẽ là nhân tố thay đổi cuộc chơi trong mối quan hệ giữa Nga và châu Âu.

,“Chính trị đường ống” nổi bật tại Hội nghị Thượng đỉnh SCO
Gazprom của Nga đang mở rộng mạng lưới đường ống ở Siberia. Ảnh: Twitter

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mông Cổ Ukhnaa Khurelsukh đã có cuộc gặp trực tiếp tại Samarkand bên lề Hội nghị Thượng đỉnh của SCO. Tại đây, ba nhà lãnh đạo đã nhất trí cùng chủ động xúc tiến việc thi công phần đường ống khí đốt Nga - Trung tại Mông Cổ, tức Power of Siberia 2. Hãng thông tấn TASS của Nga trước đó cũng dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết thỏa thuận Power of Siberia 2 sẽ sớm được ký kết trong tương lai gần.

Truyền thống hợp tác năng lượng

Năm 1994, Chủ tịch Trung Quốc lúc bấy giờ là ông Giang Trạch Dân và Tổng thống Nga Boris Yeltsin đã thỏa thuận thành lập quan hệ đối tác năng lượng giữa hai nước. Các cuộc thảo luận cụ thể hơn bắt đầu vào năm 2004 nhưng hai bên không giải quyết được vấn đề về giá cả trong một thập kỷ sau đó. Trung Quốc muốn nhập khẩu khí đốt của Nga với giá khoảng 200 USD/nghìn m3, tương tự như mức mà nước này đang trả cho Turkmenistan và Kazakhstan. Nhưng Nga muốn bán với giá 350 USD/nghìn m3, mức giá mà nước này đặt ra cho châu Âu.

Sau khi Nga đưa quân vào Crimea vào tháng 3.2014, phương Tây đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt đối với Moscow. Hai tháng sau, Tập đoàn Gazprom của Nga và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã ký hợp đồng cung cấp khí đốt quốc gia có thời hạn 30 năm trị giá 400 tỷ USD.

Vào năm 2015, việc xây dựng Power of Siberia bắt đầu. Đường ống bắt đầu hoạt động vào tháng 12.2019 và dự kiến ​​có thể vận chuyển tới 38 tỷ m3 khí đốt hàng năm từ Nga đến Trung Quốc vào năm 2023.

Vào tháng 7 năm nay, Thủ tướng Mông Cổ Oyun-Erdene Luvsannamsrai cho biết, các khảo sát khả thi cho đoạn đường ống dẫn khí đốt từ Siberia với Trung Quốc qua Mông Cổ có tên là Power of Siberia 2, đã được hoàn thành và việc xây dựng có thể bắt đầu vào năm 2024, và dự kiến vận hành vào năm 2030.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak của Nga nói với các phóng viên hôm 16.9 rằng: “Chúng tôi kỳ vọng rằng các thỏa thuận cuối cùng về Sức mạnh Siberia 2 sẽ đạt được trong tương lai gần. Nó sẽ cho phép Nga vận chuyển khoảng 50 tỷ m3 khí đốt mỗi năm đến Trung Quốc thông qua Mông Cổ”.

Mục đích của Nga

Tin tức về dự án đường ống Power of Siberia 2 được xem là cột mốc mới nhất trong nỗ lực của Nga nhằm chuyển hướng xuất khẩu năng lượng khỏi châu Âu, trong bối cảnh lục địa già đang chấp nhận những “cơn đau” kinh tế để "cai" khí đốt và năng lượng từ Nga. Bản thân Phó Thủ tướng Alexander Novak, người từng là Bộ trưởng Năng lượng Nga, khi được các phóng viên hỏi liệu đường ống Power of Siberia 2 có nhằm mục đích thay thế Nord Stream ở châu Âu trong chiến lược năng lượng của Nga hay không, ông Novak trả lời “có”.

Hiện tại, hoạt động vận chuyển khí đốt của Nga qua hệ thống đường ống Nord Stream, tuyến đường ống chính để xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu, đã bị đình chỉ hoàn toàn, theo hãng tin TASS của Nga hôm 15.9. Trước khi chiến sự ở Ukraine nổ ra, Nga đã xuất khẩu khoảng 35 tỷ m3 khí đốt mỗi năm cho Đức.

Nhu cầu của Trung Quốc

Nga đã đề xuất ý tưởng về đường ống này từ nhiều năm trước, nhưng kế hoạch này chỉ trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết trong thời gian gần đây. Moscow kỳ vọng Trung Quốc có thể thay thế châu Âu, trở thành khách hàng khí đốt chính của mình. Song giới chuyên gia cho rằng các cuộc đàm phán sẽ không dễ dàng vì Bắc Kinh dự kiến không cần thêm nguồn cung khí đốt cho đến sau năm 2030.

Trả lời Asia Times, ông Victor Ng Ming-tak, một cựu nhân viên ngân hàng kiêm giáo sư trợ giảng tại Hong Kong (Trung Quốc), nhận định Trung Quốc khó lòng công khai hỗ trợ Nga trong cuộc khủng hoảng hiện nay bởi hành động như vậy có thể buộc Bắc Kinh đối mặt với lệnh trừng phạt của phương Tây.

Ông Victor Ng Ming-tak cho biết những gì Bắc Kinh có thể làm bây giờ để giúp Moscow là mua thêm năng lượng của Nga và đổi lại sẽ xuất khẩu được nhiều hàng hóa hơn sang Nga. Trên thực tế, Trung Quốc vẫn cần dựa vào thương mại với phương Tây.

Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, thương mại song phương Trung - Nga đã tăng 35,8% lên 146,9 tỷ USD vào năm ngoái từ mức 107,8 tỷ USD vào năm 2020.

Trong giai đoạn này, xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga tăng 33,8% lên 67,6 tỷ USD và nhập khẩu từ Nga tăng 37,5% lên 79,3 tỷ USD, trong đó Trung Quốc chủ yếu mua thực phẩm và năng lượng.

Để so sánh, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ tăng 27,5% lên 576,1 tỷ USD và nhập khẩu từ Mỹ tăng 32,7% lên 179,5 tỷ USD so với cùng kỳ. 

Trong khi đó, một chuyên gia trong ngành tại Bắc Kinh nói với Hãng tin Reuters rằng "cơ bản có rất ít sự ủng hộ dành cho việc hiện thực hóa Power of Siberia 2 trước năm 2030, bởi Trung Quốc đã bảo đảm đủ nguồn cung cho tới thời điểm đó".

Hiện tại, Trung Quốc có rất nhiều hợp đồng nguồn cung để dự án này có thể trở nên cấp thiết đối với họ. Theo Reuters, Tập đoàn Gazprom của Nga đang cung cấp khí đốt cho Trung Quốc thông qua đường ống Power of Siberia đầu tiên theo thỏa thuận trị giá 400 tỷ USD kéo dài 30 năm, bắt đầu từ cuối năm 2019. Dự án này dự kiến cung cấp 16 tỷ m3 khí cho Trung Quốc trong năm nay.

Vào tháng 2 năm nay, Bắc Kinh cũng đồng ý mua khí đốt từ đảo Sakhalin ở vùng Viễn đông của Nga, nhập 10 tỷ m3 khí đốt/năm từ năm 2026.

Trong khi đó, Trung Quốc đang đàm phán về một đường ống mới, đó là đường ống dẫn khí đốt Trung Á - Trung Quốc. Đường ống này sẽ cung cấp 25 tỷ m3 khí đốt hằng năm từ Turkmenistan, thông qua Tajikistan và Kyrgyzstan.

Ngoài khí đốt, Bắc Kinh còn có các hợp đồng dài hạn với Qatar, Mỹ và các tập đoàn dầu khí toàn cầu với tổng khối lượng 42 triệu tấn LNG mỗi năm. Hầu hết các thỏa thuận này sẽ bắt đầu trong vòng 5 năm tới.

Những con số này cho thấy rằng, mặc dù phía Nga mong muốn sẽ sớm kết thúc đàm phán về Power of Siberia 2, nhưng nhiều khả năng "đây sẽ là cuộc đàm phán đặc biệt phức tạp, có thể kéo dài nhiều năm vì mang theo quá nhiều rủi ro chính trị, thương mại và tài chính", một chuyên gia nhận định.

Quốc Đạt