50 năm bình thường hóa quan hệ Trung - Nhật:

Nghịch lý của quan hệ

- Thứ Hai, 26/09/2022, 06:11 - Chia sẻ

Tháng 9.2022 đánh dấu kỷ niệm 50 năm bình thường hóa hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Trong suốt từng ấy năm, cụm từ “kinh tế nóng, chính trị lạnh” tiếp tục là tiêu biểu cho mối quan hệ này. Ngay cả khi quan hệ chính trị ở mức thấp hơn bao giờ hết, quan hệ kinh tế chưa bao giờ bền chặt hơn. 

Mây đen trong quan hệ chính trị

Khi Nhật Bản và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào tháng 9.1972, người dân Nhật Bản hết lòng đón nhận. Cảnh tượng hàng nghìn người chen chúc vào Sở thú Ueno với mục đích duy nhất là được nhìn thấy những chú gấu trúc mà quốc gia láng giềng tặng như một biểu tượng của tình bạn từ Trung Quốc đã minh chứng cho cảm giác thăng hoa tồn tại khi đó. Tình cảm tích cực nói chung của Nhật Bản đối với Trung Quốc đã được duy trì trong gần một thập kỷ, đạt mức cao nhất vào năm 1980, khi 79% dân số Nhật Bản khi đó khẳng định họ có thiện cảm với Trung Quốc, trong một cuộc thăm dò do Chính phủ tài trợ vào thời điểm đó.

Giao thương giữa Trung Quốc và Nhật Bản vô cùng sôi động - Nguồn: SCMP
Giao thương giữa Trung Quốc và Nhật Bản vô cùng sôi động. Nguồn: SCMP

Tháng 9 năm nay đánh dấu kỷ niệm 5 thập kỷ bình thường hóa. Tuy nhiên, trong khoảng nửa thế kỷ đó, thái độ lạc quan của Nhật Bản đối với quốc gia láng giềng đã giảm đi đáng kể. Vào mùa thu năm 2021, Genron NPO và China Net đã công bố dữ liệu thăm dò cho thấy hơn 90% dân số Nhật Bản có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc, mức thấp chưa từng thấy kể từ năm 2005.

Những lo ngại về an ninh đã nổi lên như một yếu tố quan trọng, làm tăng thêm các tranh chấp lịch sử kéo dài khiến công chúng Nhật Bản vỡ mộng trước Trung Quốc. Đặc biệt là trong những năm gần đây, khi khả năng sẵn sàng quân sự của Trung Quốc được tăng cường, các nước láng giềng như Nhật Bản đang ngày càng lo ngại. Vụ phóng tên lửa gần đây của Trung Quốc vào Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Nhật Bản trong khuôn khổ các cuộc tập trận đã khiến nhiều người Nhật lo sợ bị lôi kéo vào một cuộc xung đột vũ trang tiềm tàng, điều mà người Nhật chưa bao giờ muốn nghĩ đến kể từ Thế chiến thứ hai. Hiện nay, 81% người Nhật Bản nhìn Trung Quốc một cách dè dặt, thậm chí còn cao hơn nhận thức tương tự đối với CHDCND Triều Tiên, vốn thường là lý do để Nhật Bản đầu tư vào khả năng quốc phòng của mình.

Lực bật mạnh mẽ của quan hệ kinh tế

Bất chấp những diễn biến gần đây đang phủ bóng lên quan hệ Nhật - Trung, các mối quan hệ kinh tế, vốn bền chặt - được cho là đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Vào năm 2020, bất chấp đại dịch Covid-19, tỷ trọng thương mại của Trung Quốc đối với Nhật Bản đã ghi nhận mức cao nhất mọi thời đại về cả tổng giá trị thương mại và nhập khẩu, ngang bằng với mức cao kỷ lục đối với tỷ trọng nhập khẩu Nhật Bản của Trung Quốc (25,8%) vào năm 2016. Cũng trong năm 2020, lần đầu tiên sau hai năm, Trung Quốc vượt Mỹ trở thành nhà nhập khẩu hàng hóa số một của Nhật Bản. Và trong quý đầu tiên của năm 2022, nhập khẩu hàng hóa Nhật Bản của Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục.

Mặc dù phải đối mặt với những thiệt hại tiềm tàng và chịu thiệt hại thực tế do sự gián đoạn chuỗi cung ứng và sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ Trung Quốc đối với các doanh nghiệp tư nhân, cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản dường như vẫn miễn dịch với thực tế đó. Trong khi số lượng các công ty Nhật Bản đặt tại Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm, thì vẫn còn hơn 12.000 công ty, chủ yếu là các nhà sản xuất. Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Sankei Shimbun cho thấy trong số 118 công ty Nhật Bản, hơn một nửa trả lời rằng hoạt động kinh doanh với Trung Quốc nên duy trì như hiện tại hoặc tiếp tục phát triển. Trong cùng một cuộc khảo sát, thậm chí không một doanh nghiệp nào trả lời rằng cần có một khoảng cách đáng kể giữa Trung Quốc và Nhật Bản.

Ngoài ra, một điều thú vị khác là bất chấp những thời điểm nhạy cảm về chính trị - với việc các nước trở nên cảnh giác về mối quan hệ chặt chẽ của các công ty Trung Quốc với chính phủ Trung Quốc và Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc- công chúng Nhật Bản đã có xu hướng đón nhận các thương hiệu và hàng hóa Trung Quốc. Có thể lấy ví dụ về TikTok, một nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc. Trong khi Ấn Độ đã hoàn toàn cấm nền tảng này và Mỹ cũng đang cố gắng có động thái tương tự vì những lo ngại về an ninh; thì tại Nhật Bản, một cơ quan chính phủ gần đây đã thông báo rằng họ sẽ hợp tác với TikTok để phổ biến nhận thức về thẻ My number, một văn bản do chính phủ ban hành nhằm hợp lý hóa quy trình hành chính, trong giới trẻ.

Tại Kyoto, xe buýt điện được sản xuất bởi Công ty xe điện BYD của Trung Quốc, một đối thủ cạnh tranh tiềm năng cho ngành công nghiệp ô tô sôi động của Nhật Bản, đã bắt đầu được đưa vào hoạt động. Tại một địa điểm ở Tokyo vào tháng 5 năm nay, Huawei, tập đoàn viễn thông đa quốc gia, đã bị Mỹ và Canada xem xét kỹ lưỡng vì lý do an ninh quốc gia, đã thông báo về việc giới thiệu các thiết bị mới cho người tiêu dùng Nhật Bản.

Trong vài năm qua, các công ty lớn của Trung Quốc như Alibaba và TCL technology, nhà sản xuất TV LCD lớn thứ hai trên thế giới, đã thâm nhập thị trường Nhật Bản. Nhìn chung, hoạt động kinh doanh đang bùng nổ của người Trung Quốc tại Nhật Bản là một lời nhắc nhở khác rằng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế của Nhật Bản với Trung Quốc vẫn còn mạnh mẽ, mặc dù quan hệ chính trị và ngoại giao đang xấu đi.

“Kinh tế nóng, chính trị lạnh”, một cụm từ thường được dùng để mô tả quan hệ song phương Trung Quốc - Nhật Bản vào đầu những năm 2000, vẫn tiếp tục là “châm ngôn” cho mối quan hệ này hiện tại. Tình cảnh cơ bản này đã không đổi trong suốt lịch sử ngoại giao của Nhật Bản và Trung Quốc ngay cả trước khi các mối quan hệ chính thức được thiết lập, xét trên thực tế là ở cấp độ tư nhân, đã có một số cấp độ trao đổi kinh tế ngay cả khi Chiến tranh Lạnh đang ở đỉnh điểm.

Tuy nhiên, vẫn còn phải xem liệu “nghịch lý nhất quán” này có tồn tại lâu dài trong bối cảnh chính trị căng thẳng hiện nay, vốn đang làm lu mờ những sự kiện kỷ niệm 50 năm bình thường hóa mối quan hệ hay không. Liệu khía cạnh kinh tế của mối quan hệ có thể tạo lực bật hay giúp làm giảm bớt những xích mích chính trị một lần nữa hay không, câu trả lời sẽ được hé mở trong tương lai gần.

Quốc Đạt
Theo The Diplomat