Nghị viện Campuchia và pháp quyền trong quy trình lập pháp

- Thứ Bảy, 19/11/2022, 05:08 - Chia sẻ

Nghị viện Vương quốc Campuchia là một lưỡng viện lập pháp bao gồm 187 thành viên trong Quốc hội (Hạ viện) và Thượng viện.

Quốc hội

Quốc hội Khóa VI hiện nay có 125 thành viên, được bầu với nhiệm kỳ 5 năm theo hình thức trực tiếp. Tiền thân của Quốc hội chính là Hội đồng Lập hiến. Theo Hiệp định Hòa bình Paris năm 1991, cuộc tổng tuyển cử do Liên Hợp Quốc (LHQ) bảo trợ đã được tổ chức vào tháng 5.1993 để bầu ra thành viên của Hội đồng Lập hiến nhằm soạn thảo Hiến pháp mới. Hiến pháp của Vương quốc Campuchia đã được thông qua và ban hành vào tháng 9.1993. Theo các điều khoản của Hiệp định Hòa bình Paris và các điều khoản chuyển giao của Hiến pháp mới Vương quốc Campuchia, Hội đồng Lập hiến được đổi thành Quốc hội Campuchia cùng lúc với sự ra đời của Hiến pháp.

Quốc hội Khóa VI của Campuchia - Nguồn Wikipeadia
Quốc hội Khóa VI của Campuchia. Nguồn: Wikipeadia

Theo Điều 83 của Hiến pháp, Quốc hội họp định kỳ 2 lần 1 năm, mỗi kỳ họp kéo dài ít nhất 3 tháng. Quốc hội có quyền biểu quyết các vấn đề như: ngân sách quốc gia, kế hoạch Nhà nước, tài chính, sửa đổi hay hủy bỏ các loại thuế, thông qua việc ân xá các loại tội phạm.

Các nghị sĩ Quốc hội có quyền chất vấn các thành viên của Chính phủ thông qua Chủ tịch Quốc hội. Quốc hội có thể phế truất thành viên Chính phủ khi có 2/3 tổng số nghị sĩ biểu quyết thông qua bản kiến nghị khiển trách. Bản kiến nghị này phải được ít nhất 30 nghị sĩ đề xuất mới được Quốc hội họp để biểu quyết.

Thượng viện

Thượng viện có 62 nghị sĩ nhiệm kỳ 6 năm. Trong số đó, hai thành viên được chỉ định bởi Quốc vương, 2 thành viên do Quốc hội chỉ định, và 58 thành viên còn lại do hội đồng cấp xã và các nghị sĩ bầu.

Phiên họp Thượng viện đầu tiên diễn ra vào ngày 25.3.1999 và cuộc bầu cử đầu tiên được tổ chức vào ngày 22.1.2006. Cuộc bầu cử Thượng viện gần đây nhất bầu ra Thượng viện Khóa IV diễn ra vào năm 2018 với việc đảng CPP giành 58 ghế bầu cử; 2 ghế thượng nghị sĩ khác thuộc về đảng FUNCIPEC và 2 ghế thuộc về hai ứng cử viên độc lập. Đây cũng là lần đầu tiên cuộc bầu cử Quốc hội và bầu cử Thượng viện diễn ra cùng một năm.

Theo Điều 107 của Hiến pháp, Thượng viện nhóm họp mỗi năm 2 lần. Mỗi kỳ họp  sẽ kéo dài ít nhất ba tháng. Trong trường hợp Quốc vương, Thủ tướng, hoặc ít nhất một phần ba tổng số thượng nghị sĩ yêu cầu, Thượng viện có thể triệu tập một phiên họp bất thường.

Nghị viện Campuchia có ba chức năng lập pháp, giám sát, bao gồm cả giám sát ngân sách, và đại diện. Phần lớn các dự luật do các Bộ soạn thảo và trình, nhưng nhóm nghị sĩ với 1/10 tổng số nghị sĩ có thể trình dự luật. Nghị viện áp dụng các cuộc điều trần, tham vấn công chúng, tham gia các cuộc hội thảo, tham quan học hỏi về hoạt động lập pháp. Điều này đã cải thiện kết quả lập pháp được thể hiện qua các đạo luật đã ban hành như Luật Chống bạo lực gia đình, Luật bầu cử Thượng viện, Luật công chức Nghị viện…

Trong giám sát, các công cụ thường được Nghị viện Campuchia sử dụng gồm chất vấn, xem xét báo cáo, hoạt động của ủy ban, nhất là điều trần. Về giám sát tài chính - ngân sách, cả 9 ủy ban đều có nhiệm vụ giám sát tài chính theo lĩnh vực, và có Ủy ban Kinh tế - Tài chính đóng vai trò quan trọng trong chống tiêu cực, tham nhũng.

Vai trò xây dựng pháp quyền thông qua lập pháp

Cách thức mà những đạo luật được thông qua có ý nghĩa rất quan trọng đối với tính chính đáng của hệ thống pháp luật. Một quy trình lập pháp dân chủ, công khai, minh bạch sẽ nâng cao vai trò của nghị viện trong việc xây dựng pháp quyền. Trong quy trình đó, các nghị sĩ Campuchia cho rằng có thể áp dụng những nguyên tắc pháp quyền khi xem xét, thảo luận, thông qua và giám sát thực thi pháp luật.

Đó là các nguyên tắc về tính tối thượng của Hiến pháp do Nhân dân thông qua và pháp luật do nghị viện ban hành (Điều 31 Hiến pháp Campuchia); phân chia quyền lực giữa lập pháp, hành pháp, tư pháp (Điều 51 Hiến pháp); bảo vệ cuộc sống, tự do, an toàn, tài sản của cá nhân (Điều 31 và Điều 39 Hiến pháp); sự minh bạch pháp lý, kể cả về thủ tục; bình đẳng trước pháp luật, kể cả thủ tục (Điều 31 Hiến pháp); tính thực tiễn của pháp quyền, có nghĩa đó không chỉ là lời tuyên bố, mà phải được áp dụng trên thực tế bởi lập pháp, hành pháp, tư pháp. Còn theo Điều 90 của Hiến pháp Campuchia, một trong những yếu tố quan trọng của pháp quyền là vị thế tối cao của nghị viện với thẩm quyền lập pháp duy nhất, nếu chính phủ có thể ban hành các văn bản pháp luật thì cũng phải trong giới hạn do nghị viện ủy quyền.

Áp dụng những nguyên tắc trên trong quy trình lập pháp, các nghị sĩ Campuchia có thể yêu cầu chương trình lập pháp phải được công bố sớm, với những lập luận rõ ràng, hợp lý về các lý do đưa dự luật vào chương trình. Hoặc là trong tờ trình thuộc bộ tài liệu gửi kèm dự luật cần giải thích ngắn gọn những vấn đề chính có tính nguyên tắc mà dự luật định giải quyết; nguyên do tại sao dự luật là sự lựa chọn tốt nhất; các tác động của dự luật; sự nhất quán của dự luật với hệ thông pháp luật hiện hành; dự liệu những nguồn lực để thực thi luật sau này.

Còn khi đánh giá chất lượng soạn thảo dự luật, nghị sĩ có thể dựa trên những nguyên tắc soạn thảo luật như tính hợp hiến, hợp pháp; tính bất hồi tố của luật; chuẩn mực về thể thức; chế tài và các biện pháp đòi bồi thường phải xác định rõ ràng; giới hạn cụ thể, rõ ràng thẩm quyền của công quyền. Chẳng hạn, khi tiến hành thẩm tra dự luật tại các ủy ban tương ứng, các nghị sĩ là thành viên ủy ban có thể đặt ra nhiều câu hỏi cho Bộ trưởng đứng tên trình dự luật. Đó là những câu hỏi như: Hiến pháp và pháp luật có quy định thẩm quyền ban hành đạo luật không; nó có nhất quán với hệ thống hiện hành không; các chế tài, điều cấm đoán có được giới hạn rõ ràng, cụ thể, hợp lý không; các tác động của dự luật là gì, trong đó có ảnh hưởng đến các quyền con người không, ảnh hưởng như thế nào đến người nghèo, phụ nữ, trẻ em…; phạm vi ủy quyền lập pháp có phù hợp, rõ ràng không; chính phủ có kế hoạch gì để thực thi đạo luật đó...

Sau khi luật được ban hành, theo các điều 89, 90, 94 của Hiến pháp Campuchia, nghị viện giám sát việc thực thi luật. Trong đó, điều quan trọng là nghị viện giám sát việc ban hành các văn bản dưới luật để bảo đảm các nguyên tắc của pháp quyền như tính tối thượng của pháp luật, phân chia quyền lực, sự bình đẳng trước pháp luật, tính thực tiễn của pháp quyền...

Sự tuân thủ pháp luật là dấu hiệu của pháp quyền. Nhưng muốn người dân tuân thủ, họ phải được biết, hiểu rõ về luật. Do đó, trách nhiệm của nghị viện và các nghị sĩ là đảm bảo để các văn bản luật được công bố kịp thời, đầy đủ, việc giáo dục pháp luật được tiến hành rộng rãi, có hiệu quả.

Mỗi nghị sĩ Campuchia có một vài cán bộ giúp việc. Họ là cán bộ giúp việc riêng, nhưng được Nhà nước trả lương. Tuy nhiên, đây không phải là vị trí cố định và sẽ bị hủy bỏ một khi nghị sĩ đó không còn đương chức. Ngoài ra, mỗi nghị sĩ còn có 2 - 3 người giúp việc ở văn phòng tại địa phương (chỉ ở cấp tỉnh/thành phố) và họ là cán bộ nhà nước.

Nghị viện Campuchia có các dịch vụ thư viện dành cho các nghị sĩ. Các hoạt động nghiên cứu thường được thực hiện bởi các tổ chức riêng lẻ, gồm cả tổ chức phi chính phủ hoặc các viện nghiên cứu. Các dịch vụ đi lại được cung cấp bằng hình thức thanh toán tiền mặt hoặc cung cấp xăng dầu cho các chuyến đi công tác của nghị sĩ. Chỉ một số nhỏ các nghị sĩ được cấp máy tính và hỗ trợ truy cập internet.

Quốc Đạt