ICET

Mỹ và Ấn Độ thúc đẩy hợp tác quốc phòng và công nghệ

- Thứ Năm, 02/02/2023, 18:13 - Chia sẻ

Mỹ và Ấn Độ đang thúc đẩy hợp tác xây dựng quan hệ đối tác về thiết bị quân sự, chip bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI). Động thái này đánh dấu sự chuyển đổi từ tầm nhìn thành hành động giữa hai nước trong kế hoạch "Sáng kiến Mỹ - Ấn Độ về Công nghệ Trọng yếu và Mới nổi".

Nguồn: Business Today
Nguồn: Business Today

Kế hoạch ICET được Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lần đầu đề cập vào hồi tháng 5.2022. Chi tiết sáng kiến sau cuộc đối thoại giữa hai nước được công bố vào ngày 31.1 vừa qua đã nêu bật 6 lĩnh vực hợp tác đã được lên kế hoạch: tăng cường hệ sinh thái đổi mới, hợp tác công nghệ và đổi mới quốc phòng, chuỗi cung ứng bán dẫn linh hoạt, vũ trụ, tài năng STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học) và viễn thông thế hệ mới. 

Cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc 

Ngày 12.12.2022, Bộ Thương mại Trung Quốc nộp đơn kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) phản đối các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip của Mỹ. Đây được xem như là sự đáp trả với những lệnh cấm của Mỹ đã ban bố trước đó hai tháng. Lệnh cấm được đưa ra nhằm hạn chế khả năng Trung Quốc có được công nghệ chip cao cấp, thiết bị và cả nhân lực trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn của Mỹ.

Trước động thái của Trung Quốc, Bộ Thương mại Mỹ đưa 36 công ty Trung Quốc bao gồm các nhà sản xuất hàng đầu chip máy tính tiên tiến vào “danh sách thực thể” bị hạn chế nghiêm ngặt trong việc tiếp cận bất kỳ công nghệ nào của Mỹ vào ngày 15.12.2022. Theo quy định, bất kỳ doanh nghiệp Mỹ nào cung cấp nguyên vật liệu hoặc dịch vụ cho các thực thể này phải được cấp phép trước khi vận chuyển hàng hóa. Do đó,  các công ty có tên trong danh sách nói trên sẽ bị chặn mua chip hay bất cứ công nghệ nào từ các nhà cung cấp của nước này, trừ khi họ có giấy phép xuất khẩu đặc biệt từ Bộ Thương mại Mỹ.

Trước sự cạnh tranh ngày càng khó đoán trong lĩnh vực công nghệ của hai quốc gia lớn như Mỹ và Trung Quốc, động thái khởi động sáng kiến ICET giữa Mỹ và Ấn Độ là một phần cơ bản quan trọng khác trong chiến lược tổng thể nhằm đặt toàn bộ đối tác dân chủ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào vị thế mạnh. Sáng kiến sẽ giúp tạo ra nền tảng là một hệ sinh thái sâu sắc hơn giữa Mỹ và Ấn Độ, phục vụ lợi ích chiến lược, kinh tế và công nghệ của hai quốc gia cùng những đồng minh khác.

Cột mốc quan trọng trong quan hệ song phương 

Theo Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan, mục tiêu của sáng kiến là cột mốc quan trọng tiếp theo trong mối quan hệ song phương. Ông chỉ ra, những thách thức địa chính trị cũng như các động thái quân sự và hoạt động kinh tế của một số quốc gia đã thúc đẩy khuôn khổ quan hệ giữa Mỹ - Ấn Độ trong lĩnh vực này. Ông cho biết thêm, Tổng thống Mỹ tin rằng sáng kiến này là chìa khóa để Mỹ và Ấn Độ tạo ra một hệ sinh thái công nghệ dân chủ và củng cố các giá trị dân chủ cũng như các thể chế dân chủ. Vì vậy, Mỹ xem đây là một sáng kiến cực kỳ quan trọng và là mối quan hệ đối tác mà quốc gia này có với Ấn Độ.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết, với tư cách là hai trong số các nền kinh tế và nền dân chủ hàng đầu thế giới, lợi ích của sự hợp tác này là củng cố mối quan hệ đối tác, mang lại lợi ích cho người dân của cả hai nước cũng như thúc đẩy các nền kinh tế và người dân trên khắp thế giới. Vì vậy, Mỹ tin rằng đây là một bước tiến quan trọng và sẽ tiếp tục phát triển sáng kiến đổi mới này. Chuyên gia về Ấn Độ tại Viện Brookings Tanvi Mada nhận định, công nghệ là “trung tâm của mối quan hệ Mỹ - Ấn” trong nhiều thập kỷ. Trong những năm gần đây, hợp tác về công nghệ, bao gồm một thỏa thuận hạt nhân dân sự có ảnh hưởng lớn được ký năm 2006 giúp thúc đẩy mối quan hệ Mỹ - Ấn chặt chẽ hơn. 

Những trở ngại trước mắt 

Hiện tại, hai bên đã thảo luận về các cơ hội hợp tác lớn hơn trong các công nghệ quan trọng và mới nổi, đồng thời phát triển và hợp tác sản xuất, cũng như các cách để tăng cường kết nối giữa các hệ sinh thái đổi mới. Phó Thư ký báo chí Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cho biết, Mỹ cũng mở rộng hợp tác quốc phòng với việc phát triển và sản xuất chung. Điều này sẽ tập trung vào các dự án liên quan đến động cơ phản lực, công nghệ liên quan đến vũ khí và các hệ thống khác. Trong khi đó, một lĩnh vực mà Ấn Độ quan tâm là sản xuất động cơ phản lực General Electric - loại động cơ sử dụng trong máy bay chiến đấu của nước này. Ông Jake Sullivan cho hay, đề xuất đồng sản xuất với Ấn Độ về động cơ phản lực trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng do General Electric đệ trình được chính phủ Mỹ dự kiến phê chuẩn.

Ngoài động cơ phản lực, sáng kiến về các công nghệ quan trọng và mới nổi cũng bao gồm hợp tác về hệ thống pháo binh, phương tiện chiến đấu bọc thép bộ binh và an ninh hàng hải, cũng như chất bán dẫn, điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo. Trong số những dự án khác mà chính phủ Mỹ, Ấn Độ đang xem xét có lựu pháo M777 và xe chiến đấu bọc thép Stryker. Các quan chức cho hay, ý tưởng này sẽ giúp Ấn Độ phát triển ngành công nghiệp quốc phòng bản địa để phục vụ mục đích quốc phòng và xuất khẩu.

Giới chuyên gia nhận định, iCET ra đời phản ánh sự coi trọng của phía Mỹ với vị thế địa - chính trị của Ấn Độ tại khu vực. Song trong mỗi lĩnh vực, Nhà Trắng đều phải đối mặt với những thách thức lớn, bao gồm những giới hạn của Mỹ trong việc chuyển giao công nghệ quân sự hay việc cấp thị thực cho lao động nhập cư. Theo Bloomberg, Mỹ mong muốn đón thêm các chuyên gia chip máy tính Ấn Độ đến Mỹ. Nỗ lực của Mỹ nhằm đưa ngành sản xuất chất bán dẫn tiên tiến trở lại đất nước chủ yếu dựa vào việc tìm kiếm lực lượng lao động có trình độ. Một phần trong chiến lược đó là hợp lý hóa hệ thống thị thực của Mỹ mà ở đó Nhà Trắng làm việc với Quốc hội để giải quyết các vấn đề hiện có với thị thực H1B và đảm bảo Mỹ tiếp tục thu hút nhân tài khoa học và kỹ thuật. 

Bên cạnh đó, còn có những trở ngại mà các chuyên gia đã chỉ ra. Tại Mỹ, cần điều chỉnh các chính sách chuyển giao và phát hành công nghệ trong khi Ấn Độ cần có những thay đổi trong chính sách thuế và hải quan. Ông Jake Sullivan thừa nhận rằng, quan hệ đối tác với Ấn Độ không phải là không có rủi ro, nhưng ông khẳng định sáng kiến này không xuất phát từ xung đột ở Ukraina hay những nỗ lực nhằm chia rẽ Ấn Độ và Nga. 

Như Ý
#