RCEP và IPEF với mục tiêu thương mại số
Theo Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế kỹ thuật số đóng góp hơn 1,5% GDP toàn cầu - phần lớn trong số này đến từ thương mại kỹ thuật số, trải dài từ thương mại hàng hóa công nghệ đến các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật số.
Gần đây, các cách tiếp cận thương mại kỹ thuật số đang được đa dạng hóa, đặc biệt là ở Trung Quốc và Hoa Kỳ. Cả hai đều đã tăng cường ảnh hưởng của mình trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số thông qua các khuôn khổ kinh tế khác nhau, bao gồm Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Khuôn khổ Kinh tế thịnh vượng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF). Nhưng dường như RCEP do Trung Quốc dẫn đầu đang làm nhiều hơn để thúc đẩy thương mại kỹ thuật số và các loại hình thương mại khác trong khi IPEF còn mơ hồ và thiếu khả thi.
IPEF do Mỹ khởi xướng vào ngày 23.5.2022, mời Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, và một số nước Đông Nam Á như Brunei, Indonesia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam tham gia. IPEF nhằm mục đích xác định các mục tiêu chung xung quanh bốn trụ cột: thương mại, chuỗi cung ứng, nền kinh tế sạch và nền kinh tế công bằng. Trụ cột thương mại nêu bật tính cấp thiết của hợp tác thương mại kỹ thuật số, hướng tới thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số toàn diện bằng cách theo đuổi các quy định tiêu chuẩn cao trong kinh tế kỹ thuật số, trong đó có tiêu chuẩn đối với các luồng dữ liệu xuyên biên giới và bản địa hóa dữ liệu..., đồng thời giải quyết các vấn đề như quyền riêng tư trực tuyến và sử dụng trí tuệ nhân tạo mang tính phân biệt đối xử. Thay vì xử lý thương mại kỹ thuật số như một vấn đề phụ trợ, IPEF đặt vấn đề này lên hàng đầu và trung tâm.
Ngược lại, với tư cách là khối thương mại lớn nhất thế giới hiện nay, RCEP đưa ra các điều chỉnh về thuế quan, cơ chế giải quyết tranh chấp và các biện pháp khắc phục thương mại nhằm tạo ra khả năng hợp tác và cam kết tốt hơn để đạt được các mục tiêu chung. Chương 12 của Hiệp định này hướng đến mục tiêu thúc đẩy thương mại điện tử cũng như tạo ra một môi trường pháp lý, chính sách hỗ trợ cho nó, bao gồm giao dịch không cần giấy tờ, sử dụng rộng rãi hơn và dễ dàng hơn chữ ký điện tử, giảm bớt quy định, linh hoạt trong lưu trữ dữ liệu và truyền dữ liệu xuyên biên giới. Ngoài ra, chương 12 kêu gọi hợp tác để trao quyền cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng thương mại điện tử, xây dựng năng lực chung, chia sẻ các phương pháp hay nhất, thiết lập cơ cấu bảo vệ người tiêu dùng, minh bạch hơn về quy định và hợp tác trong an ninh mạng. Hai khía cạnh đặc biệt nổi bật của Chương 12 là các lệnh cấm đối với các cơ sở máy tính được bản địa hóa và dữ liệu được bản địa hóa.
Vai trò đầu tàu
RCEP đề cập đến thương mại kỹ thuật số dưới dạng thương mại điện tử với các mặt hàng truyền thống được giao dịch và vận chuyển với sự hỗ trợ của công nghệ kỹ thuật số. RCEP sẽ tạo ra các cơ hội kinh tế số bằng cách thúc đẩy hợp tác trong các hoạt động nghiên cứu và đào tạo, nâng cao năng lực và trao quyền cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng các nền tảng thương mại điện tử.
Đây là một lợi ích quan trọng vì thương mại kỹ thuật số còn tương đối mới trong cơ chế thương mại toàn cầu và hầu hết các thành viên RCEP cần các mức hỗ trợ khác nhau để chuyển đổi kỹ thuật số. Trung Quốc đang nỗ lực để thể hiện mình như một quốc gia đi đầu trong quá trình hỗ trợ này cho các nước thành viên. Mô hình kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc đã trở thành mô hình hàng đầu ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Một số công ty lớn của Trung Quốc, bao gồm WeChat và Alipay, đã đi tiên phong trong các khoản thanh toán xuyên biên giới và phát triển các phương thức mà các công ty khác có thể học tập. Bằng cách khẳng định ảnh hưởng của mình trong RCEP, Trung Quốc tìm cách hồi sinh cơ chế thương mại kỹ thuật số ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trong khi đó, trong những thập kỷ gần đây, Mỹ đã rút lại vai trò lãnh đạo lịch sử của mình trong thương mại quốc tế. Thỏa thuận thương mại thực sự cuối cùng được Quốc hội Mỹ phê chuẩn ở châu Á là Hiệp định thương mại tự do Mỹ - Hàn Quốc được ký kết vào năm 2007 và có hiệu lực vào năm 2012. Trong khi đó, theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), số lượng các thỏa thuận thương mại khu vực được ký kết trên thế giới từ năm 2007 - 2021 đã tăng từ 164 lên 354.
Mỹ, kiến trúc sư của phần lớn hệ thống thương mại dựa trên luật lệ ngày nay, trong những thập kỷ gần đây nhìn chung chỉ quan sát khi những nguyên tắc thương mại hiện đại được tạo ra xung quanh mình. Chính vì vậy, khi xây dựng cấu trúc của IPEF, Tổng thống Biden đã tính đến các thực tế chính trị hiện tại, thiết lập theo cấu trúc không giống như một thỏa thuận thương mại truyền thống, không đòi hỏi phải có sự chấp thuận của Quốc hội. Điều này có thể thấy, việc Mỹ thúc đẩy thành lập IPEF trong đó với những tham vọng về kinh tế kỹ thuật số phần lớn bắt nguồn từ những lo ngại về ảnh hưởng suy yếu của họ ở châu Á, hơn là vì những cân nhắc kinh tế.
Cơ chế tuân thủ
RCEP đi kèm với cách tiếp cận chấp nhận hoặc từ bỏ, buộc các quốc gia thành viên phải tuân thủ các điều khoản được nêu trong thỏa thuận. Nhưng khi thực hiện các điều khoản về thương mại điện tử, RCEP tôn trọng lợi ích quốc gia của các quốc gia thành viên để quyết định các biện pháp phù hợp với hoàn cảnh của họ.
Ngược lại, IPEF áp dụng cách tiếp cận linh hoạt cho phép các quốc gia thành viên từ chối bất kỳ trụ cột nào mà họ không quan tâm, điển hình là việc Ấn Độ từ chối tham gia Trụ cột 1 tập trung vào thương mại. Sự ràng buộc khá lỏng lẻo này làm cho một số cam kết của khuôn khổ IPEF khó có thể được thực hiện.
Như vậy, nếu không có gì đảm bảo rằng những cải cách trong nước sẽ được thực hiện một cách bình đẳng, các quốc gia thành viên sẽ miễn cưỡng xúc tiến các bước cải cách, dẫn đến quan hệ đối tác không hiệu quả. Ngoài ra, việc IPEF thiếu các ưu đãi kinh tế - bao gồm cả những cam kết về điều chỉnh thuế quan - cũng làm giảm sức hấp dẫn của khuôn khổ đối với các quốc gia thành viên.
Cơ chế giải quyết tranh chấp
Về cơ chế tuân thủ, các thành viên RCEP có thể sử dụng các cơ chế phòng vệ thương mại và giải quyết tranh chấp. Nhưng chương thương mại điện tử của RCEP không thuộc thẩm quyền của các cơ chế giải quyết tranh chấp, khiến cho bất kỳ tranh chấp nào về việc diễn giải và thực thi đều phải được đàm phán một cách thiện chí. Đánh giá chung 5 năm sắp tới của RCEP cho phép các quốc gia thành viên đánh giá lại liệu các cơ chế giải quyết tranh chấp này có nên áp dụng cho các tranh chấp liên quan đến thương mại điện tử hay không.
Trong khi đó với IPEF, việc thiếu các cơ chế giải quyết tranh chấp hoặc các biện pháp khắc phục thương mại khác cho thấy nó khó có thể thực thi được. Hiện Mỹ vẫn chưa quyết định liệu IPEF có áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp ràng buộc hay bất kỳ biện pháp khắc phục thương mại nào hay không.
IPEF cũng không đưa ra các điều chỉnh thuế quan hoặc các cam kết tiếp cận thị trường truyền thống, tạo ra sự do dự về việc liệu các điều khoản có được thi hành hay không. Các hiệp định thương mại sẽ có xu hướng không hiệu quả nếu không có các biện pháp thuế quan trả đũa như một biện pháp ngăn chặn.
Nếu dựa vào IPEF để thúc đẩy cạnh tranh trong cuộc đua thương mại kỹ thuật số ở khu vực châu Á, Mỹ sẽ cần nỗ lực nhiều hơn nữa để cạnh tranh với ảnh hưởng khu vực của Trung Quốc. Vì trên thực tế, IPEF không mang lại những lợi ích khả thi như điều chỉnh thuế quan, tiếp cận thị trường chung, nâng cao năng lực và hỗ trợ kỹ thuật trong việc phát triển các khuôn khổ thương mại kỹ thuật số - những khía cạnh đều có trong RCEP.