Luật Phòng chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố năm 2014

- Chủ Nhật, 21/08/2022, 06:24 - Chia sẻ

Được Quốc hội Lào thông qua năm 2014 và chính thức có hiệu lực từ 24.2.2015, Luật Phòng chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố quy định nguyên tắc, quy định và biện pháp liên quan đến công việc quản lý, giám sát hoạt động phòng chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố, bảo đảm công tác hoạt động hiệu quả với mục tiêu được chống lại, ngăn chặn, hạn chế và loại bỏ hành vi phạm tội, tạo ra hệ thống kinh tế và tài chính vững mạnh, xã hội an toàn và trật tự, thúc đẩy hội nhập khu vực và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Rửa tiền là gì?

Luật định nghĩa rửa tiền là hành vi chuyển đổi, sử dụng, dịch chuyển, trao đổi, mua lại, sử dụng, chuyển quyền sở hữu tiền hoặc tài sản khác của một cá nhân, pháp nhân hoặc tổ chức mà người đó biết hoặc nghi ngờ rằng tiền hoặc tài sản đó có nguồn gốc từ việc phạm tội để che giấu hoặc ngụy trang đặc điểm, nguồn gốc, vị trí của tiền hoặc tài sản nhằm hợp pháp hóa tiền hoặc tài sản đó.

Nguồn: ITN

Phòng, chống rửa tiền là hành động của cá nhân, pháp nhân và tổ chức có nhiệm vụ nhận biết, hạn chế và loại bỏ hành vi rửa tiền, vốn là hành vi có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, gây thiệt hại cho nền kinh tế.

Hành vi rửa tiền bao gồm các hành vi sau đây:

1. Chuyển đổi, chuyển tiền, tài sản để che giấu, ngụy tạo số tiền thu được từ việc phạm tội hoặc tiếp tay cho tội phạm nhằm trốn tránh pháp luật;

2. Việc che giấu hoặc ngụy tạo nguồn gốc, địa điểm, công việc...;

3. Mua, sở hữu, sử dụng tiền thu được từ phạm tội như cho vay tiền hoặc tài sản, sử dụng tiền hoặc tài sản đó để đầu tư trực tiếp.

4. Tham gia lập kế hoạch, cố gắng hoặc trợ giúp, khuyến khích, tạo điều kiện hoặc tư vấn liên quan đến các tội danh được quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều này;

Ngoài ra, rửa tiền có thể biểu hiện như sau: cố ý có hành vi phạm tội dẫn đến việc rửa tiền; có những sự kiện hoặc bằng chứng chứng minh tiền hoặc tài sản đó có được từ việc phạm tội mà không cần thiết phải có bản án của tòa án.

Luật Phòng chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố hình thành thuật ngữ “đơn vị báo cáo”, có thể bao gồm cả “các tổ chức khu vực tài chính” và “các tổ chức khu vực phi tài chính”. “Các tổ chức trong lĩnh vực tài chính” bao gồm: ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính vi mô, nhà cung cấp cho vay và tín dụng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán… “Các tổ chức trong lĩnh vực phi tài chính” bao gồm đại diện bất động sản thương mại, đại lý đồ cổ/kim loại quý, công ty luật, kiểm toán viên…

Theo Luật này, tất cả mọi người, bao gồm cả các đơn vị báo cáo, phải cung cấp thông tin và hành động chống rửa tiền và tài trợ cho khủng bố. Tuy nhiên, Luật cũng quy định về một số trách nhiệm cụ thể đối với các đơn vị báo cáo. Đơn vị báo cáo được yêu cầu xác minh danh tính của khách hàng (ví dụ: thông qua chứng minh nhân dân, hộ chiếu, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp), cũng như ý định và mục tiêu đằng sau các giao dịch. Nếu không thể làm như vậy, thì các đơn vị báo cáo không được tiếp tục hoặc bắt đầu mối quan hệ kinh doanh với khách hàng đó. Các đơn vị báo cáo phải báo cáo về các giao dịch sau đây trong vòng ba ngày: các giao dịch vượt quá ngưỡng tiền tệ nhất định (sẽ được Ngân hàng CHDCND Lào xác định trong các quy định sau này); và những người bị nghi ngờ có liên quan đến rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố. Các báo cáo đó và sự tồn tại của chúng phải được giữ bí mật nếu không người nộp đơn có thể bị phạt và buộc tội hình sự.

Điều khoản bảo vệ

Để bảo vệ những người làm công tác chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố - vốn là một nhiệm vụ khá nguy hiểm, Luật này có điều khoản quy định người thực hiện công tác chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố, bao gồm những người tham gia vào công việc này như người báo cáo, người cung cấp thông tin, nhân chứng chuyên gia và gia đình của họ, sẽ được pháp luật bảo hộ trước sự trả thù và các mối đe dọa đối với tính mạng, sức khỏe, tự do và thiệt hại về nhân phẩm, danh tiếng hoặc tài sản riêng.

Quan hệ với cá nhân có ảnh hưởng chính

Để tránh cho công tác phòng chống rửa tiền bị thao túng bởi những cá nhân có ảnh hưởng chính trị, Luật quy định đơn vị có trách nhiệm báo cáo về hoạt động rửa tiền hoặc chống khủng bố phải có hệ thống quản lý rủi ro để xác định khách hàng hoặc chủ sở hữu hưởng lợi là cá nhân có ảnh hưởng chính trị. Đối với những đối tượng này, những người có nhiệm vụ báo cáo ngoài việc thực thi chức trách của mình theo luật này, còn phải báo cáo với ban giám đốc hoặc ban điều hành của đơn vị trước khi tiếp tục thực hiện giao dịch với khách hàng đó; thực hiện các biện pháp phù hợp nhằm nhận biết nguồn gốc tài sản; theo dõi liên tục quan hệ kinh doanh và giao dịch của khách hàng.

Biện pháp chế tài

Luật mới của Lào đưa ra khung chế tài khá nghiêm khắc cả với đơn vị chịu trách nhiệm báo cáo trong trường hợp vi phạm lẫn các đối tượng phạm tội. Cụ thể như sau:

Đối với đơn vị báo cáo, nếu không thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo Luật này, sẽ bị cảnh cáo bằng văn bản, xử phạt theo quy định; trong trường hợp đơn vị báo cáo vi phạm điều khoản cấm quy định trong Luật này, sẽ bị tạm ngừng hoặc bãi nhiệm chức danh quản lý, rút giấy phép hoạt động hoặc giấy phép đăng ký, truy tố vụ án hình sự theo quy định và xử phạt từ 100 triệu kíp Lào đến 2 tỷ kíp Lào tùy theo mức độ nặng nhẹ.

Đối với hành vi rửa tiền, cá nhân có hành vi rửa tiền dưới 1 tỷ kíp Lào sẽ bị kết án tù giam từ 3 - 7 năm; phạt tiền từ 300 triệu đến 500 triệu kíp Lào và tịch thu tài sản;

Đối với hành vi rửa tiền từ 1 tỷ kíp Lào trở lên, sẽ bị án tù giam từ 7 - 10 năm, phạt tiền từ 500 triệu đến 700 triệu kíp Lào và tịch thu tài sản.

Trong trường hợp tổ chức thành nhóm hoặc phạm tội thường xuyên sẽ bị kết án tù giam từ 10 - 15 năm, xử phạt 500 triệu đến 700 triệu kíp Lào và tịch thu tài sản.

Quốc Đạt