Luật Kinh doanh viễn thông (Telecommunications Business Act - TBA) lần đầu tiên được ban hành vào năm 1984 và từ đó đến nay liên tục được sửa đổi. Luật tạo ra khung pháp lý cho việc quản lý và giám sát dịch vụ viễn thông, mục đích là khuyến khích cạnh tranh công bằng, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, cũng như bảo đảm hoạt động ổn định, hiệu quả của các mạng và dịch vụ viễn thông.
Luật liệt kê nhiều nội dung chính, từ cấp phép, việc tham gia thị trường, dịch vụ toàn cầu, kết nối và truy cập, cạnh tranh, vấn đề quản lý phân bổ tần số vô tuyến và phổ không dây cho dịch vụ viễn thông…
Chẳng hạn, Luật Kinh doanh viễn thông yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông phải có giấy phép từ Bộ Nội vụ và truyền thông (MIC) để hoạt động tại Nhật Bản. Giấy phép này chỉ định rõ loại dịch vụ viễn thông có thể được cung cấp. Luật cũng đưa ra các tiêu chí và thủ tục để nhận được giấy phép hoạt động doanh nghiệp viễn thông, trong đó có các yêu cầu cụ thể như ổn định tài chính, khả năng kỹ thuật hay việc tuân thủ quy định…
Ngoài ra, Luật còn chỉ rõ, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông phải đóng góp vào việc cung cấp dịch vụ toàn cầu, bảo đảm rằng các dịch vụ viễn thông thiết yếu có sẵn cho tất cả công dân, bao gồm cả vùng sâu, vùng xa, vùng hẻo lánh. Bên cạnh đó, TBA quy định việc kết nối và truy cập vào các mạng viễn thông. Nó bảo đảm rằng, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông có thể kết nối mạng và cung cấp dịch vụ cho người dùng cuối. Ngoài ra, luật còn bao gồm nhiều quy định nhằm khuyến khích cạnh tranh công bằng trên thị trường viễn thông và ngăn chặn các hành vi chống cạnh tranh, trong đó có quy định việc sáp nhập và mua lại để ngăn chặn hành vi độc quyền. Văn bản pháp lý này cũng xử lý việc phân bổ và quản lý tần số sóng vô tuyến và phổ không dây cho dịch vụ viễn thông. Nó bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên phổ không dây và quy định thiết bị vô tuyến để tránh gây nhiễu…
Đặc biệt, Luật chú ý bảo vệ quyền lợi và lợi ích của người tiêu dùng. TBA thiết lập các quy tắc liên quan đến hóa đơn, điều khoản hợp đồng, giải quyết tranh chấp, bảo vệ quyền riêng tư và xử lý khiếu nại của khách hàng…
Luôn sửa đổi để bắt kịp xu thế
Như đã đề cập ở trên, Luật Kinh doanh viễn thông ở Nhật Bản nhiều lần được sửa đổi. Trong giai đoạn gần đây, vào tháng 10.2019, Luật sửa đổi có hiệu lực để thúc động cạnh tranh trên thị trường di động. Theo đó, việc tách biệt giữa phí dịch vụ liên lạc và giá của thiết bị cùng việc cấm sử dụng vỏ tủ viễn thông quá mức đều được đưa ra trong luật. Tháng 10.2020, chỉ một năm sau khi sửa đổi trên có hiệu lực, Bộ Nội vụ và truyền thông công bố Kế hoạch hành động hướng tới thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng trên thị trường di động và đưa ra chính sách thiết lập môi trường sử dụng tạo thuận lợi cho dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên đầu số MNP, thúc đẩy thẻ SIM đã mở khóa, eSIM, giảm chi phí kết nối giữa MNO (nhà mạng sở hữu hạ tầng mạng) và MVNO (mạng di động ảo),…
Ngày 1.4.2021, Luật Kinh doanh viễn thông sửa đổi tiếp theo có hiệu lực, trong đó có điều khoản áp dụng cho các nhà mạng nước ngoài cung cấp dịch vụ viễn thông từ nước ngoài đến Nhật Bản và bắt buộc họ phải chỉ định đại diện tại Nhật Bản. Trước đây, khi chưa sửa đổi, các quy định của luật (ví dụ như bảo mật thông tin liên lạc và nghĩa vụ báo cáo sự cố liên quan đến rối loạn thông tin liên lạc) chưa áp dụng hiệu quả cho các nhà khai thác kinh doanh nước ngoài. Do đó, bản sửa đổi này muốn khắc phục tình trạng đó bằng cách cho phép thực thi quyền hành chính đối với các nhà điều hành doanh nghiệp nước ngoài thông qua các đại diện trong nước của họ, từ đó luật muốn tăng cường bảo vệ người dùng ở Nhật Bản, cũng như tạo sự bình đẳng giữa các nhà mạng trong và ngoài nước.
Ngày 13.6.2022, bản sửa đổi mới nữa của Luật Kinh doanh viễn thông được ban hành và dự kiến sẽ có hiệu lực không muộn hơn ngày 16.6.2023. Lần này, nó bao gồm các quy định mới về việc sử dụng thông tin nhận dạng cá nhân và các thông tin khác liên quan đến các cá nhân, bao gồm cả cookie. Chẳng hạn, một số nhà cung cấp dịch vụ viễn thông có ý định gửi thông tin người dùng theo các quy định mới cho bên thứ ba, sẽ có nghĩa vụ cung cấp cho người dùng cơ hội xác nhận. Các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông vượt quá quy mô nhất định có thể được Bộ chỉ định là doanh nghiệp có nghĩa vụ xử lý đúng cách thông tin được bảo vệ. Họ sẽ phải tạo và thông báo cho người dùng các quy định xử lý thông tin đối với thông tin người dùng cụ thể; Xây dựng và công bố chính sách xử lý thông tin, trong đó chỉ ra nội dung thông tin người dùng cụ thể được thu thập, mục đích và phương pháp sử dụng thông tin đó; Tự đánh giá thực trạng xử lý thông tin và sửa đổi quy chế xử lý thông tin, chính sách xử lý thông tin trên cơ sở đánh giá đó…