Tòa nhà nằm trên một mảnh đất rộng 50.000m2, trên đồi Hampden cách thủ đô Harare khoảng 18km về phía Tây Bắc. Tòa nhà 6 tầng được dự định làm nơi ở cho cả Thượng viện và Hạ viện của Quốc hội Zimbabwe. Các hội trường trong tòa nhà đều có thể chứa tới 650 nhà lập pháp, thay thế tòa nhà 100 chỗ ngồi hiện tại có từ thời thuộc địa mà các quan chức Zimbabwe cho là quá nhỏ đối với 350 nhà lập pháp.
Kiến trúc đồng tâm truyền thống
Tổ hợp văn phòng gồm 6 tầng, được bố trí thành các vòng tròn đồng tâm xung quanh hội trường Quốc hội trung tâm với sức chứa 650 người. Quy hoạch truyền thống ở Zimbabwe luôn được xây dựng theo mô hình đồng tâm. Vòng tròn đồng tâm là một khái niệm tuyệt vời trong cuộc sống, nó tượng trưng cho sự đoàn kết và hòa thuận giữa con người. Với sự tập trung vào mục tiêu và sự hỗ trợ lẫn nhau, chúng ta có thể tạo nên một cộng đồng mạnh mẽ và phát triển. Vòng tròn đồng tâm là một công cụ mạnh mẽ để xây dựng mối quan hệ đáng tin cậy và tạo ra một môi trường tốt đẹp cho sự thành công và hạnh phúc.
Triết lý này là động lực thúc đẩy đằng sau khái niệm vĩ mô cho tòa nhà Quốc hội mới. Sự phát triển đồng tâm và xuyên tâm trong thiết kế của các ngôi làng truyền thống của Zimbabwe được thể hiện trong khu vực quan trọng nhất và thiêng liêng của Tòa nhà Quốc hội - hội trường.
Địa vị, thứ bậc được thể hiện ở vị trí của Thượng viện và Hạ viện. Như theo ý nghĩa truyền thống, cả hai phòng này đều được đặt ở nơi yên tĩnh và "sự tôn nghiêm" của nghị viện sẽ được thể hiện.
Kiến trúc thể chế
Tỏa ra từ khu vực trung tâm hội trường sẽ là các hành lang quyền lực, bao gồm các Phòng Ủy ban, Văn phòng của các bộ trưởng, Phòng Tổng thư ký và các văn phòng phụ trợ khác, từ đó tái tạo sự phân tầng của cuộc sống làng quê.
Một khía cạnh khác của quy hoạch truyền thống được thể hiện trong kiến trúc của tòa nhà Quốc hội mới là những thiết kế tháp hình nón - vốn là biểu tượng của quyền lực trong các thiết kế làng quê. Bản sao tháp hình nón lớn nhất được sử dụng để làm nơi hội họp quan trọng của Thượng viện và Hạ viện cũng như tạo yếu tố thị giác mạnh mẽ nhất của bố cục tổng thể. Các bản sao tháp hình nón nhỏ hơn được nhấn mạnh ở lối vào tòa nhà, phối hợp với đường cong duyên dáng của lối vào.
Bức tường bao quanh ngôi làng truyền thống cũng được tái hiện thông qua tường bao của Tòa nhà, thể hiện sự bao bọc vững chắc.
Cấu trúc bản địa và vật liệu địa phương
Cấu trúc không gian ba chiều và cách sử dụng vật liệu càng khơi gợi mạnh mẽ hơn nữa tới những yếu tố bản địa quan trọng nhất của khu phức hợp. Những vật liệu địa phương nổi tiếng như đá granit ở dạng đánh bóng và không đánh bóng đã được sử dụng ốp tường và nền trong tòa nhà.
Không gian xanh cũng được sử dụng từ các loại cây bản địa và cây bụi nhằm giúp đặt Tòa nhà Quốc hôi vào một “không gian Zimbabwe”. Các yếu tố nghệ thuật và trang trí được lên ý tưởng để minh họa các khía cạnh của đời sống và văn hóa Zimbabwe. Tất cả các yếu tố đều hướng đến một khái niệm tổng thể cuối cùng về một cấu trúc bản địa thực sự độc đáo, có thể là kiến trúc Zimbabwe đích thực và đáng tự hào về mọi mặt.
Trong bài phát biểu trước tòa nhà Quốc hội mới hồi tháng 11.2022, Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa đã mô tả tòa nhà Quốc hội trên đỉnh núi nằm trên khu đất rộng 3,3ha là “rất hùng vĩ”. Bài diễn văn của Tổng thống Mnangagwa cũng chính thức khai mạc phiên họp cuối cùng của Quốc hội hiện tại trước cuộc bầu cử vào năm 2023, đánh dấu bước chuyển từ tòa nhà Quốc hội cũ ở trung tâm Harare tới khu phưc hợp mới.
Chính phủ Zimbabwe cũng cho hay họ có kế hoạch thành lập một thành phố thủ đô “thông minh” mới ở Mt. Hampden và đặt ở đó các văn phòng chính phủ, cách xa thủ đô Harare đông đúc.