TAI NẠN ĐUỐI NƯỚC Ở TRẺ EM

Khuyến nghị từ cộng đồng quốc tế

- Thứ Bảy, 07/05/2022, 13:30 - Chia sẻ

Tai nạn do đuối nước là một trong những vấn đề liên quan đến sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng trên thế giới, với con số trung bình lên đến hơn 200 nghìn ca đuối nước mỗi năm. Trước thực trạng này, cộng đồng thế giới đã đưa ra các khuyến nghị, giải pháp, song cần nhiều nỗ lực hơn nữa để phòng chống tai nạn đuối nước.

Thực trạng đáng báo động

Theo các thống kê chưa đầy đủ, trong thập kỷ qua, đuối nước đã cướp đi sinh mạng của hơn 2,5 triệu người trên toàn cầu, như vậy ước tính có khoảng hơn 200.000 người chết vì đuối nước hàng năm. Đuối nước đứng hàng thứ 3 trong số nguyên nhân các trường hợp tử vong do vô ý gây thương tích. Điều đáng kể là hơn 90% số vụ tai nạn đuối nước xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, trong đó theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì hơn một nửa số vụ chết đuối trên thế giới xảy ra ở khu vực Tây Thái Bình Dương và khu vực Đông Nam Á.

Khuyến nghị từ cộng đồng quốc tế -0

WHO đã từng công bố một báo cáo liên quan đến vấn đề đuối nước trên thế giới cách đây 8 năm. Báo cáo chỉ ra rằng đuối nước vẫn chưa được chú ý nhiều và các chính phủ cũng như các cộng đồng có trách nhiệm khác cần phải làm việc nhiều hơn nữa để đóng góp vào nỗ lực phòng chống đuối nước. Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho biết một số thực trạng đáng lưu ý khác. Về giới tính, nam giới có nguy cơ bị đuối nước với tỷ lệ tử vong cao gấp đôi nữ giới do tiếp xúc với nước nhiều hơn và thực hiện các hành vi nguy hiểm hơn như bơi một mình, sử dụng chất kích thích trước khi bơi... Về nguy cơ tiếp cận với nguồn nước, các đối tượng sinh sống bằng nghề đánh cá, vận tải thủy… có nguy cơ đuối nước cao hơn. Trẻ em sống gần các nguồn nước như mương, ao, kênh tưới tiêu hoặc hồ thủy lợi cũng có nguy cơ đuối nước rất cao. Nguy cơ đuối nước cũng gia tăng khi có lũ lụt, đặc biệt là ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, nơi người dân sinh sống nhiều ở các khu vực dễ bị lũ lụt trong khi khả năng cảnh báo, sơ tán hoặc bảo vệ cộng đồng khỏi lũ lụt còn hạn chế.

Trong số nạn nhân tai nạn đuối nước, người ta quan tâm nhiều hơn đến trẻ em, bởi đây là đối tượng dễ chịu tổn thương và ít có khả năng tự bảo vệ nhất. Theo đó, liên quan đến đuối nước ở trẻ em, báo cáo của WHO cho biết, đuối nước là một trong 5 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với trẻ em từ 1 - 14 tuổi tại 48 trong số 85 quốc gia được thống kê. Tại một số nước, kể cả các nước phát triển, tai nạn đuối nước ở trẻ em vẫn diễn ra như: tại Úc, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do thương tích không chủ ý ở trẻ em từ 1 - 3 tuổi; tại Bangladesh, đuối nước chiếm 43% tổng số ca tử vong ở trẻ em từ 1 - 4 tuổi; tại Trung Quốc, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do thương tích không chủ ý ở trẻ em từ 1 - 14 tuổi; tại Mỹ, đuối nước là nguyên nhân thứ hai gây tử vong do thương tích không chủ ý ở trẻ em từ 1 - 14 tuổi.

Cần những giải pháp hữu hiệu hơn

WHO đã có nhiều nỗ lực trong việc cảnh báo và đưa ra các khuyến nghị giúp cộng đồng quốc tế phòng tránh tai nạn đuối nước. Tổ chức này kêu gọi các chính phủ cần thực hiện các chương trình phòng chống đuối nước hiệu quả, phù hợp với điều kiện quốc gia, đồng thời kêu gọi sự phối hợp nhiều hơn giữa các cơ quan Liên Hợp Quốc, Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ… để ngăn ngừa đuối nước. Ở cấp quốc gia, WHO đã làm việc với một số quốc gia có thu nhập thấp và trung bình để phối hợp, đưa ra một số khuyến nghị như: Tăng cường rà soát, lắp đặt các rào chắn tại các khu vực có nguồn nước và dễ xảy ra nguy cơ đuối nước (như che nắp giếng, lắp đặt rào chắn tại các hồ nước, kênh, mương, có biện pháp cảnh báo tại các khu vực nước sâu); tăng cường giám sát cộng đồng, kiểm soát việc tiếp cận các mối nguy hiểm về nước, loại bỏ hoàn toàn các mối nguy hiểm về nước; dạy cho trẻ em ở độ tuổi đi học các kỹ năng bơi cơ bản, kỹ năng an toàn dưới nước và cứu hộ cứu nạn, trên cơ sở chương trình được thiết kế bài bản, với cơ sở vật chất và nhân lực bảo đảm…

Tại Việt Nam, mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhằm giảm thiểu tình trạng tai nạn đuối nước trong những năm gần đây, nhưng đuối nước vẫn là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Mỗi năm, Việt Nam vẫn có khoảng 2.000 trẻ em dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước. Các vụ tai nạn đuối nước thương tâm vẫn thường xuyên xảy ra đối với trẻ em, đặc biệt vào mùa hè, gây ra nỗi đau, sự mất mát không gì bù đắp được đối với gia đình, người thân của các em. Vì vậy, theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phòng, chống đuối nước trẻ em là một trong những ưu tiên hàng đầu trong Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Ngày 19.7.2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu giảm 20% số trẻ em tử vong do đuối nước, thông qua nhiều chương trình, giải pháp như tổ chức dạy bơi cho trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 15 và dạy kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ em tại các tỉnh có tỷ lệ đuối nước cao.

Để thực hiện mục tiêu này, các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức xã hội, mỗi gia đình và nhà trường cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa, đưa ra nhiều giải pháp hiệu quả hơn nữa; các cơ quan dân cử cũng cần nỗ lực hơn trong việc xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến phòng, chống đuối nước, góp phần thực hiện mục tiêu trên. Với nỗ lực của các cơ quan có trách nhiệm và sự chung tay của toàn xã hội, hy vọng tai nạn đuối nước nói chung, đuối nước ở trẻ em nói riêng sẽ được kéo giảm ở nước ta, để trẻ em được bảo vệ an toàn hơn trước nguy cơ tai nạn đuối nước.

NGUYỄN NGỌC HÙNG