Luật Thẩm định chuỗi cung ứng mới của Đức

Khung pháp lý quản lý chuỗi cung ứng có trách nhiệm

- Thứ Bảy, 14/01/2023, 06:51 - Chia sẻ

Tháng 6 năm ngoái, Quốc hội Đức thông qua luật mới yêu cầu các công ty lớn phải tiến hành hoạt động thẩm định chuỗi cung ứng và chính thức có hiệu lực từ 1.1.2023. Luật yêu cầu doanh nghiệp xác định, ngăn chặn và giải quyết các hành vi vi phạm nhân quyền và môi trường trong hoạt động của chính mình và của các nhà cung cấp trực tiếp của họ.

Hành động quyết liệt

Luật Thẩm định chuỗi cung ứng mới của Đức (ban đầu được gọi là Luật chuỗi cung ứng), yêu cầu các công ty lớn bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn xã hội và môi trường trong tất cả các tầng lớp thuộc chuỗi cung ứng của họ. Các công ty phải giám sát mọi hoạt động của mình và các nhà cung cấp trực tiếp cho họ trên toàn thế giới, thuộc mọi quy mô, đồng thời phải có hành động thích hợp nếu phát hiện sai phạm. Theo luật, doanh nghiệp của Đức có thể phải đối mặt với mức phạt lên tới 8 triệu euro hoặc tối đa 2% doanh thu toàn cầu hàng năm nếu họ không xác định, đánh giá, ngăn chặn và khắc phục các tác động đến nhân quyền và môi trường trong chuỗi cung ứng của mình. Chưa hết, các công ty không tuân thủ có thể bị loại khỏi đấu thầu công khai, và có nguy cơ bị cấm tham gia các hợp đồng công của Đức trong tối đa 3 năm.

,Khung pháp lý cho quản lý chuỗi cung ứng có trách nhiệm
Nguồn: ITN

Ngoài ra, bất cứ nhà cung cấp nào cho một công ty lớn của Đức sẽ cần báo cáo dữ liệu ESG cho khách hàng Đức của họ để tuân thủ luật pháp. ESG được viết tắt bởi 3 chữ cái đầu tiên của Environment - môi trường, Social - xã hội và Governance - quản trị. Đây là bộ 3 tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp. ESG giúp tổ chức xác định các rủi ro và cơ hội, cũng như mức độ ảnh hưởng khi áp dụng chúng vào vận hành.

Luật, vốn từng được đưa ra xem xét từ thời cựu Thủ tướng Angela Merkel, được áp dụng cho tất cả các công ty Đức có hơn 3.000 nhân viên từ ngày 1.1.2023. Theo Bộ Phát triển Đức, khoảng 900 công ty lớn Đức sẽ bị ảnh hưởng. Sau đó, phạm vi điều chỉnh của văn bản pháp lý này sẽ được mở rộng cho các công ty có hơn 1.000 nhân viên từ tháng 1.2024.

Luật Thẩm định chuỗi cung ứng mới liệt kê 11 quyền con người được quốc tế công nhận mà các công ty không được vi phạm nữa. Nó bao gồm các lệnh cấm lao động trẻ em, nô lệ, lao động cưỡng bức, phân biệt đối xử, việc làm phi đạo đức, điều kiện làm việc không an toàn, hoạt động suy thoái môi trường. Các công ty phải soạn báo cáo hàng năm phác thảo những bước họ đã thực hiện để xác định và giải quyết những rủi ro nói trên.

Luật mới thể hiện bước chuyển quan trọng khỏi trách nhiệm xã hội hoàn toàn tự nguyện của doanh nghiệp. Theo các nghiên cứu của Ủy ban châu Âu và Chính phủ Đức, nhiều công ty không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu trên cơ sở tự nguyện. Chưa đến một phần năm các công ty Đức giám sát các công ty con và nhà thầu nước ngoài của họ về vi phạm nhân quyền.

Các quy tắc trong luật sẽ được giám sát bởi một chi nhánh mới của Văn phòng Kinh tế và kiểm soát xuất khẩu Liên bang (BAFA), cơ quan này sẽ thực hiện kiểm toán thông qua các báo cáo bắt buộc do doanh nghiệp đệ trình và “kiểm tra dựa trên rủi ro”.

Ông Thibault Lecat, Giám đốc điều hành công ty tư vấn quản lý Inverto của Vương quốc Anh, cho biết: “Đức đang tiến xa hơn và nhanh hơn về ESG so với nhiều quốc gia khác. Các doanh nghiệp lớn của Đức đang bị buộc phải chịu trách nhiệm về các rủi ro ESG trong toàn bộ chuỗi cung ứng của họ - kể từ bây giờ.

Xét trên bình diện châu Âu, một chỉ thị thẩm định chuỗi cung ứng trên toàn EU đang được chuẩn bị, sẽ yêu cầu các công ty lớn của EU và các công ty quốc tế đang kinh doanh tại EU, tiến hành kiểm toán ESG toàn diện đối với chuỗi cung ứng toàn cầu và hành động khi cần thiết. Ngoài ra, luật tương tự hiện được xem xét ở Hà Lan, Áo, Bỉ và Phần Lan. Trước đó, Luật chống nô lệ hiện đại của Vương Quốc Anh và Luật Cảnh giác nghĩa vụ của Pháp đã được ra đời nhằm nỗ lực làm sạch chuỗi cung cứng. Còn ở bên ngoài lục địa già, Canada cũng đã công bố luật như vậy.

Băn khoăn của doanh nghiệp

Mặc dù là thành tựu lớn, theo nhiều nhà quan sát và doanh nghiệp, Luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức cũng còn thiếu sót đáng kể về nhiều mặt. Chẳng hạn, trong trường hợp các nhà cung cấp gián tiếp, các công ty không bắt buộc phải tiến hành phân tích rủi ro một cách chủ động và có hệ thống, điều này không phù hợp với Nguyên tắc Hướng dẫn của Liên Hợp Quốc (UN Guiding Principles). Nếu không nhận biết được rủi ro, doanh nghiệp không thể tránh chúng một cách thỏa đáng.

Hơn nữa, nó không quy định nguyên nhân khởi kiện mới trong luật dân sự, điều này sẽ cho phép các bên bị ảnh hưởng dễ dàng kiện các công ty hơn trước tòa án Đức về những thiệt hại đã gánh chịu. Nó thậm chí còn làm suy yếu một phần sự tham gia của các bên liên quan bị ảnh hưởng trong quá trình thẩm định và khắc phục.

Nghĩa vụ môi trường được giới hạn trong ba công ước được Đức phê chuẩn nhằm bảo vệ sức khỏe, trong khi mất đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu chưa được đưa vào. Thay vào đó, một điều khoản chung liên quan đến thiệt hại môi trường là cần thiết. Tương tự, bạo lực và phân biệt đối xử trên cơ sở giới, cũng như các quyền của người bản địa theo Công ước 169 của ILO, chưa được liệt kê trong luật, mặc dù những vi phạm như vậy phổ biến dọc theo chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhiều chủ doanh nghiệp cũng tỏ ra lo lắng, các quy định mới sẽ đặt công ty của họ vào thế bất lợi, đồng thời có thể tạo ra tình trạng quan liêu hơn cũng như có thể gây hại cho người lao động ở các thị trường mới nổi. Hiệp hội VDMA - nhóm vận động hành lang chính của ngành công nghiệp cơ khí Đức nhận định, luật có “ý tốt nhưng được thực hiện tệ hại” và mô tả những rủi ro từ luật mới là “khôn lường”. Trong khi đó, người đứng đầu Hiệp hội Doanh nghiệp Đức - Phi, Christoph Kannegiesser, chỉ trích các quy định mới đặt doanh nghiệp Đức vào thế “bất lợi cạnh tranh” so với các đối thủ toàn cầu của họ. Ông cũng cảnh báo, luật sẽ gây tổn hại cho các khoản đầu tư của Đức vào châu Phi, điều này không chỉ dẫn đến ít việc làm hơn mà còn hạn chế khả năng xóa bỏ lao động trẻ em của các quốc gia. Còn ông Hans Peter Wollseifer, Chủ tịch của Liên đoàn Thủ công lành nghề, than thở về gánh nặng bổ sung mà chính phủ sẽ áp đặt lên các doanh nghiệp vào thời điểm nền kinh tế đang rơi vào suy thoái.

Về phía doanh nghiệp, các tập đoàn Đức chỉ trích và thường xuyên chỉ ra một số lượng lớn các công ty nhỏ hơn trong chuỗi cung ứng của họ mà họ cho rằng việc tuân thủ là không thể kiểm soát được. Chẳng hạn, gã khổng lồ viễn thông Đức Deutsche Telekom cho biết, hãng có 20.000 nhà cung cấp, trong khi nhà sản xuất ô tô Volkswagen đề cập đến con số 40.000 và nhà sản xuất hóa chất BASF có khoảng 70.000 công ty riêng lẻ đóng góp vào các sản phẩm cuối cùng của họ. Bà Susann Schubert, người phụ trách chính sách bền vững tại doanh nghiệp gia đình có trụ sở tại thị trấn Fürth, Bavarian thậm chí nói với DW rằng, công ty cỡ trung của Đức Uvex (nổi tiếng với kính trượt tuyết và mũ bảo hiểm) có khoảng 30.000 nhà cung cấp ở 79 quốc gia để theo dõi. Và nếu tính cả nhà cung cấp của các nhà cung cấp, con số sẽ cao hơn “năm đến mười lần”. Ngoài ra, theo nhiều doanh nghiệp Đức, các ước tính của Chính phủ về chi phí trực tiếp của luật đối với các công ty của nước này về thời gian và công sức 110 triệu euro trong năm nay và 43,5 triệu euro một năm sau đó là thấp một cách phi thực tế.

Đức không phải là thành viên đầu tiên của EU ban hành luật liên quan quản lý chuỗi cung ứng như vậy. Nhưng quy định của Đức nghiêm ngặt và áp dụng cho nhiều công ty hơn, chẳng hạn như quy định tương đương của Pháp hoặc Hà Lan. Đặc biệt, các công ty Đức càng thêm băn khoăn trong bối cảnh nhiều quy tắc cứng rắn hơn của EU đang được xây dựng. EU sẽ yêu cầu các công ty có từ 500 nhân viên trở lên và doanh thu hàng năm là 150 triệu euro phải giám sát các tiêu chuẩn lao động và môi trường trong chuỗi cung ứng của họ, đồng thời đảm bảo hoạt động kinh doanh của họ tương thích với lộ trình khử carbon được dự kiến trong thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Trong các ngành như nông nghiệp hoặc dệt may, nơi tình trạng ngược đãi người lao động diễn ra phổ biến hơn, luật của EU sẽ áp dụng cho các công ty chỉ có 250 nhân viên và doanh thu 40 triệu euro. Nó có thể sẽ được đưa ra trước Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu trong năm nay. Khi đó, các công ty Đức sẽ cần phải tuân thủ cả quy định trong nước và quy định của EU, làm tăng thêm một lớp chi phí và độ phức tạp.

Thái Anh