Hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Australia

Kênh có ý nghĩa nền tảng đối với quan hệ song phương

- Thứ Ba, 29/11/2022, 05:08 - Chia sẻ

Hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Australia luôn là kênh có ý nghĩa nền tảng đối với quan hệ song phương. Điều này đặc biệt đúng trong thời điểm hết sức quan trọng đối với quan hệ Việt Nam - Australia khi hai nước đang chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược vào năm 2023.

Đưa quan hệ lập pháp đi vào chiều sâu, hiệu quả thiết thực và bền vững

Australia là một trong những quốc gia phương Tây thiết lập quan hệ ngoại giao sớm nhất với Việt Nam vào ngày 26.2.1973, một tháng sau Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Ngay sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, 39 nghị sĩ Australia đã thành lập một ủy ban tại Nghị viện nhằm vận động Australia công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và nỗ lực của họ đã được đền đáp vào tháng 5.1975.

Kênh có ý nghĩa nền tảng đối với quan hệ song phương -0
Toàn cảnh tòa nhà nghị viện Australia về đêm. Nguồn: Wikimedia commons

Trong gần nửa thế kỷ qua, quan hệ Việt Nam - Australia đã phát triển mạnh mẽ, nhanh, thực chất và khá hiệu quả, đặc biệt từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2009 và ký Tuyên bố về quan hệ Đối tác Toàn diện tăng cường vào tháng 3.2015, trong đó nêu rõ quan hệ song phương đã mang “bản chất chiến lược ngày càng tăng” và tình hữu nghị ngày càng nở rộ sau khi quan hệ được nâng cấp lên tầm Đối tác Chiến lược vào ngày 15.3.2018, khi đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Malcolm Turnbull đã ký Tuyên bố chung về Thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược giữa Australia và Việt Nam tại Canberra. Quyết định này thể hiện sự chín muồi, lớn mạnh và đa dạng trong quan hệ song phương giữa hai nước, trải rộng trên nhiều lĩnh vực hợp tác như chính trị, thương mại đầu tư, giáo dục, an ninh - quốc phòng, cảnh sát, di cư và chống tội phạm xuyên quốc gia, buôn người và đưa người di cư bất hợp pháp…

Có thể nói, mối quan hệ song phương đã được củng cố bằng việc gia tăng lòng tin chiến lược, chia sẻ lợi ích trong trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế, không có sự ép buộc, quan hệ kinh tế ngày càng phát triển và giao lưu nhân dân bền chặt. Đặc biệt, hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp luôn đóng vai trò nền tảng quan trọng trong mối quan hệ đó.

Australia đón Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Lê Quang Đạo thăm chính thức tháng 5.1990, trở thành nước phương Tây đầu tiên đón lãnh đạo cấp cao của Việt Nam. Chuyến đi lịch sử này đã mở đầu cho các chuyến thăm quan trọng của Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt vào tháng 5.1993 và của Tổng Bí thư Đỗ Mười vào tháng 7.1995, cùng nhiều chuyến thăm khác.

Trong 30 năm qua, các lãnh đạo cấp cao của Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Australia thường xuyên có các chuyến thăm nhau, mở ra những khuôn khổ hợp tác song phương mới. Đáng chú ý là, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Hạ viện Australia Tony Smith vào tháng 6.2021 nhằm thúc đẩy hợp tác thiết thực giữa hai nước trên các lĩnh vực, đặc biệt là y tế và hỗ trợ vaccine. Theo số liệu báo cáo tổng hợp, Australia là một trong những nước rất tích cực ủng hộ Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tháng 6.2020, Australia đã trao 10,5 triệu AUD cho Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Tháng 3.2021, Australia công bố gói hỗ trợ toàn diện trị giá 60 triệu AUD giúp Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch gồm viện trợ vaccine và hỗ trợ công tác triển khai tiêm chủng thông qua UNICEF. Riêng về vaccine, Australia đã tài trợ Việt Nam 26,4 triệu liều (gồm 12 triệu liều cho người lớn và 14,4 triệu liều cho trẻ em), trở thành nhà tài trợ vaccine lớn thứ hai của Việt Nam. Sự giúp đỡ quý báu này không chỉ góp phần giúp Việt Nam kiểm soát dịch mà còn sớm mở cửa, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Có thể nói, cùng với quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Australia cũng phát triển hết sức tốt đẹp. Quốc hội Việt Nam và Hạ viện Australia lần đầu tiên đã ký Thỏa thuận hợp tác nhân dịp chuyến thăm chính thức Australia của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Khóa XII Nguyễn Phú Trọng vào tháng 3.2008. Kế thừa kết quả hợp tác tốt đẹp này, trong chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Hạ viện Australia Anna Burke vào tháng 5.2013, Quốc hội Việt Nam ký Thỏa thuận hợp tác giai đoạn mới với Quốc hội liên bang gồm Thượng viện và Hạ viện Australia. Các văn bản trên đã tạo động lực mới, là cơ sở pháp lý cho việc tăng cường quan hệ hợp tác song phương giữa cơ quan lập pháp hai nước đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực và bền vững.

Hai Quốc hội luôn duy trì việc trao đổi Đoàn các cấp, trao đổi kinh nghiệm trong các lĩnh vực hoạt động nghị viện, tăng cường hiểu biết và thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác song phương, tích cực phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn nghị viện đa phương mà hai nước là thành viên như: IPU, APPF, AIPA, ASEP...

Hai cơ quan lập pháp cũng thành lập nhóm nghị sĩ hữu nghị, thể hiện nỗ lực duy trì và phát triển quan hệ hữu nghị tốt đẹp. Ngay tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, Việt Nam đã lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị với Australia do đồng chí Hoàng Thanh Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, làm Chủ tịch. Điều trùng hợp thú vị là cũng tại Kỳ họp thứ Hai của Nghị viện Khóa mới, Australia lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị với Việt Nam do bà Sharon Claydon, Phó Chủ tịch Hạ viện, làm Chủ tịch. Nhóm này hiện gồm 57 thành viên, đại diện cho tất cả các chính đảng, tất cả các bang và vùng lãnh thổ của Australia. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng và nhiều quan chức cao cấp trong Chính phủ Australia là thành viên. Điều này thể hiện quyết tâm gìn giữ, phát huy quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai Quốc hội.

Bên cạnh đó, hai cơ quan lập pháp của Việt Nam và Australia cũng phối hợp chặt chẽ để tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ hai nước triển khai các văn kiện, thỏa thuận hợp tác song phương.

Chuyến thăm Australia của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từ ngày 30.11 đến ngày 3.12.2022 là chuyến thăm Australia đầu tiên của một lãnh đạo cấp cao Việt Nam trong vòng 5 năm qua và cũng là chuyến thăm Australia lần thứ 5 của một lãnh đạo Quốc hội Việt Nam kể từ sau hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Chuyến đi được đánh giá sẽ góp phần đưa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước lên tầm cao mới.

Cả hai Quốc hội đều có kế hoạch thúc đẩy hợp tác ngày càng thực chất trong các lĩnh vực ưu tiên, nhất là giáo dục - đào tạo, chuyển đổi số, và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bước chuyển về chất

Sau gần 5 năm xây dựng và triển khai Đối tác Chiến lược, quan hệ hai nước đã có bước chuyển về chất. Sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa hai bên ngày càng được củng cố trên tất cả các kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, trong đó ngoại giao nghị viện giữ vai trò nền tảng, then chốt. Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược giai đoạn 2020 - 2023 (tháng 11.2020) đã và đang được thực hiện sâu rộng trên cả ba trụ cột hợp tác kinh tế, an ninh - quốc phòng và đổi mới sáng tạo.

Chiến lược Tăng cường hợp tác kinh tế (tháng 11.2021) đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ, tạo điều kiện mở rộng quan hệ sang nhiều lĩnh vực mới như tài nguyên và năng lượng, giúp nâng cao kim ngạch thương mại hai nước. Đặc biệt, trong 9 tháng năm nay, lần đầu tiên Australia trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Australia.

Hợp tác đa phương của Việt Nam và Australia, đặc biệt là tại Liên Hợp Quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Mekong... tiếp tục được tăng cường.

Việt Nam và Australia còn có sự phối hợp tốt trong nỗ lực chung giải quyết các vấn đề toàn cầu như ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo đảm chuỗi cung ứng ổn định và đóng góp vào các hoạt động gìn giữ hòa bình. Cả hai đang ngày càng gắn kết khi khai thác những tiềm năng to lớn về đầu tư, lao động, hợp tác trong biến đổi khí hậu và chuyển đổi sang nền kinh tế kỹ thuật số và nhiều lĩnh vực khác vì lợi ích của nhân dân hai nước, và vì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hòa bình, thịnh vượng và kiên cường.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, hai bên duy trì các cuộc tiếp xúc cấp cao theo hình thức trực tuyến, cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Scott Morrison (25.5.2021); hội đàm trực tuyến giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (hiện nay là Chủ tịch Nước) và Thủ tướng Australia Scott Morrison (21.1.2021), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Hạ viện Tony Smith (7.6.2021); điện đàm giữa hai Bộ trưởng Ngoại giao (các tháng: 4, 8, 9.2021); hai Bộ trưởng Quốc phòng (tháng 11.2021). Gần đây nhất là cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese ngày 18.10.2022 để trao đổi các biện pháp tăng cường quan hệ hai nước, nhất là thúc đẩy hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước năm 2023.

Ngọc Minh tổng hợp