Italy - cuộc tổng tuyển cử với nhiều “lần đầu tiên”

- Thứ Năm, 29/09/2022, 05:39 - Chia sẻ

Theo kết quả của cuộc tổng tuyển cử tại Italy vừa qua, liên minh cánh hữu do đảng Anh em Italy (FdI) dẫn đầu đã giành chiến thắng, chiếm đa số rõ rệt trong Quốc hội nước này. Điều này cũng đồng nghĩa Italy nhiều khả năng sẽ có nữ Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử và Chính phủ thiên hữu lần đầu tiên kể từ Thế chiến II.

Thắng lợi được dự báo trước

Theo nhiều nhà quan sát, thắng lợi trên đã được dự báo trước khi liên minh trung hữu Italy liên tục duy trì vị trí dẫn đầu trong tất cả các cuộc thăm dò dư luận trước thềm bầu cử. Đảng Dân chủ - đảng đứng đầu liên minh trung tả tại Italy cũng đã thừa nhận thất bại, khẳng định là lực lượng đối lập lớn nhất trong cơ quan lập pháp.

UK Proposes New Law to 'Seize, Freeze and Recover' Crypto Assets Easier and Faster,Italy sẽ có Chính phủ thiên hữu đầu tiên kể từ Thế chiến II
Italy sẽ có Chính phủ thiên hữu đầu tiên kể từ Thế chiến II. Nguồn: TIN

Cuộc tổng tuyển cử sớm được tổ chức hơn 2 tháng sau khi Chính phủ của Thủ tướng Mario Draghi tuyên bố từ chức. Đây là cuộc tổng tuyển cử khá đặc biệt tại Italy, với nhiều “lần đầu tiên” - như được tổ chức vào tháng 9, khác với thông lệ tổ chức vào mùa Xuân trong hơn 100 năm qua. Đây cũng là lần đầu tiên công dân Italy trong độ tuổi từ 18 - 25 được chính thức tham gia bầu các đại diện của mình ở cả Thượng viện, ngoài việc được đi bầu Hạ viện. Chưa hết, lần đầu tiên số nghị sỹ được bầu tại cả Hạ viện và Thượng viện giảm xuống lần lượt 400 và 200 người, thay vì số lượng tương ứng 630 và 315 trước đây, khiến sự cạnh tranh khốc liệt hơn.

Về tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu, số liệu sơ bộ cho thấy chỉ có 64,67% cử tri Italy tham gia bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử này, một con số thấp đáng kể tại một quốc gia có mức độ tham gia chính trị cao trong lịch sử. Cách đây 4 năm, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là 74%.

Chiến thắng của liên minh cánh hữu được nhiều người đánh giá là cột mốc chấn động với chính trường Italy bởi FdI vốn là một đảng có quá khứ phát xít và hiện vẫn bị xem là đang theo đuổi các quan điểm cực hữu, bài ngoại. Italy sẽ có chính phủ thiên hữu nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II. Và lãnh đạo của FdI là bà Giorgia Meloni, năm nay 45 tuổi, cũng nhiều khả năng trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Italy.

Bà Meloni đưa ra phát biểu ôn hòa sau khi kết quả sơ bộ cho thấy, đảng FdI đã vượt lên so với các đối thủ khác. Bà nói: “Nếu chúng tôi được kêu gọi để điều hành đất nước này, chúng tôi sẽ làm điều đó cho tất cả mọi người, chúng tôi sẽ làm điều đó cho tất cả người Italy và chúng tôi sẽ làm điều đó với mục đích đoàn kết người dân”. “Italy đã chọn chúng tôi”, “chúng tôi sẽ không phản bội (đất nước) cũng như chúng tôi chưa từng trước đây”.

Quy trình sau bầu cử

Theo AFP, ngay cả với kết quả tương đối rõ ràng, việc thành lập Chính phủ mới ở Italy sau bầu cử vẫn là công việc tốn nhiều thời gian. Trước đây, phải mất từ 4 đến 12 tuần để chính quyền mới nhậm chức. Hiến pháp Italy yêu cầu các thành viên mới được bầu của hai viện của Quốc hội, Thượng viện và Hạ viện, gặp nhau không muộn hơn 20 ngày sau cuộc bầu cử. Điều này có nghĩa là cuộc họp đầu tiên của các thành viên lưỡng viện sẽ không muộn hơn ngày 15.10. Vào thời điểm này, mỗi viện phải bầu ra người đứng đầu của mình, và chỉ khi đó quá trình đề cử các thành viên của Chính phủ mới có thể bắt đầu.

Tổng thống Sergio Mattarella sẽ bắt đầu tham vấn về việc ai sẽ lãnh đạo Chính phủ mới với các Chủ tịch của Thượng viện và Hạ viện, lãnh đạo các chính đảng và cuối cùng là các nhóm nghị viện. Nếu kết quả bầu cử rõ ràng, các cuộc tham vấn này sẽ diễn ra khá ngắn, có thể là hai ngày, nhưng cũng có thể kéo dài đến một tuần.

Sau đó, Tổng thống Mattarella, người vừa được Quốc hội bầu làm nguyên thủ quốc gia với nhiệm kỳ 7 năm thứ hai vào đầu năm nay, sẽ đề cử Thủ tướng. Nhân vật này sẽ nhận nhiệm vụ thành lập Chính phủ mới và bắt đầu đàm phán với các đồng minh về những vị trí bộ trưởng trong nội các…

Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, Thủ tướng tiềm năng sẽ trở lại báo cáo với Tổng thống Mattarella để được phê chuẩn, rồi sau đó chờ Quốc hội đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm. Tiếp theo, Chính phủ mới được công bố và tuyên thệ nhậm chức. Tân Thủ tướng và các bộ trưởng sau đó đi đến Trụ sở của cơ quan hành pháp Palazzo Chigi (cung điện Chigi), để nhận bàn giao quyền lực.

Trước đây, ông Silvio Berlusconi chỉ cần 24 ngày vào năm 2008 để nhậm chức Thủ tướng, trong khi ông Giuseppe Conte phải mất tới 89 ngày vào năm 2018 mới được chính thức ngồi vào vị trí trên.

Nhiệm vụ khó khăn của Thủ tướng tiềm năng

Sự nổi lên như vũ bão của bà Meloni trong nền kinh tế lớn thứ ba của Liên minh châu Âu (EU) diễn ra vào thời điểm nhạy cảm, khi phần lớn lục địa lao đao vì các hóa đơn năng lượng tăng vọt, hậu quả của cuộc chiến ở Ukraine và quyết tâm của phương Tây trong việc đoàn kết chống lại chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.

Chính vì vậy, lãnh đạo chính phủ thứ 68 của nước này kể từ năm 1946 phải đối mặt với một loạt vấn đề, từ nguy cơ khủng hoảng năng lượng đến suy thoái kinh tế cận kề, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ nợ công tại Italy đã lên mức trên 150% GDP. Không những thế, Chính phủ mới tại Italy cũng sẽ phải tìm cách thuyết phục được EU để có thể giải ngân được gói trợ giúp phục hồi kinh tế hậu đại dịch lên tới hàng trăm tỷ euro mà châu Âu dành cho Italy.

Thực tế, liên minh của bà Meloni muốn đàm phán lại quỹ phục hồi sau đại dịch của EU, lập luận rằng số tiền gần 200 tỷ euro mà Italy dự kiến nhận được nên tính đến cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng hơn do chiến sự ở Ukraine. Tuy nhiên, nhà xã hội học chính trị Marc Lazar nói với hãng tin AFP rằng, “Italy không thể thiếu những khoản tiền này”, điều đó có nghĩa là bà Meloni thực sự ở thế khá hạn chế để thuyết phục đàm phán lại. Các khoản tiền này được gắn với một loạt các cải cách chỉ mới bắt đầu của Thủ tướng sắp mãn nhiệm Mario Draghi, người đã kêu gọi bầu cử sớm vào tháng 7 sau khi liên minh đoàn kết quốc gia của ông sụp đổ.

Ngoài ra, bà Meloni cũng có thể gặp nhiều khó khăn do không có nhiều kinh nghiệm trong điều hành đất nước. Trước đó, bà từng cố gắng dùng chiến dịch tranh cử của mình để cố gắng chứng minh bản thân sẵn sàng cho vị trí lãnh đạo cho dù đảng của bà chưa từng nắm quyền. FdI, có nguồn gốc từ phong trào hậu phát xít do những người ủng hộ nhà độc tài Benito Mussolini thành lập, chỉ giành được 4% phiếu bầu trong cuộc bầu cử cuối cùng vào năm 2018.

Trong những năm qua, bà Meloni thể hiện quan điểm ôn hòa, đặc biệt là từ bỏ lời kêu gọi Italy rời khỏi khu vực tiền tệ chung của EU. Tuy nhiên, bà khẳng định đất nước Italy phải đứng lên vì lợi ích quốc gia, đồng thời thể hiện quan điểm ủng hộ Hungary trong cuộc chiến pháp quyền với Brussels. Bất chấp theo chủ nghĩa hoài nghi đồng tiền chung châu Âu của mình, bà Meloni vẫn ủng hộ mạnh mẽ các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga về chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Theo nhiều nhà quan sát, Chính phủ tiếp theo của Italy không chắc sẽ nhậm chức trước nửa cuối tháng 10, và mặc dù cả bà Meloni cam kết phục vụ 5 năm, lịch sử cho thấy nữ lãnh đạo này vẫn có thể gặp khó khăn. Cho tới nay, nền chính trị Italy vốn nổi tiếng là bất ổn khi từng chứng kiến tới 67 chính phủ kể từ năm 1946 đến nay. Mặc dù chính trường Italy ghi nhận các sự kiện bất ngờ không phải là điều hiếm gặp, song việc trong vài năm qua, liên tiếp các đảng dân túy và giờ đây là các đảng cực hữu lên nắm quyền cho thấy, các nền tảng chính trị truyền thống của Italy đang bị lung lay mạnh. Các đảng phái truyền thống đánh mất ảnh hưởng, không đáp ứng được với các đòi hỏi ngày càng lớn của các cử tri, nhất là các bức xúc về việc gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội, vấn nạn nhập cư, tham nhũng, tội phạm… cũng như không thích ứng được với các biến động xã hội và địa chính trị lớn tại châu Âu và trên thế giới.

Nhiều nhà bình luận quốc tế nhận định, Chính phủ thiên hữu sắp tới nhiều khả năng sẽ mang đến những thay đổi rất lớn cho đất nước hình chiếc ủng như theo đường lối dân tộc chủ nghĩa mạnh hơn, bảo hộ mạnh hơn trước sự can thiệp từ Ủy ban châu Âu, bảo vệ các giá trị gia đình truyền thống, chống nhập cư, chống xu hướng đồng tính, chống các trào lưu văn hóa bị xem là đe dọa đến nền tảng của nền văn minh Thiên chúa giáo phương Tây…

 Linh Anh tổng hợp