Israel hướng tới bầu cử lần thứ 5 trong hơn 3 năm
Sau khi nhậm chức chưa đầy 12 tháng, các nhà lãnh đạo của liên minh cầm quyền ở Israel với quy mô thành phần đa dạng nhưng suy yếu nghiêm trọng đã không thể đứng vững trong tuần này, buộc phải tuyên bố sẽ giải tán Quốc hội và tổ chức tổng tuyển cử mới. Đáng chú ý, đây là cuộc bầu cử lần thứ 5 chỉ trong vòng hơn 3 năm qua, thể hiện những chia rẽ không dễ giải quyết trên chính trường nhà nước Do Thái. Vì sao tình hình luôn gặp bế tắc như vậy?

Nền chính trị đa đảng phái
Người Israel bỏ phiếu theo đảng, và trong lịch sử 74 năm của đất nước, không có phe phái nào giành được đa số trong Quốc hội gồm 120 thành viên, được gọi là Knesset. Vì vậy, sau mỗi cuộc bầu cử, bất kỳ Thủ tướng nào đều sẽ phải thành lập các liên minh để tập hợp được đa số, với ít nhất 61 ghế. Điều đó mang lại cho các đảng nhỏ quyền lực vượt trội. Thời kỳ hậu bầu cử, sự chú ý luôn tập trung vào một hoặc nhiều đảng có ảnh hưởng tiềm năng và những yêu cầu cụ thể của họ. Chẳng hạn, 13 đảng đã được bầu vào Quốc hội trong cuộc bầu cử năm ngoái. Điều này dẫn đến nhiều tuần đàm phán và thương lượng giữa các nhà lãnh đạo đảng khác nhau.
Nếu không ai có thể tập hợp đa số trong cuộc bầu cử mới, như đã xảy ra sau các cuộc bầu cử vào tháng 4 và tháng 9 năm 2019, cử tri Israel sẽ quay lại bỏ phiếu và Chính phủ vẫn giữ nguyên vị trí lãnh đạo lâm thời.
“Cuộc chiến” của những người ủng hộ và phản đối cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu
Đối với những người ủng hộ ở các đảng cánh hữu và tôn giáo của mình, cựu Thủ tướng Netanyahu được tung hô là “Vua của Israel” - một nhà dân tộc chủ nghĩa và chính khách kỳ cựu, người có thể đối đầu với các nhà lãnh đạo thế giới, từ Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Tổng thống Mỹ Joe Biden, để đưa Israel vượt qua vô số thách thức an ninh.
Trong khi đó, đối với những đối thủ của chính trị gia này, bao gồm cả các nhà lãnh đạo của liên minh cầm quyền sắp mãn nhiệm, ý kiến nhận xét tốt nhất về ông là người không đáng tin cậy và ý kiến tệ nhất là “mối đe dọa đối với nền dân chủ”. Họ chỉ ra vụ xét xử tham nhũng đang diễn ra của ông, đồng thời chỉ trích phong cách độc đoán và thói quen gây chia rẽ nội bộ để trục lợi chính trị của ông.
Thực tế, ông Netanyahu là Thủ tướng tại vị lâu nhất của Israel, và đảng Likud của ông về nhất hoặc sít sao dẫn đầu trong cả 4 cuộc bầu cử. Nhưng ông chưa bao giờ thành lập được đa số cánh hữu vì một số đồng minh theo ý thức hệ của ông, bao gồm cả các cựu trợ lý, từ chối hợp tác.
Chẳng hạn như ông Avigdor Lieberman. Chính trị gia định cư ở Bờ Tây và đứng đầu một đảng cánh hữu này, vốn nổi tiếng từ lâu với luận điệu chống Ảrập nảy lửa, dường như là đồng minh hiển nhiên. Nhưng ông Lieberman chia tay ông Netanyahu vào năm 2019, đồng thời từ chối ngồi trong Chính phủ với ông hoặc các đồng minh Do Thái cực đoan chính thống của ông.
Ông Lieberman thậm chí còn ủng hộ dự luật cấm bất cứ ai bị truy tố tội hình sự không được giữ chức Thủ tướng, vốn là nỗ lực của phe đối thủ nhằm chấm dứt sự nghiệp chính trị của ông Netanyahu.
Liên minh thiếu an toàn
Năm ngoái, sau cuộc bầu cử lần 4, các đối thủ của cựu Thủ tướng Netanyahu đã thành công trong việc loại bỏ ông khỏi chiếc ghế quyền lực.
Ông Naftali Bennett - một cựu đồng minh cánh hữu khác của ông Netanyahu - và ông Yair Lapid theo chủ nghĩa trung dung đã cùng nhau tập hợp một liên minh gồm 8 đảng phái chính trị thuộc nhiều hệ tư tưởng, từ những người theo chủ nghĩa dân tộc cánh hữu đến những người ủng hộ nhà nước Palestine, và bao gồm cả một đảng Hồi giáo Ảrập nhỏ.
Các phe phái gạt bỏ những khác biệt trong hệ tư tưởng của mình để làm việc cùng nhau trong một thời gian. Chính phủ đã thông qua được ngân sách, vượt qua hai làn sóng của đại dịch Covid-19 mà không phải áp đặt biện pháp đóng cửa nào, cải thiện quan hệ ngoại giao với các nước Ảrập và Hồi giáo, tránh chiến tranh. Ông Bennett, khi còn là Thủ tướng, thậm chí còn cố gắng làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine.
Nhưng ngay từ đầu, Chính phủ chỉ có đa số mỏng manh nhất, và ông Netanyahu đã gây áp lực rất lớn chống lại các thành viên cánh hữu trong Chính phủ, cáo buộc họ hợp tác với khủng bố và phản bội cử tri. Cuối cùng, Chính phủ đã mất đa số vào tháng Tư. Và trong tháng này, họ không thông qua được luật mở rộng quy chế pháp lý đặc biệt cho những người Do Thái định cư ở Bờ Tây bị chiếm đóng, điều mà hầu hết người Israel coi là cần thiết.
Bầu cử mới, chia rẽ cũ
Người Israel dự kiến sẽ trở lại bỏ phiếu trong cuộc bầu cử mới ngay sau tháng 10, để tiếp tục đau đầu đưa ra các lựa chọn của mình.
Ông Netanyahu đang nuôi hy vọng có thể trở lại, và đảng Likud cùng các đồng minh dự kiến sẽ giành được nhiều phiếu bầu hơn so với lần trước. Một số đối thủ cánh hữu của ông, bị suy yếu bởi liên kết của họ với liên minh cầm quyền hiện nay, có thể mất một số hoặc tất cả các ghế. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm cho bất kỳ cuộc thăm dò đáng tin cậy nào và ngay cả khi ông Netanyahu và các đồng minh bảo đảm được nhiều ghế hơn, họ có thể lại rơi vào tình trạng thiếu đa số một lần nữa.
Nếu điều đó xảy ra, họ sẽ phải để cho các đảng phái mà đã cùng thành lập Chính phủ sắp mãn nhiệm tập hợp một liên minh mới. Và liên minh đó sẽ vẫn phải đối mặt với những khó khăn, căng thẳng giống như liên minh cũ. Còn trong trường hợp không bên nào có đủ sự ủng hộ để thành lập Chính phủ? Thì ai cũng có thể đoán được: Israel sẽ lại tiếp tục phải tổ chức cuộc bầu cử mới… lần thứ 6.