Theo Thứ trưởng Bộ Truyền thông và Tin học Nezar Patria, cùng với 142 đối tác thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như học giả, công ty công nghệ và tổ chức dân sự, chương trình xóa mù kỹ thuật số đã có 24.640.451 người trên khắp Indonesia tham gia cho đến cuối năm 2023.
Chương trình GNLD giúp tăng cường khả năng kỹ thuật số cơ bản của người dân, ngăn chặn sự lan truyền của thông tin sai lệch và tạo ra một không gian kỹ thuật số hiệu quả. Với chương trình này, Bộ đã thúc đẩy người dân nâng cao trình độ hiểu biết về kỹ thuật số, đặc biệt là bốn trụ cột bao gồm năng lực kỹ thuật số, an ninh kỹ thuật số, văn hóa kỹ thuật số và đạo đức kỹ thuật số.
Thứ trưởng Nezar cho rằng, hiểu biết về kỹ thuật số mang lại nhiều lợi ích khác nhau, chẳng hạn như giúp tăng cường áp dụng công nghệ trong các dịch vụ công, hoạt động kinh tế, hòa nhập kỹ thuật số, thúc đẩy sự tham gia dân chủ của công dân và thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực cũng như phát triển kinh tế.
Theo ông, Indonesia đang phải đối mặt với một số thách thức, bao gồm khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng kỹ thuật số không đồng đều, luồng thông tin gia tăng đột biến và số lượng nội dung tiêu cực và luồng tin giả khó kiểm soát cũng như nhiều chiêu trò lừa đảo qua internet mà người dân có thể gặp phải.
Từ năm 2018 đến ngày 6.1.2024, Bộ đã phải gỡ bỏ 4.506.749 nội dung tiêu cực và đưa ra lời giải thích cho 928 trò lừa bịp liên quan đến cuộc tổng tuyển cử.