Kế hoạch đình công vô thời hạn
Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA), tập đoàn bác sĩ lớn nhất Hàn Quốc đã tuyên bố tổng đình công kéo dài một ngày vào 18.6, trong khi các giáo sư y khoa tại các bệnh viện lớn quyết định đình công vô thời hạn bắt đầu từ tuần tới, làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng y tế còn nghiêm trọng hơn trước.
Trong cuộc họp vào chiều tối 12.6, các giáo sư từ 40 trường y của Hàn Quốc đã quyết định tham gia cuộc tổng đình công kéo dài 1 ngày do KMA tổ chức. Người đứng đầu Hiệp hội Giáo sư Y khoa Hàn Quốc Kim Chang-soo cho biết hiệp hội đã quyết định tham gia cuộc đình công, mặc dù vẫn chưa rõ có bao nhiêu giáo sư sẽ tham gia.
Các giáo sư y khoa tại 4 bệnh viện lớn liên kết với Đại học Quốc gia Seoul cũng cho biết sẽ đình công vô thời hạn, bắt đầu từ ngày 17.6.
Tiếp bước họ, các giáo sư y khoa tại 3 bệnh viện lớn của Đại học Yonsei là Bệnh viện Severance, Bệnh viện Severance Gangnam và Bệnh viện Severance Yongin, ngày 12.6 cũng đã bỏ phiếu, quyết định tiến hành cuộc đình công vô thời hạn, bắt đầu từ ngày 27.6.
Cũng trong ngày 12.6, các giáo sư y khoa tại 8 bệnh viện lớn liên kết với Đại học Công giáo Hàn Quốc, bao gồm Bệnh viện St. Mary ở Seoul và 7 bệnh viện trực thuộc khác trên khắp Hàn Quốc đã bỏ phiếu quyết định tham gia cuộc đình công theo kế hoạch của các bác sĩ cộng đồng. Tuy nhiên, phòng cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân nguy kịch tại 8 bệnh viện sẽ không bị ảnh hưởng.
Cuối ngày 12.6, các giáo sư y khoa tại Trung tâm Y tế Asan cũng quyết định tham gia cuộc đình công.
Các giáo sư y khoa kêu gọi chính phủ hủy bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt hành chính áp dụng đối với các bác sĩ nội trú và thực tập sinh đã nghỉ việc kể từ cuối tháng 2.2024, đồng thời lưu ý rằng chính phủ nên thảo luận lại từ đầu về việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh của trường y.
Bất chấp sự phản đối quyết liệt của các bác sỹ thực tập, cuối tháng trước, Chính phủ Hàn Quốc đã hoàn tất việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh lên khoảng 1.500 sinh viên, đánh dấu lần tăng đầu tiên trong 27 năm qua.
Chính phủ sẽ có phản ứng nghiêm khắc
Trong bối cảnh ngày càng lo ngại về sự gián đoạn đáng kể trong các dịch vụ y tế của do cuộc đình công, chính phủ hôm 13.6 đã cảnh báo sẽ có phản ứng nghiêm khắc, nói rằng hành động tập thể như vậy sẽ được coi là "từ chối cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế một cách bất hợp pháp”.
Thứ tưởng Bộ Y tế Jun Byung-wang, cho biết trong một cuộc họp báo hôm 13.6, việc các bác sĩ nghỉ làm để tổ chức một cuộc biểu tình được coi là đơn phương hủy bỏ các cuộc hẹn đối với những bệnh nhân đã đặt lịch hẹn trước. Ông nói, việc thực hiện hành động như vậy mà không có sự đồng ý của bệnh nhân có thể cấu thành hành vi vi phạm Luật Y tế.
Luật Y tế quy định rằng nếu không có lý do chính đáng, nhân viên y tế hoặc bệnh viện không được phép từ chối yêu cầu điều trị y tế và các dịch vụ liên quan. Việc đơn phương hủy đặt lịch khám của bệnh nhân có thể cấu thành hành vi bị pháp luật cấm, theo ông Jun Byung-wang.
Ông nói thêm: “Chính phủ sẽ đáp trả nghiêm khắc mọi hành vi bất hợp pháp (trong quyết định đình công của các bác sĩ); đồng thời sẽ duy trì hệ thống y tế khẩn cấp trên cơ sở ưu tiên tính mạng và sức khỏe của người dân”.
Tuy nhiên, ông Jun không nói rõ về hành động đáp trả nghiêm khắc mà chính phủ sẽ thực hiện.
Ông cũng nói thêm rằng chính phủ đã yêu cầu khoảng 36.000 cơ sở y tế trên toàn quốc tiếp tục cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế và báo cáo với chính quyền nếu họ quyết định đóng cửa phòng khám.
Ngoài ra, để tránh cho bệnh nhân phải gánh chịu hậu quả từ quyết định đình công của tập thể giáo sư, bác sĩ, Bộ Y tế sẽ mở đường dây nóng để bệnh nhân báo cáo thiệt hại vì bị từ chối điều trị, đồng thời cam kết chính quyền trung ương và chính quyền địa phương sẽ cố gắng hết sức để hỗ trợ bệnh nhân.
Hiệp hội bệnh nhân lên tiếng
Tuyệt vọng sâu sắc trước nguy cơ cuộc đình công của bác sĩ sẽ kéo dài vô thời hạn, 92 hiệp hội bệnh nhân Hàn Quốc đã đưa ra lời kêu gọi trong cuộc họp báo chung trước Quốc hội ở Seoul hôm 13.6.
“Chúng tôi bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về kế hoạch đình công của KMA và quyết định đình chỉ hoạt động bệnh viện vô thời hạn của các giáo sư các bệnh viện lớn”, các hiệp hội bệnh nhân cho biết trong một tuyên bố chung.
Họ nói thêm: "Trong vài tháng qua, bệnh nhân đã phải chịu đựng nhiều thiệt hại do tình trạng gián đoạn dịch vụ y tế kéo dài. Chúng tôi hy vọng vào một giải pháp để cứu vãn tình hình nhưng lại chứng kiến một kế hoạch đình công khác đang đẩy chúng tôi xuống vực thẳm".
Họ cũng chỉ trích các bác sĩ của bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul đã yêu cầu bệnh nhân hoãn đặt chỗ điều trị y tế, nói rằng: “Đáng lẽ họ nên yêu cầu các đồng nghiệp cấp dưới của mình hoãn kế hoạch đình công”.
Trong tuyên bố của mình, các hiệp hội bệnh nhân cũng yêu cầu chính phủ hợp pháp hóa việc sử dụng nhân viên hỗ trợ y tế tại bệnh viện trong các tình huống khẩn cấp để giảm thiểu thiệt hại cho bệnh nhân; đồng thời ban hành luật nghiêm khắc để đảm bảo hoạt động bình thường của các dịch vụ y tế thiết yếu.