FED nỗ lực chống lạm phát bằng lãi suất

- Thứ Bảy, 18/06/2022, 05:17 - Chia sẻ

Sau một loạt báo cáo đáng lo ngại về tình trạng lạm phát trong những ngày gần đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã nâng lãi suất thêm 0,75%. Đây là mức tăng lãi suất mạnh nhất trong gần 30 năm qua để kiểm soát lạm phát đang gia tăng và sàn chứng khoán toàn cầu sau đó đã đồng loạt tăng điểm.

Tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát

Theo báo cáo lạm phát tuần trước của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, giá cả trong tháng 5 đã tăng vọt so với dự đoán của các quan chức. Hai cuộc khảo sát với người tiêu dùng cũng cho thấy, kỳ vọng của các hộ gia đình về lạm phát trong tương lai đã tăng lên trong những ngày gần đây. Những dữ liệu đó có thể cảnh báo các quan chức FED vì họ tin những kỳ vọng như vậy hoàn toàn có thể diễn ra và họ sẵn sàng tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm và thêm một lần điều chỉnh nữa vào tháng 7 tới, nhưng các quan chức cũng cho biết các quyết định này phụ thuộc vào triển vọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, hôm 16.6, FED đã chính thức nâng lãi suất 0.75% để giúp chống lạm phát và kiểm soát tăng trưởng giá cả, đây là lần tăng mạnh đầu tiên từ tháng 11.1994. Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), tái khẳng định rằng, họ vẫn cam kết mạnh mẽ đưa lạm phát (ở Mỹ) trở lại mục tiêu 2% và dự kiến tiếp tục nâng lãi suất chủ chốt.

Nguồn: CNBC
Nguồn: CNBC

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, sau đại dịch Covid-19, tổng cầu tăng mạnh nhưng những nguồn cung lại bị hạn chế và kéo dài hơn so với dự đoán, và áp lực giá đã lan sang nhiều loại hàng hóa và dịch vụ. Hơn nữa, cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khiến cho giá dầu thô, xăng và thực phẩm vẫn tiếp tục tăng mạnh, tình trạng lạm phát càng khó có thể kiểm soát hơn. Vì vậy, bằng cách tăng lãi suất, FED hy vọng sẽ giải quyết tình trạng giá cao và giảm nhu cầu bằng cách làm cho việc vay tiền trở nên đắt đỏ hơn.

Có nhiều câu hỏi đã được đặt ra: Việc tăng lãi suất sẽ giúp giải quyết bài toán chống lạm phát như thế nào? Ông Jerome Powell cho biết, Cục Dự trữ Liên bang là ngân hàng trung ương của Mỹ, và vai trò chính của FED là cung cấp một hệ thống tài chính an toàn và đáng tin cậy cho quốc gia này. Đây là định chế mà các ngân hàng thương mại dựa vào cho một số nhu cầu ngân hàng quan trọng của họ. Một nhu cầu quan trọng là duy trì tài khoản tiền gửi, còn được gọi là tài khoản dự trữ. Đó cũng giống như việc có một tài khoản tiền gửi tại một ngân hàng thông thường - chỉ trong trường hợp của hầu hết các ngân hàng Mỹ có yêu cầu phải giữ trong tay một mức dự trữ tài chính nhất định. Khi các ngân hàng cần vay tiền để bổ sung các khoản dự trữ đó, họ tìm đến các ngân hàng khác có tài khoản dự trữ với FED và số tiền đó có thể thặng dư. Và cũng giống như bất kỳ khoản vay nào khác, các ngân hàng cũng bị tính lãi suất. Đây là tỷ lệ phần trăm, được gọi là tỷ lệ quỹ liên bang giúp FED xác định.

Theo giới phân tích, các nhà đầu tư dường như đã nhẹ nhõm hơn khi FED đáp ứng mong đợi của thị trường, đưa ra những động thái quyết liệt hơn để khống chế lạm phát tăng. Sau khi FED quyết định tăng lãi suất, chỉ số của đồng USD cũng đã hạ nhiệt, giảm 0,40%, từ mức cao kỷ lục trong vòng 20 năm qua. Theo CNN, FED cũng hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ trong năm nay và đồng thời đưa ra một lộ trình tăng lãi suất mạnh mẽ hơn còn ở phía trước để ngăn chặn lạm phát. Theo đó, GDP nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể chỉ tăng 1,7%, giảm mạnh so với mức dự báo 2,8% hồi tháng 3. Các thành viên FOMC cũng kỳ vọng chỉ số lạm phát ở Mỹ sẽ là 5,2% vào cuối năm nay. Theo dự đoán của các thành viên, lãi suất chuẩn của FED có thể sẽ dừng lại ở mức 3,4% vào cuối năm nay, tức tăng 1,5% so với ước tính hồi tháng 3. Đến năm 2023, mức lãi suất có thể lên đến 3,8%, cao hơn 1% so với dự đoán trước đó.

Lãi suất quỹ liên bang ảnh hưởng như thế nào đến các bộ phận của nền kinh tế?

Các ngân hàng chuyển chi phí lãi suất quỹ liên bang cao hơn cho khách hàng của họ khi những khách hàng đó muốn tiếp cận các sản phẩm cho vay thông thường. Ví dụ tốt nhất là lãi suất cơ bản. Đây là mức lãi suất mà các ngân hàng tính cho những người đi vay đáng tin cậy nhất của họ, như các tập đoàn lớn. Trong vài thập kỷ nay, quy tắc chung là lãi suất cơ bản tương đương với lãi suất quỹ liên bang cộng với 3%. Vì vậy, với lãi suất mục tiêu của quỹ liên bang mới ở mức từ 1,5% đến 1,75%, lãi suất cơ bản mới ở phạm vi trên sẽ là 4,75%. Phần trăm chênh lệch được cho là để trang trải chi phí xử lý một khoản vay ngân hàng. Do đó, những thay đổi về lãi suất cơ bản sẽ làm tăng chi phí vay vốn đối với tất cả các sản phẩm cho vay khác như mua bất động sản và xe cộ, cũng như các khoản nợ quay vòng như thẻ tín dụng.

Theo lý thuyết, nếu vay tiền hoặc mang số dư trên thẻ tín dụng đắt hơn, người tiêu dùng sẽ chi tiêu ít hơn. Khi chi tiêu giảm, cầu sẽ giảm và cuối cùng, giá cả hàng hóa hàng ngày cũng vậy, nhưng sẽ vẫn có những rủi ro nhất định. Các nhà kinh tế cảnh báo, sự kết hợp của chi phí đi vay cao hơn, lạm phát cao và tăng trưởng chậm hơn có thể khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Vì vậy, FED phải lựa chọn các động thái của mình một cách cẩn thận. Bên cạnh đó, Chủ tịch Jerome Powell cho biết, ông đang tìm cách làm cho nhu cầu phù hợp hơn với nguồn cung. Nhưng chuỗi cung ứng toàn cầu cho nhiều loại sản phẩm đã bị hạn chế nghiêm trọng trong quá trình đại dịch, một phần do các chính sách nghiêm ngặt của Covid-19 ở Trung Quốc, cộng thêm cuộc xung đột của Nga - Ukraine đã ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung cấp lương thực toàn cầu, cũng như nguồn dầu thô và khí đốt tự nhiên.

Theo nhà kinh tế tại LH Meyer Inc - một nhóm tư vấn kinh tế vĩ mô Derek Tang cho biết, lạm phát hàng hóa là một vấn đề thương mại và địa chính trị được kiểm soát bởi chính phủ nói chung chứ không phải Fed. Do đó, các nhà kinh tế sẽ phải tìm đến Nhà Trắng và Quốc hội để giải quyết những vấn đề đó, cho dù điều đó có nghĩa là môi giới các giao dịch với các quốc gia khác để bảo đảm rằng họ có nhiều cơ hội tiếp cận hơn với những nguồn cung tốt hơn.

Nền kinh tế mới nổi gặp khó

Đối mặt với đợt tăng lạm phát cao nhất lần này, các ngân hàng trung ương của Mỹ, khu vực sử dụng đồng EUR và Anh đều tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Theo đó, trong bối cảnh dự báo lạm phát tại Anh có thể lên đến 11% trong năm nay, Ngân hàng Anh (BOE) cũng tăng lãi suất chỉ đạo thêm 0,25 điểm %, lên 1,25. Quyết định tăng lãi suất rất được mong đợi nói trên là lần thứ 5 BOE đưa ra kể từ tháng 12.2021 nhằm siết chặt chi phí cho vay vốn ở mức thấp kỷ lục chỉ hơn 0%.  Chính sách tiền tệ thay đổi lập tức có tác động lớn đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng, đặc biệt ảnh hưởng đến các nền kinh tế yếu hơn. Chi phí đi vay ở mức cao sẽ làm chậm lại hoạt động vay nợ, dẫn đến đình trệ trong hoạt động kinh tế. Điều này sau cùng sẽ làm chậm sự gia tăng lạm phát và đây cũng là mục tiêu mà các ngân hàng trung ương hướng tới. Mặc dù Chủ tịch FED đã cảnh báo việc kiểm soát lạm phát có thể gây ra một số khó khăn về kinh tế, song đây vẫn là ưu tiên hàng đầu của ông.

Việc Mỹ tăng lãi suất cũng sẽ ảnh hưởng đến lãi suất đi vay dành cho các nền kinh tế mới nổi như những nước đang vay nợ nước ngoài, bởi bên cho vay sẽ yêu cầu khoản lợi nhuận cao hơn khoản mà họ có thể thu được từ hoạt động đầu tư an toàn hơn tại Mỹ, từ đó cũng thu hẹp nguồn quỹ cho vay. Điều này sẽ mang đến nhiều hệ lụy, có thể làm cạn kiệt ngân sách của các thị trường mới nổi vốn đã đối mặt sức ép về giá cả năng lượng và chi phí nhập khẩu lương thực gia tăng một cách nhanh chóng. Một số chuyên gia nhận định rằng, giải pháp tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát không được hoan nghênh tại các nước đang gặp nhiều khó khăn như, Brazil, Argentina hay Sri Lanka, bởi biện pháp này sẽ khiến giá cả hàng hóa leo thang và khiến các dòng vốn đầu tư chảy vào Mỹ. Điều đó càng gây thêm khó khăn cho các nước đang vay nợ nước ngoài, đồng thời không ngoại trừ khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế và gián đoạn thị trường ở các nước này.

Như Ý