Đường tới COP28 - nhân tố tiên quyết để thành công

- Thứ Tư, 29/11/2023, 07:25 - Chia sẻ

Diễn ra từ ngày 30.11 - 12.12, Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28), sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ quan trọng là làm sao vận hành Quỹ Tổn thất và Thiệt hại, một trong những điểm thành công nhất của hội nghị năm ngoái. Việc đề ra cơ chế để đưa Quỹ này đi vào hoạt động sẽ là yếu tố tiên quyết để COP28 được đánh giá là thành công hay không.

Tính bất cân xứng của tác động khí hậu

Mức độ nghiêm trọng, quy mô và tính thường xuyên ngày càng tăng của thiên tai khí hậu đã ảnh hưởng không tương xứng đến các nước đang phát triển. Chỉ số Rủi ro khí hậu toàn cầu 2021 cho thấy trong số 10 vùng lãnh thổ và quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu từ ​​năm 2000 đến năm 2019, tất cả đều ở các nước đang phát triển. Trên thực tế, lục địa châu Phi đóng góp ít nhất vào biến đổi khí hậu nhưng lại dễ bị tổn thương nhất trước các tác động của nó. Các quốc gia châu Phi đóng góp quá ít sẽ phải chi gấp 5 lần cho việc thích ứng với khủng hoảng khí hậu so với chi cho chăm sóc sức khỏe. Trong khi đó, các nước G20 chiếm khoảng 75% lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Pakistan phải gánh chịu thiệt hại 30 tỷ USD do lũ lụt nghiêm trọng, quốc gia này chỉ thải ra ít hơn 1% lượng khí thải toàn cầu.

,Nhân tố tiên quyết để COP28 thành công
Nguồn: ITN

Chính vì vậy tại Hội nghị Thượng đỉnh năm ngoái tại Ai Cập, các nước đã nhất trí thành lập Quỹ Tổn thất và thiệt hại như một cách để các nước phát triển có trách nhiệm về lượng khí thải carbon của mình. Tuy nhiên, cho đến nay, những bất đồng xung quanh cơ chế vận hành Quỹ đã cho thấy khoảng cách giữa lời nói và hành động của các nước phát triển.

Khi thúc đẩy thành lập Quỹ Tổn thất và Thiệt hại tại COP27, các nước mong muốn rằng đưa cơ chế này như một cam kết toàn cầu hơn là trách nhiệm pháp lý hoặc bồi thường; từ đó thúc đẩy nhận thức và sự thừa nhận của cộng đồng về những tác động bất cân xứng của biến đổi khí hậu, từng bước tiến tới khắc phục những sự mất cân bằng này.

Tuy nhiên, con đường vận hành quỹ còn nhiều trở ngại. Mặc dù diễn ra trước một mùa hè với hạn hán, lũ lụt và cháy rừng tàn khốc, càng thúc đẩy sự cần thiết phải hành động khẩn cấp, các cuộc đàm phán trước hội nghị thượng đỉnh về Quỹ Tổn thất và Thiệt hại đạt được rất ít tiến bộ. Quỹ này đã được quyết định sẽ được đặt tại Ngân hàng Thế giới trong bốn năm - nhưng chưa có thỏa thuận nào về nghĩa vụ của các nguồn phát thải lịch sử và cũng chưa có dòng tiền đáng kể nào. Sự bế tắc tại cuộc họp tháng 10 về chủ đề này càng mang lại thất vọng, gây ra nghi ngờ về quy trình, đặc biệt liên quan đến việc triển khai thực tế của quỹ.

May mắn thay, một bước đột phá đã đạt được tại cuộc họp tiếp theo ở Abu Dhabi vào tháng 11 này. Văn bản được thông qua ở đó sẽ là cơ sở cho quyết định cuối cùng tại COP28 ở Dubai vào tháng 12. Ngay cả trước khi cuộc họp bắt đầu, thỏa thuận về tổn thất và thiệt hại đã có tiềm năng trở thành một trong những thành tựu lớn nhất của cuộc họp.

3 vấn đề COP28 cần giải quyết

Tuy nhiên, ngay cả khi đang có tiến triển, văn bản được thông qua vẫn tiết lộ ba vấn đề cho thấy việc triển khai quỹ sẽ gặp khó khăn như thế nào. Thành công của COP28 trong việc giải quyết những vấn đề này sẽ là phép thử cho cam kết của cộng đồng quốc tế đối với hành động công bằng về khí hậu.

Điểm tranh cãi đầu tiên liên quan đến việc xác định đối tượng đóng góp quỹ. Các nước đang phát triển ủng hộ các cam kết tài chính từ các nước phát triển, trong khi Mỹ và châu Âu khẳng định rằng các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc và các quốc gia vùng Vịnh như Ảrập Xêút, nên chia sẻ trách nhiệm tài chính một cách công bằng.

Trong các cuộc họp chuẩn bị cho COP28, phái đoàn Ảrập Xêút được cho là đã đề cập đến “những thất bại về nghĩa vụ và khoảng trống trong hành động” mang tính lịch sử của các quốc gia phương Tây trong và sau cách mạng công nghiệp, một quan điểm được nhiều nhà lãnh đạo ở các nước đang phát triển chia sẻ.

Phương Tây có lịch sử thiếu tài trợ cho hành động khí hậu. Lời hứa năm 2009 về việc huy động100 tỷ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển vào năm 2020 chưa bao giờ được đáp ứng. Đã đến lúc phương Tây phải cụ thể hóa những lời hùng biện có cánh của mình thành cam kết tài chính. COP28 là nơi họ có thể thực hiện điều đó.

Trong khi thế giới đang phát triển sẵn sàng tiếp nhận tài trợ từ các nguồn phi chính phủ như khu vực tư nhân và các nhóm nhân đạo, trách nhiệm chính thuộc về các chính phủ phương Tây. Việc không tăng cường có thể có nghĩa là quỹ tổn thất và thiệt hại vẫn không hoạt động hoặc quy mô của nó quá nhỏ để tác động đáng kể đến việc giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thách thức quan trọng thứ hai đối với COP28 là xác định chính xác quốc gia nào sẽ được hưởng lợi từ quỹ này. Tại COP27, khái niệm “các quốc gia đặc biệt dễ bị tổn thương” đã làm dấy lên cuộc tranh luận - một vấn đề cho đến nay vẫn chưa được thống nhất. COP28 phải làm rõ điều này. Việc xác định tiêu chí không phải vấn đề đơn giản. Bởi quá trình đánh giá tổn thất và thiệt hại do hậu quả thiên tai gây ra vượt xa các yếu tố kinh tế đơn giản mà nó còn bao gồm những tổn thất ít hữu hình hơn và khó đo lường hơn, chẳng hạn như những tổn thất do những thay đổi dần dần và có thể là vĩnh viễn của môi trường.

Ngoài ra còn có khoảng cách giữa trải nghiệm của cộng đồng bị ảnh hưởng và dữ liệu được chính phủ và tổ chức thu thập. Những tác động cục bộ có vẻ cấp bách hơn so với bối cảnh khí hậu rộng hơn, làm phức tạp quá trình đưa ra những phản ứng hiệu quả.

Thử thách thứ ba xoay quanh vị trí và cách quản lý quỹ. Các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ và Liên minh châu Âu, ủng hộ việc đặt quỹ tại Ngân hàng Thế giới (WB), một ý tưởng mà các nước đang phát triển phản đối gay gắt.

Sự phản đối bắt nguồn từ lo ngại rằng mô hình tài trợ dựa trên khoản vay của WB không phù hợp với các nước đang phát triển đang chịu quá nhiều gánh nặng nợ nần. Chưa kể quá trình ra quyết định của thể chế tài chính lớn nhất hành tinh này bị chi phối bởi các nhà tài trợ chính, đặc biệt là Mỹ. Hơn nữa, phí hành chính cao liên quan đến WB càng khiến các nước đang phát triển e dè.

Bất chấp những dè dặt này, các nước đang phát triển đã có một nhượng bộ đáng kể khi đồng ý với một thỏa thuận tạm thời theo đó, Quỹ sẽ được đặt tại WB trong 4 năm, với các điều kiện bao gồm khả năng tiếp cận trực tiếp các khoản tài trợ và sự tham gia của các quốc gia không phải là thành viên WB. Nhưng nếu những yêu cầu còn lại của thế giới đang phát triển không được đáp ứng, họ có thể dễ dàng từ bỏ sự nhượng bộ này.

Có thể nói, làm thế nào để vận hành Quỹ Tổn thất và Thiệt hại sẽ là chủ đề quan trọng nhất tại COP28. Nếu thành công, tháng tới tại Dubai sẽ đánh dấu một chiến thắng quan trọng cho các quốc gia chịu gánh nặng từ lượng khí thải lịch sử của các nước đang phát triển. Bước quan trọng này có thể giúp thúc đẩy thế giới hướng tới một tương lai khí hậu công bằng hơn.

Quốc Đạt
#