Độc đáo Ngày Quốc khánh các nước

- Thứ Sáu, 02/09/2022, 06:24 - Chia sẻ

Quốc khánh là ngày rất đặc biệt và quan trọng đối với một quốc gia. Hầu hết các nước đều có ngày Quốc khánh và được tổ chức kỷ niệm long trọng, người dân được nghỉ làm việc, trẻ em được nghỉ học… Nhưng cũng có nước không có ngày Quốc khánh, có nước lại có nhiều hơn một ngày Quốc khánh; hoặc có nước gọi ngày đó là ngày Độc lập, trong khi một số nước lại kỷ niệm Quốc khánh là ngày sinh nhật của Vua hay Nữ hoàng…

Ở nhiều quốc gia từng là thuộc địa, ngày quốc khánh được gọi là ngày Độc lập, đánh dấu ngày quốc gia đó thoát khỏi chế độ cũ. Việc lấy ngày Độc lập là ngày Quốc khánh thường khá phổ biến và hầu hết các quốc gia chỉ có một ngày Quốc khánh mỗi năm. Tuy nhiên, một số nước (như Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan) lại có nhiều hơn một ngày Quốc khánh. Trong khi đó, một số nước lại không có Quốc khánh chính thức, chẳng hạn như Vương quốc Anh.

Quốc khánh Nhật Bản: Ngày Kiến quốc

Ngày Quốc khánh hay còn gọi là ngày Kiến quốc (Kenkoku Kinen no Hi - foundation day) là ngày đại lễ quốc gia của Nhật Bản được tổ chức hằng năm vào ngày 11.2, nhằm mừng ngày thành lập đất nước Nhật Bản và Thiên hoàng đầu tiên Jimmu (Thần Vũ Thiên Hoàng).

Thời Minh Trị, Chính phủ Nhật Bản đã ấn định ngày để kỷ niệm sự kiện trọng đại của đất nước. Thời điểm đó cũng trùng với thời điểm Nhật Bản chuyển từ lịch Âm sang dùng lịch Dương (Tây lịch) vào năm 1873. Chính phủ Minh Trị đã ấn định ngày Lập quốc là ngày 1.1.1873 (Âm lịch), ngày 29.1.1872 (Dương lịch).

Tuy nhiên, người dân lại lầm tưởng ngày này sang Tết Âm lịch, thay vì là ngày Lập quốc. Vì vậy, Chính phủ đổi ngày Lập quốc sang ngày 11.2.1873 sau khi cho rằng đã tính toán “chính xác” ngày Thiên hoàng Jimmu ra đời, và kể từ đó, ngày 11.2 hằng năm trở thành ngày Quốc khánh của Nhật Bản.

Thực chất ngày Lập quốc được dùng để kỷ niệm Thiên hoàng và được đặt tên là Kigensetsu, được Thiên hoàng Minh Trị phê duyệt ấn định không những nhằm mục đích thống nhất ý chí người dân Nhật Bản hướng đến Thiên hoàng, mà còn nhằm củng cố quyền lực của ông, sau khi hạ bệ Mạc phủ Tokugawa, khôi phục quyền cai trị vào tay Thiên hoàng.

Tuy nhiên, đến khi Nhật Bản thua trận ở Thế chiến thứ II, kéo theo sự phế truất quyền lực của Thiên hoàng (từ sau chiến tranh, người ta gọi các đời Thiên hoàng về sau là Nhật hoàng), ngày Kigesetsu cũng bị bãi bỏ. Mỉa mai thay khi ngày 11.2 cũng là ngày Tướng MacArthur phê chuẩn bản sơ thảo của Nghị viện Nhật Bản năm 1946, đưa Nhật Bản đi theo con đường dân chủ tư sản và cũng là người đóng góp rất lớn trong công cuộc tái thiết và phát triển Nhật Bản sau này để trở thành “nước Mỹ của châu Á”. Cùng năm 1946, Ngày Kiến quốc được tái thiết lập, vẫn giữ nguyên là ngày 11.2 hằng năm.

Pakistan, Ấn Độ: Nhiều hơn một ngày Quốc khánh

Ngày Quốc khánh của Pakistan được tổ chức vào hai ngày: 23.3 và 14.8.

Pakistan

Ngày 23.3 được gọi là ngày Pakistan vì có rất nhiều ý nghĩa đối với quốc gia này: Là ngày thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của Pakistan, thành lập nước Cộng hòa Hồi giáo Pakistan vào ngày 23.3.1956. Từ thời điểm này, Pakistan đã trở thành nước cộng hòa Hồi giáo đầu tiên trên thế giới; ngày này (23.3.1940), còn được gọi là ngày Nghị quyết (Resolution Day) để kỷ niệm việc Nghị quyết Lahore được Liên đoàn Hồi giáo thông qua tại Lahore, kêu gọi thành lập một quốc gia độc lập có chủ quyền từ các tỉnh có đa số người Hồi giáo nằm ở Tây Bắc và Đông của Ấn Độ thuộc Anh, trở thành tiền đề cho cuộc đấu tranh thành lập quốc gia Pakistan sau này.

Trong khi đó, ngày 14.8 được gọi là ngày Độc lập của Pakistan, kỷ niệm ngày Pakistan giành được độc lập và được tuyên bố là một quốc gia có chủ quyền sau khi Vương quốc Anh kết thúc chế độ thực dân vào năm 1947.

Sau Pakistan đúng 1 ngày là ngày Độc lập của Ấn Độ, 15.8.1947, đánh dấu quốc gia này kết thúc 200 năm đô hộ của thực dân Anh. Sau này Ấn Độ còn một ngày Quốc khánh nữa, được gọi là ngày Cộng hòa 26.1, kỷ niệm ngày Ấn Độ trở thành quốc gia Cộng hòa đầu tiên của Khối Thịnh vượng chung vào năm 1950.

Anh quốc: Nước không có Quốc khánh chính thức

Vương quốc Anh là tên gọi tắt của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, quốc gia này có 4 đơn vị hành chính là Anh, Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland. Anh Quốc từng là một trong những quốc gia lớn mạnh nhất thế giới và đặc biệt hơn, quốc gia này chưa từng bị đô hộ bởi bất kỳ nước nào khác. Vì thế, Anh Quốc không có ngày thống nhất đất nước (National Day) như phần nhiều quốc gia khác trên thế giới. Thay vào đó, ở mỗi đơn vị hành chính lại lấy một ngày Thánh để làm ngày Quốc Khánh đại diện cho xứ sở của mình.

Scotland, xứ Wales, Bắc Ireland hay Anh đều có một vị thánh khác nhau bảo hộ cho vùng đất của mình. Thay vì ở Scotland chọn ngày kỷ niệm Thánh Andrew (30.11) là ngày Quốc Khánh thì ở xứ Wales, người ta chọn 1.3 - ngày Thánh David để làm ngày kỷ niệm.

Tương tự ở Bắc Ireland, phần quốc gia này của Anh quốc chọn ngày lễ Thánh Patrick làm ngày Quốc khánh giống nước Ireland. Còn tại xứ Wales lại chọn ngày lễ của Thánh George 23.4 để tổ chức ăn mừng.

Vì có quá nhiều ngày lễ kỷ niệm tại Vương quốc Anh, và mỗi vùng lại có một ngày kỷ niệm riêng. Do đó đại bộ phận của Vương quốc Anh thống nhất chọn ngày sinh của nữ hoàng Elizabeth đệ nhị làm ngày Quốc khánh chung cho đất nước này mặc dù không mang ý nghĩa chính thức.

Pháp: Ngày chiếm ngục

Bastille Day - cách gọi khác của ngày Quốc khánh Pháp - là ngày kỷ niệm sự kiện chiếm ngục Bastille - nơi được coi là biểu tượng cho sự cầm quyền đầy áp bức dưới nền quân chủ chuyên chế.

Pháp

Vào ngày 14.7.1789, hàng nghìn người dân thành Paris, chủ yếu là công nhân, thợ thủ công và dân nghèo khởi nghĩa, tấn công ngục Bastille. “Hãy tiến chiếm Bastille!”- Lời kêu gọi được truyền đi từ người này sang người khác và chẳng bao lâu lan ra khắp thành phố. Từ tất cả mọi khu phố, đoàn người khởi nghĩa kéo về nhà ngục biểu tượng cho nền thống trị chuyên quyền phong kiến.

Mặc dù ngục Bastille được xây dựng với tường cao thành dày, bố trí trọng pháo, lại có giao thông hào ngăn cách, khống chế chặt chẽ hai đường cầu treo… Tuy nhiên, các cựu binh Pháp và lính Thụy Sĩ trấn giữ cũng không thể thắng được người dân Paris và buộc phải đầu hàng.

Cuộc tiến chiếm nguc Bastille đã thúc đẩy cao trào cách mạng ở thành thị và nông thôn, đánh dấu sự khởi đầu của cuộc cách mạng Pháp. Khí thế cách mạng thúc đẩy nông dân, công nhân khắp nơi đánh phá thành lũy của địa chủ, đốt bỏ các văn tự thu thuế của chính quyền phong kiến.

Kể từ đó, “Bastille Day” đã trở thành ngày Quốc khánh tượng trưng cho sự kết thúc “thời kỳ vương quyền cổ đại” của nước Pháp. Chính quyền cách mạng Pháp được thành lập và sau đó ra lệnh phá hủy nhà tù Bastille trong giai đoạn 1789 - 1790.

Hàn Quốc: Tiết Quang phục

Ngày 15.8.1945, khi Nhật Bản chính thức thừa nhận đầu hàng trong cuộc chiến tranh thế giới thứ 2 cũng là thời điểm đánh dấu sự độc lập của Hàn Quốc và chính phủ Hàn Quốc chính thức được thành lập. Để kỷ niệm ngày thoát khỏi ách nô lệ của Nhật Bản cũng như ngày thành lập chính phủ, ngày 1.10.1949 chính phủ Hàn Quốc đã chính thức công nhận ngày 15.8 là ngày Quốc khánh hằng năm, còn gọi là Tiết Quang phục.

Trong ngày này có rất nhiều hoạt động kỷ niệm diễn ra trên khắp mọi miền của đất nước Hàn Quốc, thêm một điều đặc biệt nữa là tất cả mọi người (kể cả người ngoại quốc) sẽ được miễn phí vé vào thăm các khu di tích như cố cung hay các công viên quốc gia.

Đạt Quốc