Cam kết về một tương lai bền vững và tiết kiệm năng lượng
Năng lượng sử dụng trong các tòa nhà là thách thức lớn nhất đối với mục tiêu tiết kiệm năng lượng của EU khi chiếm tới 40% lượng năng lượng sử dụng của khối liên minh lá cờ xanh. Phần lớn nhu cầu năng lượng khổng lồ này được đáp ứng thông qua việc đốt nhiên liệu hóa thạch, không chỉ là nguồn gây phát thải khí nhà kính lớn, mà còn đưa đến nhiều lo ngại về sự phụ thuộc năng lượng hóa thạch của khối. Luật mới được thông qua sẽ bắt đầu quá trình chuyển đổi toàn diện, yêu cầu các quốc gia thành viên thúc đẩy và thực hiện cải tạo nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng của các tòa nhà.
Theo các nhà quan sát, ý nghĩa của luật thực sự rất sâu rộng. Luật không chỉ nhằm mục tiêu giảm đáng kể lượng khí thải carbon của EU, mà còn tìm cách làm nhẹ bớt gánh nặng chi phí năng lượng cao đối với các hộ gia đình, giúp nhiều người thoát khỏi tình trạng không thể trả nổi các hóa đơn năng lượng giúp đáp ứng các nhu cầu cơ bản của gia đình. Hơn nữa, bằng cách giảm nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch, luật này sẽ đẩy nhanh tham vọng của EU trong việc đa dạng hóa các nguồn năng lượng, đặc biệt là trong việc tìm kiếm các giải pháp thay thế cho khí đốt của Nga. Theo nghị sĩ châu Âu Ciaran Cuffe, nguồn tài trợ dồi dào của EU sẵn sàng hỗ trợ những công trình cải tạo này, cho thấy cam kết tài chính đáng kể đối với sáng kiến trên.
Luật cũng đặt ra các tiêu chuẩn mới cho các tòa nhà phi dân cư, chẳng hạn như văn phòng hay bệnh viện, kêu gọi các quốc gia thành viên sử dụng quỹ của EU để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng của họ. Mặc dù luật mở rộng khả năng áp dụng các tiêu chuẩn đó cho các tòa nhà dân cư, nhưng nó không bắt buộc chủ nhà phải tiến hành cải tạo.
Tuy nhiên, việc thông qua luật không phải là không gây tranh cãi. Italy, cùng với một số quốc gia thành viên khác, đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ, với lý do gánh nặng tài chính của quá trình cải tạo như vậy sẽ đè nặng lên các Chính phủ cũng như chủ nhà. Bất chấp những tranh cãi và thách thức phía trước, việc thông qua Luật Công trình xanh là tuyên bố táo bạo về cam kết của EU đối với một tương lai bền vững và tiết kiệm năng lượng. Nó gói gọn quyết tâm của khối trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu, đồng thời bảo đảm tương lai xanh hơn cho người dân của mình.
Các biện pháp và sáng kiến lập pháp quan trọng
Ngoài Luật Công trình xanh mới nhất, EU cũng từng ban hành và đề xuất nhiều đạo luật và sáng kiến quan trọng liên quan đến lĩnh vực này. Một trong số đó có thể kể đến là Chỉ thị Về hiệu suất năng lượng của các công trình (EPBD). Được thông qua lần đầu tiên vào năm 2002, sau đó được sửa đổi nhiều lần mà gần đây nhất là vào năm 2018, EPBD được coi là nền tảng của luật pháp EU nhằm cải thiện hiệu suất năng lượng của các tòa nhà. Các điều khoản chính của nó có thể kể đến như: Chứng chỉ Hiệu suất năng lượng (EPC), giúp cung cấp thông tin về hiệu suất năng lượng của các công trình cùng với đề xuất cải thiện hiệu quả; Tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu, theo đó EPBD đặt ra yêu cầu đối với các tòa nhà mới (biến chúng thành những tòa nhà gần như không sử dụng năng lượng) và các công trình cải tạo lớn, thúc đẩy các tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng cao; Hệ thống thông minh và kiểm tra, trong đó khuyến khích sử dụng công nghệ thông minh và kiểm tra thường xuyên hệ thống sưởi lẫn điều hòa không khí để bảo đảm chúng hoạt động hiệu quả…
Bên cạnh EPBD, Thỏa thuận Xanh châu Âu, tuy không phải là đạo luật lập pháp nhưng kể từ khi được công bố vào năm 2019 đã đặt ra chương trình nghị sự nhằm giúp nền kinh tế EU bền vững. Cụ thể, đối với các công trình, Thỏa thuận Xanh châu Âu kêu gọi một “làn sóng cải tạo" để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng của các tòa nhà vì lĩnh vực này có tiềm năng tiết kiệm năng lượng cao. Chiến lược "Làn sóng cải tạo" ra mắt vào năm 2020, như một phần của Thỏa thuận Xanh châu Âu, đã đặt mục tiêu tăng gấp đôi tỷ lệ cải tạo trong 10 năm tới, cũng như bảo đảm việc cải tạo mang lại hiệu quả sử dụng năng lượng và tài nguyên cao hơn. Chưa hết, Chỉ thị Về hiệu quả năng lượng (EED) là một bộ luật quan trọng khác nhằm giảm mức tiêu thụ năng lượng của EU. Các biện pháp theo EED ảnh hưởng đến các tòa nhà theo hướng, quy định này yêu cầu các quốc gia thực hiện cải tạo tiết kiệm năng lượng ít nhất 3% tổng diện tích sàn của các tòa nhà do chính quyền trung ương sở hữu và sử dụng mỗi năm.