Cuộc cách mạng kỹ thuật số là nhân tố thay đổi cuộc chơi trên tất cả các lĩnh vực phát triển, nhưng những tiến bộ công nghệ có nguy cơ nới rộng khoảng cách về giới hiện nay. Phụ nữ và trẻ em gái ở châu Á - Thái Bình Dương cần được tiếp cận Internet một cách công bằng, an toàn và có cơ hội giáo dục để đảm bảo chuyển đổi kỹ thuật số toàn diện.
Phụ nữ và trẻ em gái vẫn ở bên lề của lĩnh vực công nghệ
Đó là nhận định của ba chuyên gia: Bà Sarah Knibbs - Giám đốc lâm thời Tổ chức Phụ nữ LHQ khu vực châu Á - Thái Bình Dương; bà Debora Comini - Giám đốc Tổ chức Unicef khu vực Đông Á - Thái Bình Dương và bà Atsuko Okuda - Giám đốc Tổ chức Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhân dịp Ủy ban về Vị thế của Phụ nữ của Liên Hợp Quốc (LHQ) đang nhóm họp về vấn đề này.
Một bé gái sử dụng kính hiển vi khi tham gia lớp học ngoài trời tại làng Joba Attpara ở bang Tây Bengal, Ấn Độ vào ngày 13.9.2021. Ảnh: Reuters
Đại diện các thành viên LHQ đang nhóm họp tại New York từ ngày 6 - 17.3 trong khuôn khổ phiên họp thứ 67 của Ủy ban về Vị thế của Phụ nữ. Tại đây, các đại biểu sẽ thảo luận về đổi mới, hiện đại hóa công nghệ và giáo dục trong thời đại kỹ thuật số trong mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.
Là cơ quan liên chính phủ hàng đầu có sứ mệnh thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, Ủy ban về Vị thế của Phụ nữ đã đóng vai trò quan trọng trong tiến trình thúc đẩy quyền của phụ nữ và định hình các tiêu chuẩn toàn cầu về bình đẳng giới. Phiên họp lần thứ 67 lần này mang đến cơ hội quan trọng để hình thành khuôn khổ quy chuẩn toàn cầu về công nghệ và đổi mới nhằm thúc đẩy cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm đối với quá trình số hóa, với các nguyên tắc hài hòa hóa về giới cũng như lấy nữ quyền làm trung tâm, bảo đảm phụ nữ và trẻ em gái được hỗ trợ thích hợp đáng để đẩy nhanh việc đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững và Chương trình nghị sự 2030. Các cuộc thảo luận tại cuộc họp này sẽ cung cấp một điểm khởi đầu cho các bên liên quan để xem xét Hiệp ước Kỹ thuật số Toàn cầu, văn kiện mà Tổng thư ký LHQ đã đề cập trong Chương trình Nghị sự chung, dự kiến sẽ được thông qua vào tháng 9.2024.
Cuộc cách mạng kỹ thuật số là yếu tố thay đổi cuộc chơi trên tất cả các lĩnh vực phát triển: từ chính trị, xã hội, kinh tế và môi trường - đặc biệt là trong giai đoạn khủng hoảng, như chúng ta đã được chứng kiến trong đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, những tiến bộ công nghệ có nguy cơ nới rộng khoảng cách về giới, làm gia tăng phân biệt đối xử và bất bình đẳng giới hiện có. Theo Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), 69% nam giới trên toàn cầu sử dụng internet vào năm 2022 trong khi con số này ở nữ giới là 63%. Tính đến năm 2022, chỉ có 30% phụ nữ ở các quốc gia kém phát triển nhất sử dụng internet so với 92% ở các quốc gia có thu nhập cao.
Bên cạnh quyền truy cập internet, tình trạng bất bình đẳng giới cũng tồn tại ở những khía cạnh khác của quyền tiếp cận công nghệ. Chẳng hạn, phụ nữ và trẻ em gái có ít quyền tự chủ hơn trong việc sử dụng Internet. Khả năng tiếp cận cơ hội giáo dục không đồng đều đối với phụ nữ và trẻ em gái cũng đồng nghĩa với việc họ được hưởng lợi ít hơn từ quá trình chuyển đổi kỹ thuật số so với nam giới, và bạo lực giới trên cơ sở công nghệ và trực tuyến đang hoành hành.
Về khả năng tiếp cận giáo dục, khoảng 25% số nữ sinh trên toàn cầu không tham gia vào bất kỳ hình thức giáo dục hoặc đào tạo nào liên quan đến công nghệ so trong khi con số này ở nam sinh là 10%, theo dữ liệu của Unicef từ năm 2019. Điều này đặc biệt rõ ràng bởi vì tỷ lệ nữ sinh theo học giáo dục tiểu học và trung học ngang bằng với nam sinh, nhưng khi tiến tới giáo dục đại học, việc làm và đào tạo, sự tham gia của nữ sinh thấp hơn nhiều so với nam sinh.
Sự tham gia hạn chế của phụ nữ và trẻ em gái vào các lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) trong giáo dục đại học dẫn đến tỷ lệ đại diện của họ trong các ngành nghề STEM rất thấp. Phụ nữ tiếp tục chiếm thiểu số trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) cũng như các lĩnh vực STEM rộng hơn. Vào năm 2021, chỉ có 28% kỹ sư và 40% sinh viên tốt nghiệp khoa học máy tính là phụ nữ. Phụ nữ chỉ chiếm 22% số chuyên gia làm việc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Phụ nữ và trẻ em gái cũng tiếp tục phải đối mặt với bạo lực trực tuyến. Theo một nghiên cứu của Economist Intelligence Unit, ở châu Á và Thái Bình Dương, tỷ lệ bạo lực trực tuyến đối với phụ nữ ở mức đáng kinh ngạc là 88%. Những đối tượng có nguy cơ cao bị bạo lực trên không gian mạng gồm phụ nữ trẻ, trẻ em gái và phụ nữ có nghề nghiệp hoặc hoạt động tích cực trên mạng, đòi hỏi họ phải xuất hiện nhiều, chẳng hạn như nữ nhà báo, chính trị gia, nhà hoạt động vì quyền phụ nữ và người bảo vệ nhân quyền.
Phá bỏ định kiến bằng công cụ chính sách
Ba chuyên gia cho rằng, để giải quyết những vấn đề này đòi hỏi phát triển giáo dục kỹ thuật số đa ngành một cách đồng đều để bảo đảm tất cả phụ nữ và trẻ em gái đều có quyền tiếp cận bình đẳng với đào tạo kỹ năng kỹ thuật số ngoài việc học các kỹ năng máy tính cơ bản.
Đồng thời, các chính phủ nên hành động để bảo đảm phụ nữ và trẻ em gái là những người đồng sáng tạo và ra quyết định trong quá trình thiết kế, phát triển và triển khai công nghệ đáp ứng nhu cầu của họ.
Cả hai cách tiếp cận trên đều cần các các nhà hoạch định chính sách và các xã hội phá bỏ đi định kiến đã cản trở sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái trong giáo dục và nghề nghiệp thuộc lĩnh vực STEM.
Để làm được điều đó, các quốc gia cần trang bị công cụ luật pháp mạnh mẽ, tăng cường năng lực và biện pháp bảo vệ phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế để loại bỏ bạo lực giới do công nghệ gây ra cũng như bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em gái trên không gian mạng.
Các chính phủ cũng cần tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với việc sử dụng dữ liệu cá nhân, củng cố niềm tin vào các sản phẩm và dịch vụ dựa trên dữ liệu và bảo đảm phân phối lợi ích công bằng hơn. Điều quan trọng hơn cả là cần phải nỗ lực để bảo đảm khả năng khả năng tài chính cho phép phụ nữ và trẻ em gái được quyền tiếp cận internet, các công cụ và dịch vụ kỹ thuật số ở tất cả các hình thức đa dạng của chúng.
Phụ nữ và trẻ em gái không chỉ là người sử dụng thông tin trực tuyến hay các dịch vụ kỹ thuật số, mà họ còn cần được trao quyền để định hình quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của khu vực với tư cách là những người tham gia vào quá trình đổi mới sáng tạo, những doanh nhân, lãnh đạo doanh nghiệp và những người ra quyết định. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể đạt được sự chuyển đổi kỹ thuật số thực sự toàn diện và bền vững ở châu Á - Thái Bình Dương mà không để bất kỳ ai bị bỏ lại phía sau.