Cùng nhau hàn gắn rạn nứt

- Thứ Hai, 16/01/2023, 06:40 - Chia sẻ

Năm 2023, Ấn Độ và Nhật Bản lần lượt đảm nhiệm chức Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và chức Chủ tịch Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7). Vì vậy, sự hợp tác chặt chẽ giữa Ấn Độ và Nhật Bản trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 và G7 có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết, nỗ lực cùng nhau giải quyết vấn đề toàn cầu và hàn gắn những rạn nứt giữa G20 và G7. 

Kỳ vọng ở Chủ tịch G20 và G7 

Chức Chủ tịch G20 mang đến cho Ấn Độ cơ hội định hình chương trình nghị sự hợp tác toàn cầu khi thế giới thoát ra khỏi bóng tối của đại dịch Covid-19. Tầm quan trọng của G20 phản ánh qua sức mạnh kinh tế: các quốc gia thành viên chiếm hơn 80% GDP toàn cầu, 75% thương mại toàn cầu và 60% dân số thế giới. Nhiệm kỳ Chủ tịch G20 là cơ hội để nhấn mạnh vị thế mới nổi của mình với tư cách là một “cường quốc hàng đầu”.

Nguồn: AP
Nguồn: AP

Kể từ khi giành được độc lập, Ấn Độ đã ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương, tích cực tham gia diễn đàn về các vấn đề như không phổ biến vũ khí hạt nhân, quy tắc thương mại toàn cầu, biến đổi khí hậu và can thiệp nhân đạo. Là một phần trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20, Ấn Độ có kế hoạch tổ chức 200 cuộc họp của G20 tại các thành phố trên khắp đất nước, đưa Ấn Độ trở thành nhân tố quan trọng trong các chủ đề toàn cầu. Theo báo The Hindu, trong lịch sử quốc gia này từng nêu những lo ngại thay mặt cho Nam bán cầu trong các diễn đàn đa phương, và chắc chắn Ấn Độ sẽ tận dụng vai trò Chủ tịch G20 lần này để làm điều tương tự.

Trong khi đó, năm 2023 được xem là một năm rất quan trọng đối với Nhật Bản khi giữ vai trò là chủ tịch của nhóm G7 và bắt đầu nhiệm kỳ của ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc. Vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã có chuyến thăm một loạt quốc gia trong nhóm G7. Chuyến công du lần này, ngoài mục tiêu thúc đẩy các hoạt động hợp tác song phương, Thủ tướng Nhật Bản cũng đang chuẩn bị rất kỹ cho nhiệm kỳ chủ tịch G7 khi sẽ có các cuộc bàn thảo, thống nhất với các nhà lãnh đạo về nội dung sẽ có trong Hội nghị thượng đỉnh của nhóm sắp tới. Kể từ khi thành lập, “Chủ tịch nhóm G7” là cương vị quốc tế mang tính tầm cỡ đầu tiên mà ông Kishida Fumio được đảm nhận. Do đó, ưu tiên hàng đầu của Nhật Bản trong nhiệm kỳ sẽ là tổ chức thành công sự kiện trên, với các mục tiêu đề ra cũng như để lại dấu ấn mạnh mẽ của cá nhân Thủ tướng. 

Những năm gần đây, Nhật Bản luôn thể hiện là thành viên tích cực, đi đầu trong việc thực hiện chủ trương cũng như hành động của nhóm G7 và điều này sẽ được thể hiện rõ hơn khi Nhật Bản giữ vai trò là Chủ tịch nhóm G7 trong năm nay. Nhật Bản tập trung vào việc tiếp tục kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án các nỗ lực đơn phương làm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì pháp quyền và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, đồng thời hợp tác để hiện thực hóa một “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Ngoài ra, các biệp pháp ứng phó với vấn đề liên quan đến chương trình tên lửa hạt nhân của Triều Tiên hay các hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc cũng sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của Nhật Bản.

Nỗ lực thu hẹp khoảng cách

Trong bối cảnh căng thẳng kinh tế và địa chính trị đang diễn ra, nỗ lực hàn gắn của Ấn Độ và Nhật Bản sẽ càng trở nên khó khăn hơn. Song, hai nước vẫn được kỳ vọng có thể giúp hòa giải hai nhóm bằng cách tập trung vào một số chủ đề hội tụ.

Thứ nhất, quản trị kinh tế, tài chính và sức khỏe. Đây là những lĩnh vực quan trọng đối với cả hai nhóm, về việc bảo đảm khả năng tiếp cận vaccine và hỗ trợ các quốc gia kém phát triển đang gặp khó khăn về nợ nần do đại dịch. Thứ hai là các cam kết về khí hậu và chuyển đổi năng lượng. Tại đây, các biện pháp trừng phạt Nga của G7 đã gây ra những rạn nứt do gián đoạn nguồn cung cấp nhiên liệu, phân bón và thực phẩm. Mối quan hệ lâu dài giữa Nhật Bản và Ấn Độ, bắt nguồn từ các mối quan hệ thương mại giữa Phật giáo và đế quốc, điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy các mục tiêu chung. Hai quốc gia đã xích lại gần nhau hơn kể từ năm 2008, khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đến Ấn Độ như một điểm mấu chốt trong tầm nhìn của ông về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, đồng thời là một đối trọng với Trung Quốc. Hơn nữa, Nhật Bản hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 của Ấn Độ với gần 40 tỷ USD cam kết trong 20 năm qua. Thương mại song phương trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3.2022 là 20,57 tỷ USD. Nhật Bản và Ấn Độ hiện đều là những cường quốc bậc trung ở châu Á, một bên phát triển nhưng đang già đi, một bên mới nổi và trẻ trung. Cả hai đều phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng từ Trung Quốc cũng như những bên hỗ trợ mạnh mẽ trong các nhóm quan trọng như Bộ tứ QUAD.
Cả hai nước đã xem xét các khoản đầu tư cho tương lai. Hồi tháng 3.2022, trong chuyến thăm Ấn Độ đầu tiên với tư cách là thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Kishida Fumio đã cam kết đất nước của ông sẽ đầu tư 5 nghìn tỷ yên (37,7 tỷ USD) vào Ấn Độ trong 5 năm trong các lĩnh vực như số hóa, y tế và năng lượng tái tạo. Đây chính xác là những lĩnh vực mà Nhật Bản và Ấn Độ có thể thu hẹp khoảng cách giữa G7 và G20. Hiện nay, vaccine Covishield được sản xuất tại Ấn Độ với công nghệ của Anh đã được xuất khẩu ra toàn thế giới. Trong khi đó, Nhật Bản đang sở hữu công nghệ tái tạo chưa từng có, và nó có thể được sử dụng để sản xuất các hệ thống năng lượng ở quy mô lớn ở Ấn Độ. Điều này sẽ giúp nước này phát triển cơ sở sản xuất và mở rộng chuỗi cung ứng châu Á ngoài Trung Quốc.

Bên cạnh đó, G7 cũng đã cam kết đầu tư 600 tỷ đô la cho một quỹ phát triển cơ sở hạ tầng cho các nước đang phát triển vẫn chưa được triển khai. Ấn Độ và Nhật Bản có thể hợp tác để thúc đẩy quỹ phát triển, thu hút các quốc gia G20 có cùng chí hướng cạnh tranh với Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc để hiện thực hóa các dự án. Một vấn đề quan trọng khác, Nhật Bản và Ấn Độ có thể hợp tác với nhau để xây dựng kho dự trữ lương thực đệm từ các quốc gia dư thừa vì lợi ích của những người có nhu cầu, đặc biệt là ở châu Phi, nhằm khắc phục cuộc khủng hoảng lương thực đang diễn ra. Trong khi đó, Ấn Độ tự hào khi sở hữu các dịch vụ kỹ thuật số đẳng cấp thế giới và hoạt động thương mại điện tử mạnh mẽ. Những nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số công cộng của nó có thể đóng vai trò là một mô hình mới cho thế giới, mang đến một cách thức để các doanh nhân và chính phủ sử dụng một sân chơi bình đẳng để hòa nhập kỹ thuật số, một mục tiêu chính của Liên Hợp quốc. Tương tự như vậy, Ấn Độ có thể giúp Nhật Bản bước vào kỷ nguyên kỹ thuật số công bằng mới, bỏ lại đằng sau những bất đồng giữa hai bên về luồng dữ liệu tự do xuất hiện trong nhiệm kỳ chủ tịch G20 năm 2019 của Nhật Bản.

Tất cả những nỗ lực này sẽ đòi hỏi cơ chế thực hiện mạnh mẽ. Các thực tiễn tốt nhất có thể được các quan chức của hai quốc gia cộng tác ghi lại và bao gồm các viện nghiên cứu và học giả cũng như các nhà ngoại giao. Hội nghị thượng đỉnh QUAD sẽ được tổ chức vào tháng 5 tại Canberra, Australia, và sẽ tạo cơ hội tốt cho Nhật Bản và Ấn Độ phát triển sức mạnh tổng hợp để thu hẹp khoảng cách giữa G7 và G20 trước các hội nghị thượng đỉnh tương ứng của các nhóm ở hai nước. Đây được đánh giá là một khuôn mẫu hợp tác mới có thể được thiết lập ở châu Á, mang đến cho thế giới sự thống nhất lớn hơn để giải quyết các vấn đề chung.

Như Ý