Cục diện khó khăn

- Thứ Năm, 23/06/2022, 05:10 - Chia sẻ

Liên minh của Tổng thống Emmanuel Macron mới đây đã thất thế trong cuộc đua giành đa số ghế tại Quốc hội Pháp, khi chỉ giành được 245 trên tổng số 577 ghế. Kết quả này chắc chắn sẽ là thách thức lớn đối với chính quyền của Tổng thống đương nhiệm trong nhiệm kỳ 2.

Nguy cơ xảy ra khủng hoảng chính trị?

Có thể nói, kết quả bầu cử mới nhất đánh dấu thất bại cực lớn của ông chủ Điện Elyseé, bởi trước khi vòng 2 diễn ra, hầu hết các cuộc thăm dò dư luận đều dự đoán là liên đảng ủng hộ ông Macron có thể giành ít nhất là trên 260 ghế, thậm chí vẫn có khả năng vượt qua con số 289 ghế để giành đa số tại Quốc hội Pháp. Liên minh cánh tả rộng rãi được coi là nhóm đối lập lớn nhất, trong khi lực lượng cực hữu giành được chiến thắng cao kỷ lục và phe bảo thủ có khả năng trở thành những người “tạo nên nhà vua”, nhóm có ảnh hưởng chính trị trong việc tạo ra liên minh đa số quyền lực.

Cuộc bầu cử Quốc hội Pháp vừa qua cho thấy liên minh của Tổng thống Pháp Macron đã không chiếm được đa số tại Quốc hội Pháp7
Cuộc bầu cử Quốc hội Pháp vừa qua cho thấy liên minh của Tổng thống Pháp Macron đã không chiếm được đa số tại Quốc hội Pháp

Theo nhiều nhà quan sát, cuộc bầu cử Quốc hội Pháp 2022 đã đưa nền chính trị Pháp vào một cục diện chưa có tiền lệ kể từ năm 1988, đó là không có một đa số tại Quốc hội và trong 10 nhóm đảng hiện diện tại Quốc hội, có đến 7 nhóm đảng đứng về phía đối lập với Tổng thống và 3 trong số đó có trên 58 nghị sĩ, tức đủ điều kiện để đưa ra các yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Chính phủ bất cứ khi nào. Ngoài ra, cuộc bầu cử này cũng chứng kiến những chi tiết đáng chú ý khác, như lần đầu tiên đương kim Chủ tịch Quốc hội đương nhiệm, ông Richard Ferrand, thất cử. Và trong khi liên đảng ủng hộ Tổng thống Macron có ít ghế hơn dự kiến thì đảng cực hữu lại giành nhiều ghế hơn dự kiến.

 Các nhà phân tích nhận định, chắc chắn nhiệm kỳ mới của ông Macron sắp tới sẽ gặp phải rất nhiều sóng gió. Nguy cơ tê liệt chính trị không nhỏ, bởi bất cứ một quyết sách, một cải cách nào cũng đều cần có sự ủng hộ của đa số tại Quốc hội. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, Tổng thống Macron cuối cùng có thể phải kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử sớm nếu bế tắc lập pháp xảy ra. Trong khi đó, vị tổng thống 44 tuổi của Pháp từng hy vọng sẽ kết thúc nhiệm kỳ 2 của mình với một chương trình đầy tham vọng về cắt giảm thuế, cải cách phúc lợi và nâng tuổi nghỉ hưu.

Tín hiệu khó khăn thực ra đã bắt đầu manh nha. Mặc dù Quốc hội khóa mới sẽ chính thức bắt đầu công việc trong tuần tới, ngày 28.06, nhưng ngay trong sáng 20.06, một số nghị sĩ thuộc cánh tả đối lập đã lên tiếng kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ của nữ Thủ tướng Elisabeth Borne. Thách thức lớn sẽ đến vào ngày ngày 5.7, khi bà phải đọc Diễn văn trình bày chính sách chung của Chính phủ Pháp trước Quốc hội mà gần như chắc chắn khi đó, các đảng đối lập là liên minh cánh tả và phe cực hữu sẽ đệ trình việc bỏ phiếu bất tín nhiệm với Chính phủ.

Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne thừa nhận: “Chưa khi nào trong nền Cộng hòa thứ V, Quốc hội Pháp lại có cục diện như hiện nay. Tình huống này là nguy cơ với nước Pháp bởi các thách thức mà nó đặt ra ở cả cấp độ quốc gia lẫn quốc tế. Nhưng chúng tôi cần tôn trọng kết quả này và rút ra bài học. Chúng tôi sẽ làm việc ngay lập tức để tạo dựng một đa số hành động. Không có giải pháp thay thế cho sự tập hợp đoàn kết này nếu muốn duy trì sự ổn định cho nước Pháp và tiến hành các cải cách cần thiết”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire gọi kết quả bầu cử là “cú sốc dân chủ”, đồng thời nói thêm rằng nếu các khối khác không hợp tác, “điều này sẽ cản trở năng lực của chúng tôi trong việc cải cách và bảo vệ người Pháp”.

Cơ hội nào lật lại thế cờ?

Tuy nhiên, dù gặp nhiều bất lợi khi không có được đa số tuyệt đối tại Quốc hội Pháp nhưng giới quan sát cũng cho rằng, tình thế vẫn chưa phải quá bi đát đối với liên minh ủng hộ Tổng thống Macron bởi hai phe đối lập lớn nhất là liên minh cánh tả (Nupes) và đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN) của bà Marine Le Pen lại gần như không thể hợp tác với nhau nên cũng sẽ khó tạo thành một đa số chống quá lớn tại Quốc hội.

Liên minh của Tổng thống Macron giờ đây buộc phải đàm phán với các nghị sĩ khác để tìm kiếm thỏa thuận chiếm lại đa số. Song những liên minh tương tự thường mang tính thiếu ổn định đến mức Chính phủ chỉ tồn tại được trong vài tháng. Thực tế, tình trạng khó khăn của ông Macron không phải là duy nhất trong lịch sử hiện đại của Pháp. Vào năm 1988, dưới thời Tổng thống François Mitterrand, đảng Xã hội cũng không thể tập hợp được đa số tuyệt đối trong Quốc hội, buộc họ phải thỉnh thoảng “nhờ cậy” các nhà lập pháp ở cánh tả hoặc cánh hữu để thông qua nhiều dự luật.

Hiện chưa rõ liệu liên minh của ông Macron có thể tìm được những đồng minh nào khác để hình thành đa số làm việc hay không, mặc dù có vẻ như phù hợp nhất sẽ là đảng Cộng hòa (Les Républicains), đảng bảo thủ chính thống, đã giành được 61 ghế. Hơn nữa, ông cũng sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các đồng minh trung dung hơn so với trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, đặc biệt là để thông qua các dự án gây tranh cãi như kế hoạch nâng độ tuổi nghỉ hưu hợp pháp từ 62 lên 65.

Cuộc bầu cử Quốc hội vòng hai vừa qua ở Pháp chứng kiến tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp kỷ lục. Đây là dấu hiệu dấu hiệu cảnh báo đối với Tổng thống Macron, người cam kết sẽ điều hành đất nước gần gũi hơn với người dân trong nhiệm kỳ 2, và là minh chứng cho sự bất bình ngày càng tăng của cử tri đối với chính trị Pháp.

Linh Anh