COP28 - chất xúc tác cho sự đồng thuận

- Thứ Bảy, 02/12/2023, 07:27 - Chia sẻ

Thúc đẩy “các mục tiêu về môi trường, xã hội và quản trị” (ESG) là một phần thiết yếu của bất kỳ giải pháp lâu dài nào cho cuộc khủng hoảng khí hậu. Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP28) vừa khai mạc tại Dubai, UAE mang đến cơ hội xây dựng sự đồng thuận về các phương pháp ESG hiệu quả nhất.

ESG - nền tảng các giải pháp dài hạn

Theo Project Syndicat, hiện nay, vẫn chưa có một khái niệm hoàn thiện về ESG để  có thể trở thành một phần thiết yếu của bất kỳ chiến lược nào của các Chính phủ nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Hội nghị COP28 đang diễn ra tại tại Dubai tạo cơ hội đưa ra chính sách thống nhất về cách ESG có thể đóng góp tốt nhất để đạt được lượng phát thải ròng bằng 0 trên toàn cầu vào năm 2050.

Chiến lược ESG hợp lý, tập trung vào các tiêu chuẩn cao, số liệu rõ ràng và quy trình tuân thủ nghiêm ngặt, có thể cải thiện quá trình ra quyết định đầu tư cho các doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực. Điều này không chỉ tạo điều kiện dễ dàng hơn trong việc giải quyết nợ và tài trợ vốn cổ phần, mà còn tạo ra lợi nhuận danh tiếng, khiến ESG trở thành điều bắt buộc trong kinh doanh.

Hội nghị COP28 cung cấp nền tảng cho các bên liên quan để điều chỉnh các phương pháp thực thi tốt nhất về ESG. Thúc đẩy cách tiếp cận gắn kết, công bằng và minh bạch đối với ESG tại sự kiện này là rất quan trọng để nhận được hỗ trợ từ các bên liên quan khác nhau. Khi cuộc đua toàn cầu về lượng khí thải bằng 0 ngày càng tăng, các doanh nghiệp đang tìm kiếm liên minh và quan hệ đối tác mới phải trình bày rõ ràng và thực hiện các chiến lược ESG của mình một cách hiệu quả.

Động lực ESP ở Trung Đông

Theo khảo sát của PricewaterhouseCoopers (PwC), Trung Đông đã chứng kiến sự gia tăng đáng chú ý trong việc áp dụng ESG, với gần 2/3 các tổ chức trong khu vực áp dụng các chiến lược ESG chính thức trong 12 tháng qua. Thay đổi này thể hiện khởi đầu khả quan đáng kể so với trước đây, cho thấy nhận thức ngày càng tăng về tầm quan trọng của ESG trong khu vực. Và xu hướng này dường như sẽ tiếp tục, vì 66% số người tham gia khảo sát bày tỏ mong muốn nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ các CEO và hội đồng quản trị doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến ESG.

Hơn nữa, 40% số người được hỏi hy vọng COP28 sẽ giúp các Chính phủ cải thiện cơ sở hạ tầng ESG và khích lệ tăng trưởng xanh. Theo các nhà quan sát, ở Trung Đông, UAE đang đi đầu trong nỗ lực cải cách, xây dựng nhận thức về cách khuôn khổ ESG có thể mở đường cho một nền kinh tế ròng bằng 0. Điều này được minh chứng qua việc UAE công bố kế hoạch đầu tư 54 tỷ USD vào năng lượng tái tạo trong 7 năm tới và cam kết tài trợ 4,5 tỷ USD cho các dự án khí hậu ở châu Phi. Việc huy động những khoản tiền khổng lồ này trước COP28, cũng như thực hiện các sáng kiến lớn để hỗ trợ đầu tư vào xã hội và quản trị, thể hiện sự chủ động của UAE trong việc bảo vệ ESG không chỉ tại COP28 mà còn vượt ra ngoài sự kiện này.

Các ngân hàng tại Trung Đông cũng thực hiện phần việc của mình, nghĩa là nâng cao nhận thức về vai trò trung tâm của ESG trong tài chính bền vững và bảo đảm có đủ sản phẩm tài chính xanh - bao gồm các công cụ tuân thủ luật Sharia (là các quy tắc trong đời sống hàng ngày của người Hồi giáo) - để đáp ứng nhu cầu ngày càng nhiều của khách hàng. Cải thiện số liệu báo cáo ESG và tăng cường đào tạo nội bộ cho nhân viên để kết hợp các yếu tố ESG vào quyết định đầu tư là những biện pháp ngay lập tức mà các ngân hàng có thể thực hiện để góp phần tích hợp ESG.

Một thay đổi có ý nghĩa khác cũng đang được tiến hành. Ngày nay, 27% các công ty Trung Đông trả lời khảo sát của PwC có giám đốc phát triển bền vững và gần một nửa số cá nhân đó chịu trách nhiệm chính về ESG.  

Trong khi các tập đoàn lớn dễ dàng điều hướng khuôn khổ tài chính xanh ngày càng phức tạp, thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) sẽ cần được hỗ trợ nhiều hơn, đặc biệt là trong nền kinh tế UAE. Theo dữ liệu của Chính phủ UAE công bố vào giữa năm 2022, cả nước có 557.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm 63,5% GDP phi dầu mỏ và con số đó có thể tăng lên 1.000.000 vào năm 2030.

Sự nóng lên toàn cầu là mối đe dọa hiện hữu, nhưng tầm quan trọng của thách thức đã làm nảy sinh động lực chưa từng có: các Chính phủ và lãnh đạo doanh nghiệp đang áp dụng các khuôn khổ mới và biện pháp triệt để bảo đảm tiến bộ nhanh chóng và đáng kể cho các hành động vì khí hậu. Và COP28 sẽ đẩy nhanh quá trình này, đặc biệt là khi xây dựng sự đồng thuận trong việc thực hiện ESG. Các doanh nghiệp thế giới càng sớm áp dụng ESG vào các quyết định đầu tư của mình thì họ sẽ càng có vị trí tốt hơn - cả về mặt kinh tế và môi trường - trên hành trình hướng tới đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Tiêu chuẩn “môi trường, xã hội và quản trị” (ESG) là thuật ngữ viết tắt của Environmental, Social và Governance, một hệ thống giúp đo lường những yếu tố liên quan đến hoạt động phát triển bền vững của một tổ chức, cơ quan và giúp xây dựng nền tài chính bền vững. Thuật ngữ ESG lần đầu tiên được giới thiệu một cách tổng thể trong báo cáo “Who cares wins” của Liên Hợp Quốc phát hành năm 2004.

Báo cáo của Liên Hợp Quốc khuyến khích tất cả các nhà lãnh đạo, nhà quản lý tích hợp ESG trong chiến lược phát triển dài hạn của mình. Sau đó, thuật ngữ ESG được đề cập nhiều hơn trong báo cáo Nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm (PRI) của Liên Hợp Quốc năm 2006, nơi mà các tiêu chí ESG được yêu cầu phải đưa vào đánh giá tài chính của các công ty.

Từ đó đến nay, ESG đã phát triển mạnh mẽ và trở thành một phong trào chủ động của rất nhiều công ty trên khắp thế giới, trở thành một bộ tiêu chuẩn đánh giá bức tranh toàn cảnh tình hình kinh doanh của doanh nghiệp trên cả ba khía cạnh môi trường, xã hội và quản trị.

Ngọc Minh
#