Cơn thịnh nộ của thiên nhiên

- Thứ Tư, 31/08/2022, 06:07 - Chia sẻ

Châu Âu đang phải đối mặt với hạn hán tồi tệ nhất trong ít nhất 500 năm, hạn hán kỷ lục của Trung Quốc gây thiệt hại nặng nề cho nông dân khi cây trồng khô héo trên đồng và Chính phủ Pakistan mới đây buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp để đối phó với lũ lụt do gió mùa ảnh hưởng đến hơn 30 triệu dân. Các dẫn chứng trên chỉ là ba vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu đang được lặp lại trên khắp các lục địa thời gian gần đây.

“Nếu bạn nhìn thấy tôi, thì hãy khóc đi”

Ở châu Âu, 2/3 châu lục đang trong tình trạng báo động hoặc cảnh báo, làm giảm khả năng vận chuyển đường thủy, sản xuất điện và sản lượng một số loại cây trồng. Báo cáo tháng 8 của Đài quan sát hạn hán châu Âu (EDO), do Ủy ban châu Âu giám sát, cho biết 47% diện tích châu Âu đang trong tình trạng báo động, với độ ẩm đất bị thiếu hụt rõ ràng và 17% trong tình trạng cảnh báo, ảnh hưởng đến thảm thực vật. Có thể nói, đợt hạn hán lần này ở lục địa già được coi là tồi tệ nhất trong vòng 500 năm, được so sánh với đợt hạn hán vào năm 1540, khi châu Âu chứng kiến ​​một trận hạn hán kéo dài một năm khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng. Đợt khô hạn này xảy ra sau đợt nắng nóng kỷ lục khiến nhiệt độ ở nhiều quốc gia trên lục địa tăng lên mức cao lịch sử.

Hậu quả của biến đổi khí hậu đang ngày càng nghiêm trọng  Nguồn ITN
Hậu quả của biến đổi khí hậu đang ngày càng nghiêm trọng. Nguồn ITN

Theo báo cáo của EDO, “tình trạng hạn hán nghiêm trọng ảnh hưởng đến nhiều khu vực của châu Âu kể từ đầu năm nay đã tiếp tục mở rộng và trở nên tồi tệ hơn kể từ đầu tháng 8”, đồng thời cho biết thêm khu vực Tây Âu - Địa Trung Hải có thể sẽ trải qua thời tiết ấm và khô hơn so với điều kiện bình thường cho đến tháng 11. Phần lớn châu Âu phải đối mặt với nhiệt độ cao hàng tuần nay trong mùa hè này, khiến hạn hán trở nên ngày càng tồi tệ, gây cháy rừng, đặt ra các cảnh báo về sức khỏe, cũng như những lời kêu gọi hành động để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Các vụ hè đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng ở châu Âu, với sản lượng ngô, ngũ cốc năm 2022 thấp hơn 16% so với mức trung bình của 5 năm trước đó và sản lượng đậu tương, hoa hướng dương giảm lần lượt là 15% và 12%. Sản xuất thủy điện cũng bị ảnh hưởng, đồng thời tác động thêm đến các nhà sản xuất điện khác do thiếu nước cung cấp cho các hệ thống làm mát.  

Báo cáo cảnh báo, hầu hết các con sông ở châu Âu đều chứng kiến mực nước giảm, nhất là một số con sông lớn nhất châu lục như Rhine, Po, Loire, Danube… Mực nước thấp đồng thời cản trở hoạt động vận chuyển đường thủy, chẳng hạn như dọc sông Rhine. Ngoài sự gián đoạn rõ ràng trong các tuyến đường thủy châu Âu, các dòng sông khô cạn cũng ảnh hưởng đến lĩnh vực năng lượng, dẫn đến khủng hoảng năng lượng. Thực tế, châu Âu phụ thuộc vào các con sông của mình để vận chuyển hàng hóa như than đá đến các nhà máy điện một cách kinh tế. Với mực nước thấp xuống dưới một mét ở một số đoạn, các tàu lớn không thể di chuyển. Vì thế, báo cáo cho biết, năng lượng thủy điện đã giảm đáng kể 20%.

Mực nước rút xuống đã khiến nhiều cổ vật bị chìm sâu trước kia trồi lên, như các xác tàu đắm, di tích chiến tranh thế giới hay “đá đói” - vốn là những tảng đá được đặt trong suốt nhiều thế kỷ để đánh dấu mực nước trong các đợt hạn hán lịch sử - ghi những lời cảnh báo cho các thế hệ tương lai. Đợt hạn hán kéo dài khiến mức nước sông Elbe giảm kỷ lục, làm lộ thiên viên “đá đói” được tin là có từ thế kỷ XV ở CH Czech, trên hòn đá này có ghi dòng chữ “Nếu bạn nhìn thấy tôi, thì hãy khóc đi”- một cảnh báo rợn người về khí hậu cực đoan hiện nay.

EDO cho biết, lượng mưa vào giữa tháng 8 có thể làm dịu bớt tình hình, nhưng trong một số trường hợp, mưa kèm theo giông bão lại gây thêm thiệt hại.

Châu Á - châu Phi: hạn hán, lũ lụt song hành

Theo một nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Nature Climate Change gần đây, đến giữa thế kỷ này, toàn bộ Cao nguyên Tây Tạng, còn được gọi là “Tháp nước” của châu Á, sẽ mất đi một phần đáng kể trữ lượng nước của nó. Lưu vực Amu Darya - nơi cung cấp nước cho Trung Á và Afghanistan - cho thấy khả năng cung cấp nước bị suy giảm 19%. Lưu vực Indus - nơi cung cấp nước cho miền Bắc Ấn Độ và Pakistan - cho thấy khả năng cấp nước giảm 79%. Kết hợp tất cả với nhau, điều này ảnh hưởng đến 1/4 dân số thế giới.

Một nhóm nhà khoa học từ Đại học Penn State, Đại học Thanh Hoa và Đại học Texas ở Austin phát hiện ra rằng, biến đổi khí hậu trong những thập kỷ gần đây đã dẫn đến sự cạn kiệt nghiêm trọng trữ lượng nước trên cạn (TWS), bao gồm tất cả nước trên và dưới mặt đất ở một số khu vực nhất định của Cao nguyên Tây Tạng.

Đợt nắng nóng kéo dài, với nhiệt độ vượt qua 40 độ C, cũng làm cho ngành nông nghiệp Trung Quốc trở nên dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, hạn hán nghiêm trọng còn dẫn đến mực nước thấp và sản lượng thủy điện ở Trung Quốc sụt mạnh, gây ra tình trạng thiếu điện và buộc chính phủ phải phân phối điện ở một số tỉnh. Đất nước gấu trúc hiện trải qua đợt hạn hán và nắng nóng nghiêm trọng nhất kể từ khi các kỷ lục quốc gia được thiết lập vào năm 1961. Truyền thông Trung Quốc đưa tin, Bộ Tài nguyên nước cho biết, tính đến cuối tuần trước, hạn hán đã ảnh hưởng đến ít nhất 2,46 triệu người và khoảng 2,2 triệu ha đất nông nghiệp ở 9 tỉnh dọc lưu vực sông Dương Tử, bao gồm cả Tứ Xuyên và đô thị lân cận Trùng Khánh. Giữa tuần trước, đài quan sát quốc gia buộc phải ban hành cảnh báo màu cam - mức cao thứ hai trong hệ thống cảnh báo mã màu bốn cấp - về hạn hán trên nhiều địa phương.

Tại Pakistan, các quan chức cho biết lũ lụt năm nay có thể so sánh với năm 2010 - mức tồi tệ nhất được ghi nhận - khi hơn 2.000 người chết và gần 1/5 diện tích đất nước chìm trong nước. Cuối tuần trước, Văn phòng của Thủ tướng Shehbaz Sharif ra tuyên bố, 33 triệu người nước này đã bị “ảnh hưởng nặng nề” bởi lũ lụt, trong khi cơ quan thiên tai của Pakistan cho hay gần 220.000 ngôi nhà bị phá hủy và nửa triệu ngôi nhà bị thiệt hại nặng nề. Theo Cơ quan cảnh báo thiên tai tỉnh Sindh, hai triệu mẫu cây trồng bị xóa sổ chỉ riêng ở đây, nơi nhiều nông dân phải sống cảnh lần hồi. Đầu năm nay, phần lớn đất nước hứng chịu một đợt hạn hán và nắng nóng, với nhiệt độ lên tới 51 độ C ở Jacobabad, tỉnh Sindh. Trong một ví dụ về các tình huống cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra, thành phố hiện phải vật lộn với lũ lụt làm ngập nhà và cuốn trôi các con đường và cây cầu.

Hàn Quốc cũng vừa hứng chịu một trận mưa lớn nhất trong lịch sử 80 năm kéo dài mấy ngày, bắt đầu từ hôm 7.8, gây thiệt hại nặng cho thủ đô Seoul. Thực tế, nhiều khu vực của Seoul, thành phố cảng Incheon và tỉnh Gyeonggi hứng chịu những trận mưa lớn hơn 100 mm mỗi giờ. Lượng mưa mỗi giờ tại quận Dongjak của Seoul thậm chí có thời điểm đã vượt qua 141,5mm, trở thành trận mưa lớn nhất kể từ năm 1942.

Trong khi đó, tại lục địa đen, mùa mưa ở phần lớn châu Phi cận Sahara là từ tháng 4 đến tháng 6. Tuy nhiên, lượng mưa ở đây không đủ trong khoảng thời gian đó và năm nay là năm thứ ba liên tiếp các khu vực Đông Phi và Sừng châu Phi không nhận đủ mưa. Mặc dù hạn hán là phổ biến ở khu vực này, nhưng chúng đang trở nên nghiêm trọng hơn. Ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy biến đổi khí hậu đã làm trầm trọng thêm ảnh hưởng của hạn hán. Theo Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), hạn hán và xung đột ở Burkina Faso, Chad, Mali, Niger và Nigeria đang làm gia tăng tình trạng mất an ninh nguồn nước, dẫn đến 40 triệu trẻ em phải đối mặt với tình trạng dễ bị tổn thương do giá nước ở mức cao đến cực kỳ cao.

Năm 2020, một cơ quan của LHQ dự đoán, nhiệt độ toàn cầu hàng năm sẽ ấm hơn ít nhất 1 độ C (1,8 độ F) so với mức tiền công nghiệp trong mỗi 5 năm tới. Một nghiên cứu khác, được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Washington và Đại học Harvard, nhận định các đợt nắng nóng nguy hiểm sẽ ít nhất tăng gấp ba lần trên toàn thế giới vào năm 2100. Vì vậy, những kịch bản thời tiết cực đoan đang được lặp lại ở nhiều quốc gia khác trên toàn thế giới cho thấy việc không thể đoán trước được những thay đổi của các mô hình thời tiết.

Ngọc Minh