4 chức năng và quyền hạn chính của Quốc hội
Quốc hội Trung Quốc tiến hành các phiên họp thường niên vào mỗi mùa Xuân, thường kéo dài từ 10 đến 14 ngày tại Đại lễ đường Nhân dân, phía Tây Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh. Các phiên họp Quốc hội thường diễn ra cùng với các cuộc họp của Ủy ban toàn quốc Hội nghị Hiệp thương chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC - Chính Hiệp), cơ quan tư vấn có các thành viên đại diện cho nhiều nhóm xã hội khác nhau. Hai cuộc họp của Quốc hội và CPPCC tuy được tổ chức riêng biệt nhưng cùng thời điểm nên được gọi là Lưỡng Hội. Đây là sự kiện thu hút sự chú ý từ trong và ngoài nước vì đây là dịp Trung Quốc sẽ công bố nhiều chính sách quan trọng. Các cuộc họp thường niên của Quốc hội là dịp để xem xét, đánh giá những chính sách đã ban hành, triển khai; đồng thời thảo luận những kế hoạch sắp tới cho quốc gia.

Theo Hiến pháp Trung Quốc, Quốc hội được cấu trúc là cơ quan lập pháp đơn viện, có quyền lực nhà nước cao nhất, với 4 chức năng và quyền hạn chính:
1. Sửa đổi Hiến pháp và giám sát việc thi hành Hiến pháp: Chỉ Quốc hội mới có quyền sửa đổi Hiến pháp. Những sửa đổi Hiến pháp phải được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề xuất hoặc 1/5 đại biểu trở lên đề xuất. Các sửa đổi muốn có hiệu lực, phải được đa số phiếu 2/3 đại biểu thông qua.
2. Ban hành và sửa đổi luật cơ bản về tội phạm hình sự, dân sự, các cơ quan nhà nước và các vấn đề khác.
3. Bầu và bổ nhiệm các thành viên của các cơ quan nhà nước ở cấp Trung ương: Quốc hội bầu Ủy viên trưởng UBTVQH (tức Chủ tịch Quốc hội), các Phó Ủy viên trưởng UBTVQH (tức Phó Chủ tịch Quốc hội), Tổng Thư ký UBTVQH và các Ủy viên khác của UBTVQH.
Quốc hội cũng chịu trách nhiệm bầu Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch nước; bổ nhiệm Thủ tướng và nhiều chức vụ cốt yếu khác cho các cơ quan nhà nước ở Trung ương. Đồng thời, Quốc hội cũng có quyền bãi nhiệm các chức vụ nói trên.
4. Quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước: Bao gồm việc kiểm tra và phê duyệt báo cáo về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và việc thực hiện, báo cáo và ngân sách Trung ương... Việc thành lập các đặc khu hành chính hay các dự án lớn như Dự án đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử đều do Quốc hội quyết định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội - cơ quan thực quyền
Do các phiên họp toàn thể chỉ diễn ra khá ngắn trong năm, phần lớn quyền lực của Quốc hội được giao cho UBTVQH.
UBTVQH là cơ quan thường trực quyền lực cao nhất của Quốc hội. UBTVQH Khóa XIV hiện nay gồm 175 thành viên, do các đại biểu Quốc hội bầu ra, bao Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Tổng Thư ký UBTVQH và các ủy viên, thường là các đại biểu chuyên trách (nghĩa là các đại biểu không được phép kiêm nhiệm các vị trí tại các cơ quan nhà nước khác như hành pháp, tư pháp công tố hoặc giám sát).
Nếu Quốc hội Trung Quốc chỉ nhóm họp mỗi năm một lần, thì UBTVQH lại tiến hành họp thường xuyên, thường là 2 tháng 1 lần, mỗi lần kéo dài khoảng 1 tuần; hoặc có thể tổ chức các cuộc họp lâm thời khi cần thiết. Các cuộc họp của Ủy ban đều do Chủ tịch Ủy ban triệu tập và chủ trì.
UBTVQH Trung Quốc có 21 quyền hạn và chức năng, có thể khái quát theo 4 khía cạnh lớn, bao gồm quyền lập pháp, giám sát, quyền quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia, quyền bổ nhiệm và bãi nhiệm nhân sự. Với quyền lực này, UBTVQH chính là cơ quan nắm thực quyền.
Quyền lập pháp: UBTVQH Trung Quốc có quyền tương đối về lập pháp. Cụ thể, là quyền chế định trình tự, bổ sung sửa đổi, giải thích và bãi bỏ luật pháp. Trong thể chế Trung Quốc, Quốc hội và UBTVQH là cơ quan đại diện quốc gia thực thi quyền lập pháp cao nhất. Tuy nhiên, quyền lập pháp của UBTVQH Trung Quốc cũng có một số giới hạn nhất định.
Quyền giám sát: bao gồm hai nội dung là giám sát luật pháp và giám sát công tác, trong đó giám sát công tác là nội dung mà Ủy ban đảm nhiệm nhiều hơn. UBTVQH thực thi quyền giám sát mục đích là để bảo đảm cho Hiến pháp và luật pháp được thực thi chính xác, bảo đảm quyền hành chính, quyền thẩm phán, quyền kiểm sát được thực thi chính xác.
Quyền quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia: trong giai đoạn Quốc hội không họp, UBTVQH chịu trách nhiệm thẩm tra và phê chuẩn phương án điều chỉnh kế hoạch phát triển xã hội và kinh tế quốc dân, dự toán quốc gia trong quá trình chấp hành, phê chuẩn hay phế bỏ các hiệp định quan trọng và quyết định ký kết các hiệp định với nước ngoài, quyết định chế độ cấp hàm của nhân viên ngoại giao và quân sự cũng như các chế độ khác, quy định và quyết định các danh hiệu vinh dự, huy chương của quốc gia, quyết định đặc xá trong thời kỳ bế mạc đại hội, quyết định tuyên bố trạng thái chiến tranh, tình trạng khẩn cấp ở các tỉnh thành, khu tự trị, hạt, thành phố trên toàn quốc.
Quyền bổ nhiệm, bãi nhiệm nhân sự: Trong thời gian Quốc hội không họp, UBTVQH có thể dựa trên đề cử của Thủ tướng, bổ nhiệm Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban, Tổng Thư ký, Viện trưởng Viện Kiểm sát. Theo đề cử của Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương, UBTVQH quyết định tuyển chọn các vị trí nhân sự khác của Ủy ban Quân sự Trung ương. UBTVQH bổ nhiệm ủy viên của các Ủy ban chuyên môn khác và Ủy viên các bộ phận khác. Theo đệ trình của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, UBTVQH cũng có quyền bãi nhiệm và bổ nhiệm Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, thẩm phán, Hội đồng thẩm phán và Chánh án Tòa án quân sự. Theo đệ trình của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, UBTVQH có quyền bổ nhiệm và bãi nhiệm Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, kiểm sát viên, Hội đồng Kiểm sát và Viện trưởng Viện Kiểm sát quân sự, phê chuẩn quyết định bổ nhiệm và bãi nhiệm Viện trưởng Viện Kiểm sát thành phố trực thuộc hạt, khu tự trị, tỉnh...
Trong thời quan Quốc hội không họp, UBTVQH Trung Quốc còn có quyền tiếp nhận đơn từ chức của lãnh đạo các cơ quan nhà nước như Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng và Phó Thủ tướng, ủy viên Quốc vụ viện, Chủ tịch Ủy ban quân sự Trung ương, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Sau đó, UBTVQH có nhiệm vụ đệ trình cho Quốc hội xác nhận.