Chuyến thăm bất thường của Thủ tướng Nhật Bản đến Ấn Độ

- Chủ Nhật, 19/03/2023, 10:45 - Chia sẻ

Thủ tướng Nhật Bản Kishida sẽ thăm Ấn Độ trong hai ngày 20-21.3, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh song phương mà Ấn Độ và Nhật Bản đã tham gia từ năm 2006. Nếu như vậy thì không có gì bất thường, nhưng điểm đáng lưu ý nằm ở chỗ: theo nghi thức các chuyến thăm song phương, đáng lẽ lần này là đến lượt Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm Nhật Bản. Một số nhà quan sát đặt câu hỏi, phải chăng Thủ tướng Nhật Bản đang tìm cách bù đắp cho sự vắng mặt của Ngoại trưởng Nhật Bản tại Hội nghị Ngoại trưởng G20 vừa diễn ra ở Ấn Độ, hay chuyến đi còn nhiều ý nghĩa hơn thế nữa?

Cử chỉ xoa dịu

Với chuyến thăm Ấn Độ vào tháng 3 năm ngoái, Thủ tướng Nhật Bản Kishida đã làm sống lại cuộc gặp song phương trực tiếp. Sau đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đến thăm Nhật Bản hai lần – để dự Hội nghị Thượng đỉnh Bộ Tứ (Quad) và dự tang lễ của cố Thủ tướng Abe Shinzo. Trong khuôn khổ đó, ông cũng có các cuộc gặp ngắn với người đồng cấp Kishida, củng cố tầm quan trọng của quan hệ Ấn Độ-Nhật Bản. Tuy nhiên, lần này, khi đến lượt ông Modi đến thăm Nhật Bản để dự Hội nghị Thượng đỉnh song phương, thì ông Kishida lại đến Ấn Độ. Điều này đã dẫn đến một số suy đoán.

Chuyến thăm bất ngờ của ông Kishida được nhiều nhà phân tích coi là sự bù đắp cho sự vắng mặt của Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 do Ấn Độ đăng cai vào đầu tháng 3. Thay vì đích thân ông Hayashi Yoshimasa tham dự, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yamada Kenji đã được cử làm đại diện cho ông. Mặc dù sự vắng mặt của ông Hayashi được giải thích là xuất phát từ yêu cầu truyền thống của Quốc hội Nhật Bản đối với các thành viên Nội các phải xuất hiện trước Ủy ban Ngân sách của Quốc hội vào đúng thời điểm đó, nhưng người ta chỉ ra rằng ông Hayashi Yoshimasa chỉ phát biểu đúng 53 giây trước cơ quan lập pháp về tâm trạng cô đơn của kiều dân Nhật Bản ở nước ngoài, một chủ đề hoàn toàn không quá quan trọng như cuộc họp của G20.

Nhật Bản từng là một trong số nước có lập trường khá gay gắt liên quan đến chiến sự ở Ukraine. Do vậy, việc Ngoại trưởng Nhật Bản bỏ lỡ cơ hội sử dụng diễn đàn của Ngoại trưởng G20 lần này đi ngược lại kỳ vọng của nhiều nước. Hội nghị hồi đầu tháng 3 chứng kiến sự có mặt của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương, Ngoại trưởng Australia Penny Wong, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Anh James Cleverly và Cao ủy Đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell, tạo nên một sự kiện hiếm có. Tiếp đó, sự vắng mặt của Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Hayashi càng trở nên rõ nét hơn khi ông cũng không thể tham dự cuộc họp 4 bên của nhóm Bộ Tứ và Đối thoại Raisina vào ngày hôm sau.

Bản thân từng là bộ trưởng ngoại giao, Thủ tướng Kishida nhận thức rõ tầm quan trọng của việc có mặt tại một một hội nghị như vậy. Có thể suy đoán rằng, do Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc các ngân hàng trung ương của G20 hồi tháng 2 đã không thể ra một tuyên bố chung, nên kỳ vọng về bất kỳ sự đột phá nào tại Hội nghị Ngoại trưởng ngày 2.3 thấp đến mức Nhật Bản đã không cử Hayashi tham dự.

Nhưng dù lý do là gì, vào thời điểm Nhật Bản đang nâng cao ý nghĩa địa chính trị và vị thế của mình, sự vắng mặt của Bộ trưởng Ngoại giao nước này đã gửi đi thông điệp rằng Quad quan trọng đối với Nhật Bản hơn G20.

Nghị sự của G20 và G7

Trong khi chuyến công du chớp nhoáng của Kishida tới Ấn Độ có thể được hiểu là một chuyến công du xoa dịu cho việc Ngoại trưởng Hayashi vắng mặt tại cuộc họp các Bộ trưởng Ngoại giao G20, cũng có nhiều vấn đề quan trọng khác là mục đích của chuyến thăm lần này. Và cuộc gặp trực tiếp sẽ giúp vạch ra một quá trình hành động hiệu quả.

Năm nay có ý nghĩa quan trọng với cả hai nước khi Ấn Độ giữ ghế chủ tịch G20 và Nhật Bản giữ ghế chủ tịch G7. Chắc chắn hai nhà lãnh đạo sẽ sử dụng cuộc gặp trực tiếp này để tham vấn về chương trình nghị sự của hai diễn đàn này. “Pháp quyền” là chương trình nghị sự quan trọng nhất mà Nhật Bản đang đề cao trong G7, vốn nhắm vào sự kiện ở Ukraine. Đây cũng chính là vấn đề chủ yếu cản trở sự đồng thuận trong G20. Do đó, trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Kishida và Thủ tướng Modi lần này, Nhật Bản sẽ có một số ràng buộc phải giúp Ấn Độ định hướng vai trò lãnh đạo của mình và đảm bảo rằng vấn đề cuộc chiến ở Ukraine không làm chệch hướng chương trình nghị sự của Ấn Độ tại G20.

Hơn nữa, những phát triển tích cực gần đây trong quan hệ giữa Australia và Ấn Độ, bao gồm việc ký kết quan hệ đối tác kinh tế toàn diện, thành lập các nhóm làm việc và các chuyến thăm thường xuyên của các quan chức, bao gồm cả Thủ tướng Anthony Albanese trong năm nay, khiến Nhật Bản muốn tìm hiểu tầm nhìn của Ấn Độ về quỹ đạo của nước này trong mối quan hệ đó. Vì 3 quốc gia này đã chiếm tới 3/4 của nhóm Quad, nên hợp tác song phương mạnh mẽ ở tất cả các cạnh của tứ giác sẽ làm sâu sắc thêm mối quan hệ, tạo điều kiện thuận lợi cho chương trình nghị sự chiến lược.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trước Hội nghị Thượng đỉnh tại Ấn Độ hồi tháng 3.2022 - India  Express
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trước Hội nghị Thượng đỉnh tại Ấn Độ hồi tháng 3.2022. Nguồn: India Express

Những vấn đề song phương khác

Ngoài ra, hai vấn đề quan trọng khác cần tham vấn sẽ là nền kinh tế kỹ thuật số và các mối quan tâm về chuỗi cung ứng. Hai lĩnh vực này có mặt trong cả chương trình nghị sự song phương và trong khuôn khổ nhóm Quad. Về nền kinh tế kỹ thuật số, cuộc thảo luận phải nhìn xa hơn vấn đề song phương để bao gồm việc tích cực theo đuổi hợp tác ở một quốc gia thứ ba. Về chuỗi cung ứng, Ấn Độ sẽ thúc đẩy sự dịch chuyển không đáng kể của các công ty Nhật Bản sang Ấn Độ. Ngoài ra, chương trình nghị sự sẽ còn quan tâm đến Sáng kiến chuỗi cung ứng linh hoạt của Bộ Tứ, trong đó Ấn Độ, Nhật Bản và Australia sẽ xem xét các chuỗi cung ứng thay thế để chống lại nguy cơ “vũ khí hóa thương mại”.

Nhật Bản cũng đang có kế hoạch hội nhập Đông Bắc Ấn Độ với phần còn lại của Đông Nam Á theo kế hoạch lớn hơn là “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Cởi mở”. Cho đến nay, điều này đã được thể hiện thông qua chương trình Hỗ trợ Phát triển của Nhật Bản trong phát triển cơ sở hạ tầng. Sự kết nối vượt ra ngoài vùng Đông Bắc Ấn Độ và bao gồm cả Bhutan, Nepal và Bangladesh. Hợp tác trên mặt trận này dự kiến sẽ được xem xét, tập trung vào việc khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân Nhật Bản đưa ra cam kết thực chất hơn đối với khu vực này.

Hơn nữa, với sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Thủ tướng Kishida sẽ vạch ra chương trình nghị sự mới của Nhật Bản về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Cởi mở, dự kiến sẽ mở rộng ra ngoài lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng. Là một phần trong cuộc trò chuyện của họ, vấn đề biến đổi khí hậu, Mục tiêu Phát triển Bền vững, quá trình chuyển đổi năng lượng và y tế cũng sẽ được cân nhắc và mong đợi cam kết vì những lĩnh vực này nằm trong chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo G20 của Ấn Độ.

Ấn Độ và Nhật Bản vừa kỷ niệm 70 năm quan hệ hữu nghị vào năm 2022. Nhìn lại quá trình phát triển mối quan hệ này từ “Đối tác Toàn cầu” thành “Đối tác Chiến lược Đặc biệt và Toàn cầu”, có thể thấy những khoảng trống trong quan hệ đối tác kinh tế và kết nối con người giữa hai nước. Trong khi quan hệ đối tác kinh tế là trụ cột hình thành mối quan hệ này, hai nhà lãnh đạo chắc chắn sẽ chỉ đạo các nhà hoạch định chính sách của cả hai quốc gia suy nghĩ về cách tăng cường trụ cột này hơn nữa. Đồng thời, các mối liên kết giữa văn hóa được thúc đẩy rầm rộ trước đó đã không chuyển thành các kết nối mạnh mẽ giữa người dân và người dân. Điều đó có nghĩa là hai thủ tướng sẽ phải thảo luận nhiều kế hoạch khác nhau để tạo điều kiện trao đổi con người mạnh mẽ hơn nữa, cụ thể là du học sinh, lực lượng lao động và nghệ sĩ, cùng với sự nhấn mạnh hơn vào du lịch.

Do đó, chuyến đi của Kishida tới Ấn Độ không chỉ giới hạn ở việc sửa đổi một sai lầm ngoại giao. Thay vào đó, với thực tế là khả năng đạt được một tuyên bố chung tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 sắp tới rất khó xảy ra, một cuộc thảo luận chi tiết giữa Nhật Bản và Ấn Độ với tư cách là các nhà lãnh đạo của G20 và G7 chắc chắn là điều cần thiết. Cùng với đó, các động lực khu vực và chương trình nghị sự song phương cũng sẽ được cân nhắc thích đáng.

Quốc Đạt
Theo The Diplomate

#