Cần có chiến lược chuyển đổi số
Để có thể thúc đẩy tiến trình đổi mới tư duy và hành động của Nghị viện, mỗi cơ quan lập pháp cần có một chiến lược chuyển đổi số. Lập kế hoạch chiến lược là khâu rất quan trọng để quản lý sự thay đổi phức tạp này. Các nghị viện cần thành lập các ủy ban chiến lược và ban chỉ đạo cấp cao để bảo đảm thành công. Công nghệ thông tin đang trở thành “quy phạm” và sẽ không còn là một lĩnh vực độc lập. Sự phát triển của khoa học công nghệ cũng đòi hỏi sự tích hợp sâu hơn nữa của công nghệ vào kiến trúc tổ chức của nghị viện cũng như cách vận hành cơ quan này trong tương lai. Vì vậy, các nghị viện phải có các kế hoạch chiến lược để có thể phản ứng nhanh, liên tục và thích ứng với môi trường luôn thay đổi.
Chuyển đổi số giúp công chúng “đồng sáng tạo”, “đồng đánh giá”
Các nghị viện đang ngày càng thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ đối với sự cởi mở và minh bạch. Sự cởi mở của nghị viện thông qua những tương tác trên nền tảng số sẽ khuyến khích người dân tham gia nhiều hơn vào quá trình ra quyết định. Điều này ngược lại sẽ càng thúc đẩy tính “mở” của nghị viện.
Khi chuyển đổi số được đưa vào các hoạt động của nghị viện, đây sẽ không còn là một lĩnh vực độc lập mà sẽ trở thành một phần của hệ sinh thái nghị viện. Công chúng, thông qua nền tảng số sẽ “đồng sáng tạo” và “đồng đánh giá” các dự luật. Đây là một hướng đi khả thi trong tương lai mà các nghị viện trên thế giới đã bắt đầu thúc đẩy. Ngay cả khi quyền biểu quyết cuối cùng đối với các dự luật vẫn thuộc về các đại biểu dân cử với tư cách là những người bảo vệ lợi ích chung, nhưng sự đóng góp tích cực từ công chúng sẽ giúp các dự luật đi đúng hướng, phản ánh được hơi thở cuộc sống và sẽ trở nên dễ thực thi hơn. Công nghệ và chuyển đổi số đang được một số nghị viện áp dụng để điều chỉnh các thủ tục hiện có và tạo ra những thủ tục mới cho thế kỷ XXI.