Thanh tra Quốc hội Thụy Điển

Chế độ chuyên viên giám sát sớm nhất thế giới

- Chủ Nhật, 18/09/2022, 06:33 - Chia sẻ

Năm 1809, Quốc hội Thụy Điển phế truất chế độ quân chủ chuyên chế, thông qua Luật Công cụ của Chính phủ (Regeringsform) làm cơ sở cho việc phân quyền giữa Quốc vương và Quốc hội. Luật đã đưa ra quy định về mô hình chuyên viên giám sát, với việc thành lập Thanh tra Quốc hội, đưa Thụy Điển trở thành nước đầu tiên xác lập mô hình này trên thế giới.

Nguồn: ITN

Căn cứ quy định của văn bản này, Quốc hội có quyền lựa chọn trong số những nhân sĩ có hiểu biết pháp luật và phẩm chất chính trực, liêm khiết để bổ nhiệm một nhân viên “Giám sát nội chính”, đại diện cho Quốc hội giám sát “thẩm phán và quan chức Chính phủ có tuân thủ pháp luật hay không; đồng thời căn cứ quy định của pháp luật, tiến hành truy tố đối với những người sử dụng bạo lực trong quá trình thực hiện chức trách, nhất là người tư lợi hoặc do một nguyên nhân khác mà vi phạm pháp luật hoặc không thực hiện chức trách liên quan đến chức vụ của cá nhân”.

Cơ cấu tổ chức

Thanh tra Quốc hội do Quốc hội bầu ra với nhiệm kỳ 4 năm và có thể được bầu lại liên tiếp. Mặc dù không có quy định chính thức rằng thành viên Thanh tra Quốc hội phải là một luật gia nhưng trên thực tế, các Thanh tra Quốc hội là những người đã được đào tạo bài bản về pháp luật. Trước những năm 1940, luật pháp Thụy Điển quy định chỉ có đàn ông mới có thể được bầu làm Thanh tra Quốc hội. Tuy nhiên, cho đến năm 1941, quy định này chính thức được bãi bỏ và phụ nữ có thể trở thành Thanh tra Quốc hội. Hiện nay, Văn phòng Thanh tra Quốc hội của Thụy Điển có bốn người, hai Thanh tra viên là nam và hai Thanh tra viên là nữ. Mỗi Thanh tra viên phụ trách riêng từng mảng lĩnh vực của mình và một trong bốn Thanh tra viên sẽ có một người giữ chức vụ Trưởng Thanh tra. Trưởng Thanh tra chịu trách nhiệm quản lý, đưa ra quyết định và phân bố các lĩnh vực hoạt động cho các Thanh tra viên khác. Tuy vậy, Trưởng Thanh tra cũng không thể can thiệp vào hoạt động trong lĩnh vực cụ thể của một Thanh tra viên khác. Thêm vào đó, mỗi Thanh tra viên hoạt động tương đối độc lập và chịu trách nhiệm cá nhân trực tiếp trước Quốc hội về hành vi của mình. Mỗi năm, các Thanh tra viên sẽ phải đệ trình báo cáo thường niên lên Quốc hội cũng như Ủy ban Thường trực về Hiến pháp. Sau đó, các Thanh tra viên cũng có thể phải đưa ra những báo cáo bằng văn bản riêng của mình nếu như Quốc hội có yêu cầu trong từng trường hợp cụ thể.

Đối tượng giám sát

Đối tượng giám sát của Thanh tra Quốc hội bao gồm nhân viên của hệ thống cơ quan quyền lực từ Trung ương đến địa phương; đồng thời, bao gồm tất cả cơ quan và nhân viên thực thi quyền lực công khác. Tuy nhiên, tổ chức này không có quyền tài phán đối các thành viên Riksdag, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng nội các và người đứng đầu chính quyền địa phương... Báo chí, đài phát thanh và truyền hình, công đoàn, ngân hàng, công ty bảo hiểm, bác sĩ hành nghề tư nhân, luật sư và cộng sự cũng thuộc phạm vi của thanh tra. Các cơ quan giám sát chịu trách nhiệm giám sát các đối tượng này, chẳng hạn như Hội đồng Báo chí Thụy Điển , Cơ quan Giám sát Tài chính, Ủy ban Y tế và Phúc lợi Quốc gia và Hiệp hội Luật sư Thụy Điển.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Quốc hội

Thứ nhất, Thanh tra Quốc hội Thụy Điển tiếp nhận và giải quyết các đơn thư khiếu nại, phàn nàn về những vấn đề, những quyết định không công bằng của các cơ quan công quyền từ trung ương đến địa phương. Bất cứ cá nhân công dân nào cảm thấy rằng mình bị xử lý sai hay bị đối xử bất bình đẳng đều có thể đệ trình đơn khiếu nại tới Thanh tra Quốc hội (Complaint Letter - Thư phàn nàn). Điểm thú vị là bất cứ ai cũng có quyền khiếu nại tới Thanh tra Quốc hội mà không nhất thiết phải là công dân của Thụy Điển. Đây là một quy định rất tiến bộ và hiệu quả, góp phần ngăn chặn và xử lý triệt để tất cả những sai sót, vi phạm phát sinh trên thực tế. Bên cạnh việc tiếp nhận thụ động các đơn thư khiếu nại, Thanh tra Quốc hội cũng có thể chủ động khởi xướng một thủ tục điều tra khi thấy có vấn đề phát sinh.

Thứ hai, Thanh tra Quốc hội có quyền khởi tố những vụ án vi phạm thủ tục truy cứu trách nhiệm đối với các quan chức về một tội không nghiêm trọng. Tuy nhiên, các kết luận, ý kiến tư vấn của Thanh tra Quốc hội không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý mà chỉ có tính khuyến nghị. Thanh tra Quốc hội còn có quyền lập báo cáo về hành vi hay quyết định của các cơ quan công quyền không phù hợp hoặc trái với pháp luật hiện hành. Thanh tra Quốc hội cũng có thể đề xuất ý kiến tư vấn nhằm bảo đảm sự áp dụng thống nhất và đúng đắn các quy định của pháp luật; đề nghị thay đổi quy chế hoạt động của Chính phủ hoặc Quốc hội... Có thể thấy, mặc dù quyền hạn của Thanh tra Quốc hội tương đối rộng, tuy nhiên, đa phần những kết luận, ý kiến của Thanh tra Quốc hội chỉ mang tính tham vấn và khuyến nghị. Điều này không có ý nghĩa rằng, những kết luận của Thanh tra Quốc hội không đưa lại giá trị gì trên thực tế. Bởi lẽ chính những ý kiến, kết luận của Thanh tra Quốc hội sẽ đóng vai trò và là cơ sở vô cùng quan trọng cho Quốc hội cũng như các cơ quan có thẩm quyền khác tiến hành những thủ tục tố tụng tiếp theo về sau.

Thực tiễn hoạt động

Thanh tra Quốc hội Thụy Điển luôn phát huy được vai trò của mình, đã góp phần không nhỏ trong cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân. Trung bình mỗi năm, Thanh tra Quốc hội tiếp nhận lượng vụ việc lớn, với khoảng trên 5.500 khiếu nại khác nhau trên nhiều lĩnh vực.

Kể từ năm 2011, Thanh tra Quốc hội có thêm một đơn vị đặc biệt trực thuộc với tên gọi là đơn vị OPCAT với nhiệm vụ giám sát để bảo đảm cho các đối tượng là cá nhân đang bị tước đoạt quyền tự do thân thể không bị đối mặt với các hình phạt dã man, tra tấn hay các biện pháp trừng phạt phi nhân đạo khác.

Đạt Quốc