Từ lâu, New Zealand luôn tự hào là một quốc gia có xếp hạng cao về tính liêm chính và trong sạch trong khu vực công. Tuy nhiên, gần đây quốc gia này chứng kiến sự sụt giảm trong bảng xếp hạng Chỉ số nhận thức tham nhũng. Điều này làm dấy lên lo ngại về ảnh hưởng của các cá nhân giàu có và các tập đoàn lớn đối với quá trình ra quyết định chính trị.
Mới đây, Quỹ Helen Clark - một nhóm nghiên cứu chính sách công do cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark đã công bố Báo cáo “Soi sáng”, trong đó chỉ rằng, việc chủ động tăng cường hiệu quả chống tham nhũng, tiêu cực trong chính trị là một nhu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết. Báo cáo cũng đề xuất một danh sách gồm 26 khuyến nghị chính sách nhằm khôi phục lòng tin của công chúng vào tính liêm chính của khu vực công.
Quy định chặt hơn về vận động hành lang
Vận động hành lang trở thành mối quan tâm đáng kể trong bối cảnh chính trị của New Zealand, nơi mối quan hệ “thân mật” giữa những tập đoàn lớn và các quan chức nhà nước đôi khi có thể dẫn đến xung đột lợi ích. Báo cáo “Soi sáng” cho rằng, vận động hành lang cần được công khai, minh bạch hơn nữa; đồng thời và đề xuất một số biện pháp để quản lý các hoạt động này hiệu quả hơn.
Một trong những khuyến nghị chính là thiết lập sổ đăng ký công khai ghi lại mọi tương tác giữa đối tượng vận động hành lang và quan chức nhà nước có liên quan. Sổ đăng ký này sẽ ghi lại chi tiết các nội dung như ngày họp, chủ đề được thảo luận và danh tính của người vận động hành lang lẫn quan chức liên quan. Việc công khai những thông tin cụ thể sẽ giúp làm sáng tỏ quá trình vận động hành lang, đồng thời giúp công chúng hiểu rõ hơn về cách các quyết định chính sách bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, báo cáo đề xuất, các cựu quan chức chính phủ phải tạm dừng hoạt động 3 năm trước khi tham gia vào các hoạt động vận động hành lang liên quan đến các lĩnh vực trước đây họ phụ trách. Khoảng thời gian “hạ nhiệt” trên giúp ngăn chặn nguy cơ các cựu quan chức có thể tận dụng thông tin mật và các mối quan hệ nội bộ để có được ảnh hưởng không chính đáng đối với các quyết định chính sách, từ đó giảm thiểu rủi ro tham nhũng và thúc đẩy sân chơi bình đẳng hơn trong chính trường.
Minh bạch hóa hoạt động quyên góp chính trị
Các khoản quyên góp cho chính trị ở New Zealand từ lâu đã là vấn đề gây tranh cãi, với lo ngại rằng các cá nhân giàu có và tập đoàn lớn có thể sử dụng nguồn tài chính của họ để gây ảnh hưởng đối với các đảng phái chính trị và quan chức được bầu. Theo Báo cáo “Soi sáng”, nếu không quy định chặt chẽ hơn, các quyết định chính trị sẽ chỉ nhằm phục vụ lợi ích của những người có ảnh hưởng thay vì lợi ích chung của người dân.
Vì vậy, báo cáo khuyến nghị giới hạn các khoản quyên góp cho các đảng phái chính trị ở mức 30.000 NZD cho mỗi chu kỳ bầu cử. Giới hạn được thiết kế để giảm bớt ảnh hưởng của các nhà tài trợ lớn đối với các đảng phái chính trị. Điều này sẽ thiết lập hệ thống công bằng hơn, trong đó sự ủng hộ chính trị dựa trên các ý tưởng và chính sách thay vì đóng góp tài chính.
Ngoài ra, báo cáo cũng ủng hộ việc hạ thấp ngưỡng phải công khai đối với các khoản đóng góp chính trị. Hiện tại, do ngưỡng yêu cầu công khai vẫn tương đối cao nên các nhà tài trợ có thể đóng góp số tiền đáng kể cho các đảng phái mà không cần công khai danh tính. Điều này dẫn đến nguy cơ một số nhân vật có thể đứng đằng sau để gây ảnh hưởng về chính sách. Với đề xuất hạ thấp ngưỡng đóng góp phải công khai danh tính, báo cáo tìm cách tăng tính minh bạch, bảo đảm cho công chúng biết ai đang tài trợ cho các chiến dịch chính trị. Động thái này cũng sẽ ngăn chặn nguy cơ lách giới hạn đóng góp bằng cách một cá nhân có thể chia nhỏ các khoản đóng góp nhưng vẫn từ một nguồn tài trợ.
Báo cáo cũng yêu cầu các đảng phái chính trị phải báo cáo các khoản đóng góp thường xuyên hơn, thay vì chỉ báo cáo hàng năm hoặc vào cuối chu kỳ bầu cử. Việc công khai thường xuyên sẽ giúp công chúng có cái nhìn rõ ràng hơn về cách các chiến dịch chính trị được tài trợ khi chúng diễn ra.
Cải cách Luật Thông tin chính thức năm 1982
Luật Thông tin chính thức năm 1982 là nền tảng cho cam kết của New Zealand về Chính phủ minh bạch, cung cấp cho công chúng quyền tiếp cận thông tin do các cơ quan chính phủ nắm giữ. Tuy nhiên, báo cáo nêu bật một số khía cạnh mà Luật có thể được sửa đổi, điều chỉnh để phục vụ tốt hơn cho mục đích của mình.
Một trong những tồn tại mà báo cáo chỉ ra trong quá trình áp dụng luật là tính không nhất quán trong cách các cơ quan chính phủ khác nhau phản hồi các yêu cầu của luật. Một số cơ quan thường xuyên trì hoãn yêu cầu công khai thông tin với lý do bảo mật. Để giải quyết vấn đề đó, báo cáo khuyến nghị áp dụng các cải cách do Ủy ban Luật pháp đề xuất, bao gồm cung cấp hướng dẫn rõ ràng hơn cho các cơ quan chính phủ về cách xử lý các yêu cầu của luật. Điều này sẽ liên quan đến việc chuẩn hóa thời gian phản hồi, bảo đảm các yêu cầu được xử lý hiệu quả và giảm khả năng từ chối dựa trên các miễn trừ chung chung hoặc mơ hồ.
Bên cạnh đó, một khuyến nghị quan trọng khác đề xuất đưa ra các điều khoản phạt đối với hành vi vi phạm luật, thúc đẩy động lực tuân thủ mạnh hơn từ các cơ quan chính phủ.
Ngăn chặn hối lộ trong hoạt động kinh doanh quốc tế
Trong bối cảnh các công ty New Zealand tham gia vào các hoạt động kinh doanh quốc tế, nguy cơ tham nhũng, hối lộ từ khu vực này cũng trở nên rõ ràng hơn. Để giải quyết rủi ro trên, báo cáo “Soi sáng” đề xuất hành vi "không ngăn chặn hối lộ" cũng sẽ bị hình sự hóa, nhắm vào các doanh nghiệp New Zealand tham gia vào hoạt động kinh doanh quốc tế.
Tội danh này sẽ đặt ra nghĩa vụ pháp lý, buộc doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp chống hối lộ hiệu quả, chẳng hạn như kiểm soát nội bộ chặt chẽ, kiểm toán thường xuyên hay tổ chức các chương trình đào tạo nhân viên. Doanh nghiệp nào không thực hiện các bước đầy đủ để ngăn chặn hối lộ có thể phải đối mặt với hình phạt đáng kể, ngay cả khi hành vi hối lộ xảy ra bên ngoài New Zealand. Đất nước kiwi muốn ngăn chặn hành vi tham nhũng bằng cách yêu cầu doanh nghiệp của mình duy trì tiêu chuẩn đạo đức cao, bất kể hoạt động ở đâu.
Ngoài nỗ lực chống hối lộ, tầm quan trọng của tính minh bạch trong doanh nghiệp cũng được nhấn mạnh, đặc biệt là liên quan đến quyền sở hữu. Báo cáo khuyến nghị, New Zealand nên yêu cầu bắt buộc công bố thông tin về quyền sở hữu đối với các doanh nghiệp trên một sổ đăng ký công khai, trong đó nêu chi tiết về những cá nhân sở hữu hoặc kiểm soát các công ty. Quy định này sẽ khiến những đối tượng tham nhũng không thể ẩn danh sau các công ty.