Lộ trình lớn nhất cho 70 năm tới
Các biện pháp trong Lộ trình Hạt Nhân dân sự có thể giúp Anh tăng gấp 4 lần sản lượng năng lượng hạt nhân vào năm 2050, lên 24GW (gigawatt), đủ để đáp ứng 25% nhu cầu điện năng của nước này. Đây là mức mở rộng nhất trong 70 năm qua và Chính phủ kỳ vọng Lộ trình có thể giúp "giảm hóa đơn tiền điện, hỗ trợ hàng nghìn việc làm và củng cố ninh năng lượng của Anh". Nó đặt ra một loạt mục tiêu và hành động có thể cho phép cung cấp 3GW đến 7GW điện sau mỗi 5 năm, kể từ năm 2030 đến năm 2044. Thực tế, sản lượng điện hạt nhân của Anh đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 40 năm vào năm 2023 sau khi 3 lò phản ứng đóng cửa trong hai năm trước đó và việc bảo trì theo luật định buộc 4 lò phản ứng phải đóng cửa tạm thời.
Kể từ khi chiến sự giữa Nga và Ukraine nổ ra, Chính phủ Anh đã tăng cường gấp đôi an ninh nguồn cung để bảo vệ đất nước khỏi biến động giá cả và các yếu tố bất lợi khác, đồng thời củng cố sự độc lập về năng lượng của mình. Do đó, Lộ trình Hạt Nhân dân sự được kỳ vọng sẽ mang lại định hướng tương lai chắc chắn cho chương trình hạt nhân đầy tham vọng của Vương quốc Anh.
Các kế hoạch mới bao gồm các bước tiếp theo để xây dựng nhà máy điện quy mô lớn như Sizewell C ở Suffolk hoặc Hinkley ở Somerset, có khả năng cung cấp năng lượng cho 6 triệu ngôi nhà. Chính phủ cũng sẽ đầu tư tới 300 triệu bảng Anh vào việc sản xuất nhiên liệu cần thiết để cung cấp năng lượng cho các lò phản ứng hạt nhân công nghệ cao mới, được gọi là HALEU, hiện chỉ được sản xuất thương mại ở Nga.
Là quốc gia đầu tiên ở châu Âu triển khai chương trình HALEU, Vương quốc Anh sẽ dẫn đầu từ trung tâm sản xuất Tây Bắc của mình để cung cấp cho thế giới dạng nhiên liệu uranium này, với nhà máy đầu tiên dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào đầu thập kỷ tới. Nó được xây dựng dựa trên tham vọng đưa việc chuyển đổi uranium trở lại cơ sở nhiên liệu hạt nhân Springfields, cả hai đều rất quan trọng để cạnh tranh với Nga.
Trong Lộ trình, thêm 10 triệu bảng Anh cũng sẽ được cung cấp nhằm phát triển các kỹ năng và địa điểm cần thiết để sản xuất nhiên liệu hạt nhân tiên tiến khác ở Anh, giúp bảo đảm nguồn cung cấp nhiên liệu hạt nhân trong nước lâu dài, cũng như giúp đỡ các đồng minh của nước này.
Đáng chú ý, Lộ trình mới còn đặc biệt hỗ trợ sự phát triển của các lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR), mang đến giải pháp thay thế sáng tạo và hiệu quả cho các lò phản ứng hạt nhân truyền thống. Bên cạnh các nhà máy điện lớn, SMR dự kiến sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu mở rộng công suất hạt nhân của Vương quốc Anh.
Giải pháp hoàn hảo cho thách thức năng lượng
Thủ tướng Rishi Sunak nhấn mạnh: "Hạt nhân là giải pháp hoàn hảo cho những thách thức năng lượng mà nước Anh đang phải đối mặt - đây là giải pháp xanh, rẻ hơn về lâu dài và sẽ bảo đảm an ninh năng lượng của Anh". Ông coi đây là "quyết định đúng đắn về dài hạn và là bước tiếp theo trong cam kết của Anh về năng lượng hạt nhân, thúc đẩy lộ trình đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 một cách bền vững”. Theo Thủ tướng, điều này không chỉ bảo đảm an ninh năng lượng trong tương lai, mà còn giúp nâng tầm đất nước và phát triển kinh tế. Hiện xứ sở sương mù đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, một phần do giá dầu và khí đốt tăng vọt - hệ lụy từ cuộc xung đột tại Ukraine.
Chính phủ Anh cũng mới công bố hai cuộc tham vấn. Cuộc đầu tiên, “Phương pháp tiếp cận địa điểm các nhà máy điện hạt nhân mới sau năm 2025” bắt đầu quá trình hướng tới việc chỉ định Tuyên bố chính sách quốc gia (NPS) mới sẽ áp dụng cho các nhà máy hạt nhân được triển khai sau năm 2025. Nó sẽ được triển khai như ưu tiên chính, trong đó tập trung vào các dự án sản xuất điện hạt nhân được coi là “ưu tiên quốc gia quan trọng” trong hệ thống quy hoạch. Cuộc tham vấn chứ hai, “các lộ trình thay thế để tiếp thị những dự án hạt nhân mới”, lại tìm cách xác định các bước mà Chính phủ có thể thực hiện để giúp giới thiệu các công nghệ hạt nhân tiên tiến mới.
Vương quốc Anh hiện có 9 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động tại 5 địa điểm nhưng nhiều lò đã gần hết thời gian cấp phép. 6 lò phản ứng tại 3 địa điểm đã ngừng hoạt động kể từ năm 2021 và sẽ bị dỡ bỏ. London dự định xây dựng tối đa 8 lò phản ứng mới vào năm 2050.
Các quan chức của xứ sở sương mù cho rằng, năng lượng hạt nhân cung cấp điện có hàm lượng carbon rất thấp, do đó "không có con đường đáng tin cậy nào để đạt được mức phát thải ròng bằng 0" nếu không có nó.
Tuy nhiên, một số nhà khoa học đang chỉ ra những thách thức mà Lộ trình Hạt Nhân dân sự của Anh có thể gặp phải. Chẳng hạn, Tiến sĩ Simon Cran-McGreehin từ tổ chức nghiên cứu khí hậu ECIU cảnh báo: "Lịch sử hạt nhân cho chúng ta thấy rằng, nó rất tốn kém và thường khó xây dựng, phức tạp cũng như mất nhiều thời gian hơn dự kiến".
Thực vậy, Vương quốc Anh hiện có một nhà máy điện hạt nhân đang được xây dựng, Hinkley Point C công suất 3,2GW, hiện có chi phí là 32,7 tỷ bảng Anh thay vì 18 tỷ bảng Anh được phê duyệt ban đầu và sẽ đi vào hoạt động muộn vài năm. Một nhà máy nữa đang được triển khai, Sizewell C ở Suffolk, dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2034, muộn hơn 10 năm so với kế hoạch.
Trong khi đó, ông Tom Burke, Chủ tịch của tổ chức nghiên cứu khí hậu E3G gọi các kế hoạch trong Lộ trình là "ảo tưởng". Vì "nó sẽ không giúp đáp ứng mục tiêu trung hòa carbon của Chính phủ hiện tại vào năm 2035, bởi vì sẽ khó có thể bắt đầu nó vào năm 2035". Cả Tiến sĩ Simon và ông Tom Burke đều cho rằng, năng lượng tái tạo và lưu trữ pin đã được chứng minh là rẻ hơn và được triển khai nhanh hơn.