Dự luật EECA là một trong số các sáng kiến quan trọng được đưa ra trong giai đoạn đầu tiên của Lộ trình Chuyển đổi năng lượng quốc gia (NETR) mà Bộ Kinh tế nước này thúc đẩy thời gian gần đây, nhằm cải thiện và tăng cường hiệu quả sử dụng cũng như tránh lãng phí năng lượng, phù hợp với cam kết của Malaysia hướng tới giảm 45% lượng phát thải khí nhà kính trên toàn nền kinh tế vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Hiệu suất năng lượng được định nghĩa trong EECA có nghĩa là hiệu quả tiêu thụ “năng lượng” hoặc “tài nguyên năng lượng” dẫn đến tăng lợi ích ròng trên mỗi đơn vị năng lượng. Do đó, Luật tập trung vào việc tiêu thụ chứ không phải tính bền vững của năng lượng.
“Năng lượng” được quy định trong dự luật bao gồm: điện, nước lạnh, hơi nước và nước nóng; còn “tài nguyên năng lượng” là 23 loại tài nguyên được quy định bao gồm than đá, than cốc, than bùn, khí tự nhiên hóa lỏng, khí tự nhiên, butan, propan, etan, metan, quang điện mặt trời, nhiệt mặt trời, khí sinh học, dầu diesel sinh học, than củi, chùm quả rỗng, chất xơ trung bình và vỏ hạt cọ.
Người tiêu dùng công nghiệp và thương mại
Dự luật này được thiết kế nhằm hướng tới khoảng 1.500 người tiêu dùng công nghiệp, chiếm 70% mức tiêu thụ năng lượng đáng kể trong ngành và khoảng 500 người tiêu dùng thương mại, với mức tiêu thụ hàng năm vượt quá 21.600 gigajoules (GJ).
Cụ thể, người tiêu dùng công nghiệp và thương mại lớn sẽ phải thực hiện một số hành động như: Chỉ định một nhà quản lý năng lượng. Người này sẽ chịu trách nhiệm giám sát kiểm toán năng lượng và phát triển hệ thống quản lý năng lượng. Và các nhà quản lý năng lượng sẽ chịu trách nhiệm thực hiện kiểm toán năng lượng thường xuyên để xác định các cơ hội cải thiện hiệu quả năng lượng. Người tiêu dùng lớn cũng sẽ phải cung cấp báo cáo định kỳ về mức tiêu thụ năng lượng của họ cho các cơ quan quản lý, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Các tòa nhà văn phòng
Đối với các tòa nhà văn phòng có diện tích lớn hơn 8.000m2, chủ sở hữu của các tòa nhà sẽ phải tuân theo các tiêu chuẩn về hiệu quả năng lượng, góp phần giảm mức tiêu thụ năng lượng và lượng khí thải, cụ thể như sau: Dán nhãn cường độ năng lượng theo hướng dẫn của cơ quan quản lý ở nơi dễ thấy của tòa nhà; bảo đảm hiệu suất cường độ năng lượng của tòa nhà tuân thủ xếp hạng do cơ quan quản lý quy định; chỉ định một kiểm toán viên năng lượng chịu trách nhiệm kiểm toán và nộp báo cáo cho cơ quan quản lý; xây dựng kế hoạch cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng cho tòa nhà.
Các sản phẩm sử dụng năng lượng
Các sản phẩm sử dụng năng lượng cũng phải tuân theo quy định mới của dự luật. “Sản phẩm sử dụng năng lượng” được định nghĩa là bất kỳ thiết bị, dụng cụ, vật dụng hoặc vật phẩm nào sử dụng năng lượng hoặc nguồn năng lượng. Các sản phẩm này sẽ phải tuân theo các yêu cầu sau: Phải có giấy chứng nhận về hiệu suất năng lượng và phải được dán nhãn về hiệu quả năng lượng do Ủy ban Năng lượng cấp trước khi được phân phối, bán hoặc quảng cáo. Các nhà sản xuất hoặc nhập khẩu phải đăng ký với Ủy ban Năng lượng trước khi tham gia sản xuất hoặc nhập khẩu các sản phẩm sử dụng năng lượng.
Tiềm năng của EECA
Mặc dù EECA không trực tiếp buộc người tiêu dùng năng lượng giảm tiêu thụ năng lượng, nhưng Luật sẽ thúc đẩy hiệu quả năng lượng bằng cách buộc người tiêu dùng quản lý mức tiêu thụ năng lượng của họ, bảo đảm rằng năng lượng nằm trong giới hạn hiệu quả năng lượng quy định và hỗ trợ họ điều chỉnh kế hoạch quản lý năng lượng hiệu quả theo hoạt động kinh doanh. EECA giúp tăng cường khung pháp lý về hiệu quả năng lượng ở Malaysia bằng cách bảo đảm sự tham gia đầy đủ ở các cấp độ khác nhau của các cơ quan và tổ chức.
Mặc dù các doanh nghiệp dường như không thể tránh khỏi việc phải chịu thêm chi phí để tuân thủ EECA, nhưng Chính phủ ước tính rằng việc tuân thủ EECA sẽ giảm hóa đơn tiền điện tới 25% về lâu dài. Luật mới có thể tiết kiệm mức tiêu thụ năng lượng đáng kinh ngạc là 2.017 triệu GJ, tương đương với khoảng 100 tỷ ringgit (20,54 tỷ USD) vào năm 2050.
Sáng kiến này cũng sẽ góp phần giảm lượng khí thải carbon tương đương 200.000 kiloton CO2 trong cùng thời kỳ. Điều này thể hiện một bước tiến đáng kể trong nỗ lực của Malaysia nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và thúc đẩy sự bền vững của môi trường, đồng thời góp phần hiện thực hóa cam kết quốc gia nhằm đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2025.
Hơn nữa, luật dự kiến sẽ thúc đẩy sự phát triển của các cơ hội việc làm mới trong quản lý và kiểm toán năng lượng, nhấn mạnh tiềm năng phát triển kinh tế và xanh hóa nền kinh tế.
Do 6 quốc gia ASEAN, trong đó có Singapore và Philippines đã có các quy định về hiệu quả năng lượng tương tự, việc thông qua dự luật EECA không chỉ kịp thời mà còn cho thấy rằng Malaysia nhận ra tầm quan trọng của việc đưa các quy định về hiệu quả năng lượng của đất nước phù hợp với thực tế và những tiêu chuẩn được công nhận rộng rãi.