Thúc đẩy quyền lập pháp thực chất

- Chủ Nhật, 15/05/2022, 08:26 - Chia sẻ

Lập pháp là một trong ba chức năng cơ bản của Quốc hội Lào. Chức năng này được cụ thể hóa thành các nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội, đó là làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp, làm luật và sửa đổi luật, quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Thúc đẩy quyền lập pháp thực chất -0
Quang cảnh kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa IX của Lào. Ảnh: TTXVN

Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của bộ máy nhà nước Lào từ sau khi đất nước được giải phóng đến nay, Đảng và Nhà nước Lào đã hết sức quan tâm đến việc thành lập, củng cố và phát triển cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân các bộ tộc Lào - Quốc hội Lào.

 Hiến pháp năm 1991 xác định địa vị pháp lý của Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, là cơ quan có quyền lập hiến, lập pháp, có quyền giám sát tối cao và quyết định những vấn đề cơ bản của đất nước. Đến Hiến pháp sửa đổi năm 2003, chức năng lập pháp của Quốc hội tiếp tục được khẳng định và phát triển một cách đầy đủ và toàn diện hơn với quy định: “Quốc hội là cơ quan lập pháp có quyền đưa ra quyết định về các vấn đề cơ bản của đất nước”, chức năng này được cụ thể hóa thành các nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội, đó là “chuẩn bị, thông qua hoặc sửa đổi Hiến pháp; xem xét, thông qua, sửa đổi hoặc bãi bỏ luật, pháp lệnh, quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh”.

Về mối quan hệ giữa chủ thể của quyền lập pháp và chủ thể trình dự án luật, Điều 52 Hiến pháp sửa đổi năm 2003 quy định: “Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp”. Chủ thể trình dự án luật theo Điều 59 Hiến pháp sửa đổi năm 2003 bao gồm: “Chủ tịch Nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Mặt trận Lào xây dựng đất nước và các tổ chức đoàn thể ở trung ương”. Như vậy, Quốc hội là chủ thể duy nhất có quyền lập pháp còn các chủ thể trình dự án luật thì rất rộng, bao gồm nhiều cơ quan tổ chức và cá nhân khác nhau. Điều đó cho thấy Quốc hội nắm quyền lập pháp hoặc thực hiện chức năng lập pháp của mình chính là Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn xem xét, thẩm tra, thông qua các dự án luật do các chủ thể trên trình ra trước Quốc hội. Chỉ thông qua quyền này của Quốc hội thì các dự án luật đó mới chính thức trở thành luật, có hiệu lực pháp lý để điều chỉnh các quan hệ xã hội.

Cũng như hầu hết các nghị viện trên thế giới, các dự án luật đều do cơ quan hành pháp chuẩn bị vì chỉ có cơ quan này mới nắm vững nhất nhu cầu điều chỉnh quan hệ xã hội bằng pháp luật qua thực tiễn quản lý nhà nước. Tuy nhiên, việc Quốc hội chỉ thực hiện chức năng lập pháp bằng xem xét, thẩm tra, thảo luận thông qua dự án luật do các chủ thể khác trình là không đủ. Quốc hội cũng phải tăng cường mạnh mẽ việc tự mình đưa ra được các dự án luật một cách chủ động từ vai trò của các ủy ban chuyên trách. Có như vậy thì Quốc hội mới xứng đáng với vai trò là cơ quan thực hiện chức năng lập pháp và nắm quyền lập pháp một cách thực chất.

QUỲNH VŨ