Quốc hội Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào

Một Quốc hội ngày càng mang tính đại diện

- Thứ Bảy, 14/05/2022, 08:09 - Chia sẻ

Với số lượng đại biểu hạn chế, Quốc hội Lào cũng có một cơ cấu tổ chức khá tinh gọn với 8 ủy ban. Bên cạnh đó, do tính chất hoạt động không thường xuyên (mỗi năm họp 2 lần), Quốc hội Lào thành lập Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực, với chức năng và quyền lực rộng lớn được ví như cánh tay phải của Quốc hội, thay mặt Quốc hội giải quyết các vấn đề giữa hai kỳ họp.

Đại biểu Quốc hội

Điều 45 Luật Tổ chức Quốc hội Lào quy định đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là người đại diện ý chí và nguyện vọng của toàn thể các dân tộc Lào, do cử tri Lào trực tiếp bầu ra. Quốc hội Khóa IX có 164 ĐBQH. Nhiệm kỳ của ĐBQH là 5 năm được tính từ kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa đó đến kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa sau. Trong trường hợp cần thiết, Quốc hội sẽ tổ chức bầu đại biểu bổ sung và nhiệm kỳ của đại biểu này cũng kết thúc cùng với nhiệm kỳ của Quốc hội.

Một Quốc hội ngày càng mang tính đại diện -0
Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Lào Khóa IX bế mạc ngày 26.3.2021
Ảnh: TTXVN

ĐBQH được pháp luật bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Những hành vi cản trở ĐBQH thực hiện nhiệm vụ sẽ bị xử lý theo pháp luật. Tuy nhiên, trong trường hợp phạm tội quả tang, hoặc trường hợp khẩn cấp cần phải bắt giữ, thì người hoặc cơ quan thực thi lệnh bắt giữ phải báo ngay cho Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. ĐBQH không thể bị cơ quan, đơn vị nơi đại biểu làm việc cách chức, buộc thôi việc nếu không có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Vào đầu mỗi khóa lập pháp, Quốc hội bầu ra cơ quan điều hành của mình là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đảm nhiệm công việc của Quốc hội trong thời gian giữa hai kỳ họp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội bao gồm Chủ tịch, Phó chủ tịch và các ủy viên. Chủ tịch và Phó chủ tịch Quốc hội đồng thời sẽ là Chủ tịch và Phó chủ tịch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Khác với cơ quan Thường trực hoặc cơ quan điều hành của các Nghị viện khác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lào được trao quyền lực rộng lớn.

Cơ quan này có nhiệm vụ chuẩn bị các kỳ họp của Quốc hội và đảm bảo việc thực hiện chương trình kỳ họp, giải thích Hiến pháp và pháp luật. Trong thời gian Quốc hội không họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được quyền phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó thủ tướng, Bộ trưởng, các thủ trưởng cơ quan ngang bộ trên cơ sở đề cử của Thủ tướng và báo cáo với Quốc hội trong kỳ họp gần nhất; đề xuất với Chủ tịch Nước xem xét ban hành lệnh ân xá; chịu trách nhiệm giám sát việc thực thi Hiến pháp, pháp luật, và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước của cơ quan hành pháp, tòa án nhân dân và viện kiểm sát nhân dân. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn có quyền bổ nhiệm và bãi miễn chủ tịch, các phó chủ tịch cũng như là thành viên của Hội đồng Nhân dân các cấp. Bổ nhiệm và phế truất Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và chủ nhiệm các ủy ban của Văn phòng. Trực tiếp điều hành hoạt động của các ủy ban và ĐBQH ở các Hội đồng Nhân dân, Văn phòng Quốc hội. Xem xét giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân, ban hành nghị quyết và pháp lệnh về những lĩnh vực được Quốc hội cho phép; có trách nhiệm báo cáo trước Quốc hội hoạt động của mình trong thời gian Quốc hội không họp. Được quyền thành lập ủy ban lâm thời để xem xét bất kỳ một quyết định nào khi cần thiết. Về thực chất, trong thời gian Quốc hội không họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính là cơ cấu có sức mạnh và quyền điều hành cũng như quyền quyết định các vấn đề, chính sách của cả Quốc hội - một quyền hành rất lớn, có thể gọi là một quyền năng thực thụ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp mỗi tháng một lần do Chủ tịch triệu tập. Trong những trường hợp đặc biệt hoặc khẩn cấp, Ủy ban thường vụ Quốc hội có thể tiến hành họp đột xuất. Tuy nhiên, cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ có thể diễn ra nếu có ít nhất 2/3 số thành viên có mặt. Cơ quan này có quyền quyết định mời bất kỳ ai tham gia phiên họp của mình nhưng người này chỉ được quyền tham dự mà không có quyền bỏ phiếu.

Các ủy ban của Quốc hội

Các ủy ban của Quốc hội Lào hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ và cân đối giữa trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm tập thể, thảo luận trong các cuộc họp và quyết định theo đa số, phối hợp hoạt động với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ủy ban khác, các tổ chức Đảng, Mặt trận Lào xây dựng đất nước. Phiên họp toàn thể của các ủy ban được diễn ra ít nhất một lần trong năm, trước khi Quốc hội tiến hành phiên họp thường kỳ. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết, các ủy ban có thể tiến hành họp bất kỳ lúc nào hoặc họp phối hợp với các ủy ban khác.

4 kiểu phiên họp

Phiên họp của Quốc hội có 4 loại: Phiên khai mạc, phiên họp thường kỳ, phiên họp bất thường và phiên họp đặc biệt.

Phiên khai mạc của Quốc hội được triệu tập trước 60 ngày ngay khi Quốc hội mới được bầu. Chủ tịch Quốc hội khóa trước chủ trì và hướng dẫn phiên khai mạc cho đến khi Chủ tịch Quốc hội mới được bầu.

Quốc hội tiến hành phiên họp thường kỳ 2 lần mỗi năm. Kỳ họp đầu tiên diễn ra vào tháng 2 và phiên thứ hai thường để xem xét các vấn đề chung, Kỳ họp thứ hai diễn ra vào tháng 9, thường để xem xét các vấn đề tài chính. Cụ thể, như nghe và xem xét báo cáo thường niên hoạt động của Chính phủ, xem xét thông qua chương trình phát triển kinh tế cũng như ngân sách nhà nước; nghe và xem xét báo cáo thường niên của Tòa án Nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cũng như một số vấn đề quan trọng khác.

Kỳ họp Quốc hội sẽ được triệp tập với 1/2 số thành viên Quốc hội, các quyết định được coi là hợp lệ với 1/2 số thành viên nhóm họp trừ những quyết định quan trọng về nhiệm kỳ Quốc hội, bầu hoặc bãi nhiệm Chủ tịch nước.

Bên cạnh đó, Quốc hội có thể triệu tập phiên họp bất thường hoặc phiên họp đặc biệt để xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng và cần thiết theo quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; theo kiến nghị của Chủ tịch nước, Thủ tướng hoặc 1/4 tổng số ĐBQH.

Quốc hội Khóa IX

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Lào Khóa IX được tổ chức vào ngày 21.2.2021, bầu ra 164 ĐBQH trong số 224 ứng cử viên, trong đó 158 ghế thuộc về đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Trong phiên khai mạc, Tiến sĩ Saysomphone Phomvihane được bầu làm Chủ tịch Quốc hội và năm Phó Chủ tịch được bầu trong sự kiện này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm 15 thành viên. Quốc hội Lào Khóa IX có chín ủy ban bao gồm: Ủy ban Pháp luật; Ủy ban Tư pháp; Ủy ban Kinh tế, Công nghệ và Môi trường; Ủy ban Kế hoạch, Tài chính và Kiểm toán; Ủy ban Văn hóa - Xã hội; Ủy ban Dân tộc; Ủy ban Quốc phòng và An ninh; Ủy ban Đối ngoại; Ủy ban về các vấn đề Hiến pháp. Ngoài, có Ban Thư ký và các Tổ ĐBQH tại 18 khu vực bầu cử. Theo sự cho phép của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện Nghiên cứu pháp luật được thành lập.

Cần nhấn mạnh rằng, số lượng ĐBQH không ngừng tăng lên. Cơ quan lập pháp khóa đầu tiên bao gồm 45 thành viên, trong đó có 4 nữ. Cơ quan lập pháp Khóa IX gồm 164 thành viên, trong đó có 36 nữ (21,95%). Hiện nay, Quốc hội Lào Khóa IX đang hoàn thành và mở rộng vai trò, chức năng của mình theo quy định của Luật Quốc hội ban hành năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2015.

Những thành tựu và hoạt động đã đạt được là bài học kinh nghiệm quý báu cho cơ quan lập pháp mới của Quốc hội cũng như cho các cơ quan lập pháp sau này. Các khóa lập pháp của Quốc hội đều thông qua các luật và quy định phù hợp với tốc độ phát triển của đất nước. Đến nay, 156 luật đã được thông qua và nhiều luật ban hành đã được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tế và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, từ đó thúc đẩy sự tin tưởng của người dân Lào thuộc mọi thành phần xã hội.

QUỐC ĐẠT