Kỳ họp lưỡng Hội của Trung Quốc:

7 vấn đề kinh tế trọng điểm

- Thứ Hai, 06/03/2023, 14:26 - Chia sẻ

Từ việc công bố mục tiêu tăng trưởng kinh tế hàng năm đến giải quyết những thay đổi về nhân khẩu học và tỷ lệ thất nghiệp cao,… từ việc bổ sung một loạt nhân sự cho các cơ quan quản lý kinh tế mới đến những chương trình cải cách mới… sẽ là những trọng điểm được nêu bật tại các phiên họp thường niên của kỳ họp lưỡng Hội đang diễn ra. Giới lãnh đạo Trung Quốc đang tìm cách khơi dậy niềm tin ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Sau ba năm gián đoạn vì Covid-19, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC) và cơ quan cố vấn chính trị Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) đang nhóm họp đầy đủ, với khoảng 5.000 đại biểu đến Bắc Kinh để họp tại Đại lễ đường Nhân dân. Được gọi chung là “lưỡng Hội”, đây là kỳ họp đầu tiên sau Đại hội Đảng lần thứ 20 vào tháng 10.2022, trong đó ông Tập Cận Bình đã được tín nhiệm bầu làm Tổng Bí thư thêm 5 năm nữa, đánh dấu nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp của ông kể từ năm 2012.

Kỳ họp mang tính lịch sử này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế và xã hội Trung Quốc nói chung đang tìm cách trở lại đúng hướng sau gần ba năm sống chung với những tác động gây tê liệt của chính sách Zero Covid. Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với những thách thức đặc biệt nghiêm trọng đối với các mục tiêu của mình, từ cả nội tại và bên ngoài; bên cạnh đó hàng loạt yếu tố tác động khác khiến các cuộc họp lưỡng hội năm nay trở nên đặc biệt quan trọng để đưa ra các công cụ chính sách. Dưới đây là bảy điểm kinh tế quan trọng sẽ được các nhà lãnh đạo đưa lên bàn nghị sự.

1. Các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế

Tăng trưởng dự kiến ​​trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc là mục tiêu thu hút sự chú ý nhất trong năm nay. Nền kinh tế Trung Quốc đã không đạt được mục tiêu tăng trưởng năm ngoái là “khoảng 5,5%”, chỉ tăng 3% vào năm 2022 - mức thấp thứ hai được ghi nhận kể từ năm 1976 và chỉ nhỉnh hơn một chút so với mức tăng trưởng 2,2% được báo cáo vào năm 2020.

Năm nay, sau khi Trung Quốc nhanh chóng từ bỏ chính sách Zero Covid vào tháng 12.2020, các nhà phân tích kỳ vọng mục tiêu tăng trưởng sẽ được đẩy lên trên 5%, và thực tế là trong Báo cáo đọc tại Phiên khai mạc hôm 5.2, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã thông báo mục tiêu GDP là 5%. Điều này báo hiệu rằng “giới lãnh đạo muốn thúc đẩy nền kinh tế hoạt động tốt, nhưng cũng không muốn thiết lập tiêu chuẩn quá cao”, theo Trivium China, một viện nghiên cứu chính sách.

Công ty tư vấn này cho biết: “Nếu chính phủ đặt mục tiêu quá cao, các quan chức sẽ chịu áp lực phải đẩy mạnh tăng trưởng, nghĩa là các công ty có thể muốn điều chỉnh lại các giả định về tăng trưởng doanh thu vào năm 2023. Ngược lại, một mục tiêu ít tham vọng hơn sẽ gây ít áp lực hơn cho các quan chức, giúp họ có nhiều khả năng hơn để tập trung vào các vấn đề cơ cấu trung và dài hạn”.

Người ta cũng kỳ vọng rằng Bắc Kinh sẽ tăng thâm hụt tài chính từ 2,8% GDP của năm ngoái lên 3% GDP, với nhiều hỗ trợ tài chính hơn sẽ được sử dụng để thúc đẩy tăng trưởng.

2. Nhân sự quản lý kinh tế mới

Các quan chức chính phủ mới sẽ được bổ nhiệm vào cuối hai phiên họp, bao gồm cả những người chịu trách nhiệm giám sát sự phát triển kinh tế của đất nước.

Ông Lý Cường, người vừa được bầu vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất khóa XX và xếp ở vị trí thứ hai sau Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình, người được miêu tả là một nhà ủng hộ cải cách kinh tế, đã sẵn sàng đảm nhận chức vụ Thủ tướng. Nhưng vẫn còn những điều không chắc chắn về việc ai sẽ nắm quyền điều hành một số vị trí chủ chốt quan trọng đối với doanh nghiệp, bao gồm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, cơ quan hoạch định nhà nước; Bộ Tài chính; Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc; và Bộ Khoa học và Công nghệ.

Trong một cuộc họp gần đây của Đảng Cộng sản, Tổng bí thư Tập Cận Bình đã đề cập đến các kế hoạch tái cơ cấu quy mô lớn, cho rằng kế hoạch này rất quan trọng và nỗ lực này có vẻ sẽ có tác động kinh tế lớn đối với đất nước. Thông tin chi tiết sẽ được tiết lộ tại cuối kỳ họp lưỡng Hội.

3. Thách thức về nhân khẩu học

Các vấn đề dân số sẽ là một trong những chủ đề nóng nhất cho các đề xuất trong năm nay, khi Trung Quốc ghi nhận sự sụt giảm dân số đầu tiên trong sáu thập kỷ vào năm ngoái, càng làm dấy lên mối lo ngại về cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ngày càng trầm trọng của đất nước.

Trong khi nhiều ý tưởng nhằm tăng tỷ lệ sinh dự kiến ​​sẽ được triển khai, các cuộc thảo luận rộng rãi về các giải pháp cho một xã hội đang già đi nhanh chóng cũng có thể được thúc đẩy: Trung Quốc sẽ đáp ứng nhu cầu của số lượng người cao tuổi ngày càng tăng ở cả khu vực thành thị và nông thôn như thế nào; liệu Trung Quốc có nâng độ tuổi nghỉ hưu hay không; Trung Quốc sẽ đối phó với lực lượng lao động đang bị thu hẹp như thế nào; và bằng những cách nào Trung Quốc có thể tiếp tục khai thác lợi tức nhân khẩu học, vốn phản ánh tiềm năng tăng trưởng kinh tế do sự thay đổi trong cơ cấu tuổi của dân số?

Trung Quốc ghi nhận 9,56 triệu trẻ sơ sinh vào năm ngoái - con số thấp nhất trong lịch sử hiện đại của quốc gia và lần đầu tiên con số này giảm xuống dưới 10 triệu.

4. Giải pháp cho vấn đề việc làm

Việc làm sẽ vẫn là một thách thức lớn trong nỗ lực ổn định nền kinh tế trong năm nay, đặc biệt là đối với thanh niên, sinh viên mới tốt nghiệp và lao động nhập cư.

Tỷ lệ thất nghiệp được khảo sát đối với những người từ 16 đến 24 tuổi là 16,7% trong tháng 12.2020, giảm nhẹ so với mức cao nhất gần 20% trong mùa hè, nhưng vẫn ở mức cao trong lịch sử. Trong khi đó, con số này là 5,5% trong tháng 12.2020 đối với dân số thành thị nói chung, sau khi duy trì ở mức cao trong cả năm.

Để giải quyết thêm những trở ngại liên tục nảy sinh mà những người trẻ đang tìm việc phải đối mặt, năm nay 11,58 triệu sinh viên đại học chuẩn bị tốt nghiệp, phá vỡ kỷ lục lịch sử 10,76 triệu vào năm ngoái.

Các cách thúc đẩy bình đẳng trong thị trường lao động, cũng như các đề xuất hợp pháp hóa hơn nữa công việc tự do, cũng có thể được thảo luận.

5. Kiểm soát rủi ro

Trung Quốc đang chuẩn bị đưa các hoạt động kinh tế trở lại đúng hướng trong năm nay, đồng thời cố gắng giảm thiểu rủi ro tài chính có thể đe dọa tăng trưởng kinh tế bấp bênh.

Các chuyên gia kỳ vọng chính phủ sẽ mở rộng hỗ trợ và can thiệp đối với lĩnh vực bất động sản đang chao đảo của Trung Quốc, vì đầu năm nay các kế hoạch đã được công bố nhằm nới lỏng chính sách “ba lằn ranh đỏ” nghiêm ngặt và cho phép các công ty bất động sản vay nhiều hơn trong khi tăng thời gian ân hạn để đáp ứng các mục tiêu nợ.

Các nhà hoạch định chính sách có thể quan tâm đến việc kiểm soát khoản nợ ngầm của chính quyền địa phương và dự kiến ​​hạn ngạch hàng năm cho trái phiếu có mục đích đặc biệt của chính quyền địa phương có thể được đặt ở mức từ 3,8 nghìn tỷ đến 4 nghìn tỷ Nhân dân tệ, giảm so với mức 4,15 nghìn tỷ Nhân dân tệ thực tế (601 tỷ USD) vào năm ngoái.

Ngoài ra, thị trường bên ngoài suy yếu đồng nghĩa với triển vọng xuất khẩu phức tạp hơn đối với một trong những nguồn tăng trưởng kinh tế quan trọng nhất của Trung Quốc.

6. Tự chủ về công nghệ

Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhiều lần kêu gọi tự chủ về công nghệ trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị với Mỹ. Các chuyên gia nước này mong đợi sự những hỗ trợ tài chính khổng lồ sẽ được công bố cho nghiên cứu trong lĩnh vực này.

Iris Pang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của Ngân hàng dịch vụ tài chính đa quốc gia ING cho biết: “Chính phủ Trung Quốc sẽ tài trợ cho cả các cơ quan nghiên cứu công và tư nhân tham gia vào R&D, với mục đích cuối cùng là đạt được sự tự lực trong công nghệ tiên tiến”.

Cuối tháng trước, ông Tập Cận Bình đã nhắc lại tầm quan trọng thiết yếu của các công nghệ cốt lõi và đạt được sự tự lực, và những điều này ngày càng trở thành chủ đề nổi bật tại các cuộc họp cấp cao của chính phủ.

Các nhà phân tích từ Trivium China cho biết họ mong đợi chính sách cụ thể hơn để hỗ trợ nghiên cứu cơ bản và điều này có thể bao gồm tăng chi tiêu cho R&D, trau dồi tài năng nghiên cứu và tăng cường hợp tác giữa các trường đại học và công ty công nghệ để thay thế công nghệ nước ngoài.

7. Lấy lại sự tự tin

Một câu hỏi lớn đối với Trung Quốc là làm thế nào để khôi phục niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng, vì thiếu niềm tin sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng trong nước.

Trong hai năm qua, chính sách zero Covid hà khắc cùng với việc thắt chặt các quy định thị trường đã làm sụt giảm niềm tin của nhiều đối tượng: các công ty nước ngoài và tư nhân ngần ngại đầu tư, trong khi người tiêu dùng và các hộ gia đình không muốn chi tiêu trong bối cảnh khả năng phục hồi kinh tế còn mù mịt.

Trong trường hợp chưa thể đưa ra dự đoán chắc chắn, thị trường đang theo dõi chặt chẽ những tín hiệu quan trọng nào sẽ xuất hiện từ kỳ họp lưỡng Hội lần này, bất cứ điều gì có thể giúp khôi phục niềm tin.

Quốc Đạt

Theo SCMP

#